Triền miên với chuỗi ngày sống trong vô thức nhưng sâu thẳm nơi ký ức của người phụ nữ đã 80 tuổi vẫn luôn ùa về những hình ảnh đau thương của những năm tháng chiến tranh khiến người đối diện cứ thấy nghèn nghẹn…
Bà Nguyễn Thị Tân chăm sóc, vỗ về bà Lê Thị Cầm. |
Mỗi khi đến thăm nhà, người ta thường bắt gặp hình ảnh bà Lê Thị Cầm, thương binh loại 4/4 (thôn Đông Hồ, xã Điện Hòa, Điện Bàn) ngồi trên chiếc ghế gỗ ở phía nhà dưới. Bàn tay gầy gò, nổi những gân xanh của bà Cầm cứ miết thành những vòng tròn vô định trên mặt kiếng của chiếc bàn ăn, miệng lẩm bẩm những điều vô nghĩa. Lâu nay, mọi người thường nghe bà la hét với những câu đầy bấn loạn như: “Sợ quá đi, hắn tra khảo tôi bằng rắn”, “Tôi đâu có biết chi mà khai”, “Cứu tôi với”… Đề phòng bà Cầm lẩn thẩn, đi lại té ngã, người con trai út cẩn thận dùng chiếc áo vải thun mềm cột cố định bà cùng với chiếc ghế vào bức tường. Thấy có khách lạ đến thăm, bà cười nói huyên thiên rồi hét lên, giọng gấp gáp, đứt quãng: “Tôi không muốn đi đâu, các người đừng bắt ép tôi. Hãy để cho tôi về với gia đình, với các con!”.
Tại Điều 12, Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 25.6.2006 của Chính phủ quy định: “Thương binh được kết luận thương tật tạm thời từ 21% trở lên sau 3 năm được giám định lại thương tật để xác định tỷ lệ thương tật vĩnh viễn. Thương binh sau khi đã được giám định thương tật mà bị thương tiếp do một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP thì được giám định bổ sung”. |
Bà Nguyễn Thị Tân - Chi hội trưởng Hội Tù yêu nước thôn Đông Hồ ôm chặt bà Cầm vỗ về, giọng ngậm ngùi: “Bị địch bắt bớ, tra tấn dã man quá mà bây giờ chị Cầm trở thành người như vậy. Gần chục năm nay, dù phải sống trong nỗi đau vô thức nhưng ký ức của chị Cầm vẫn không thôi bị ám ảnh các cảnh bắt bớ, đòn tra khảo dã man, tàn độc của kẻ thù”. Khi bà Cầm không còn la hét; biểu hiện nỗi bất an trước những người khách lạ dần mất đi, bà Tân chậm rãi kể: Thời còn con gái, bà Lê Thị Cầm là một trong những cán bộ phụ nữ hoạt động cách mạng hết sức gan dạ, quả cảm tại vùng đất được kẻ địch xác định là “tọa độ chết” - xóm Chín Chủ thuộc làng Đông Hồ (xã Điện An cũ).
Các thời điểm 1969-1970-1971, khi Mỹ ngụy đẩy mạnh thực hiện cuộc chiến tranh với âm mưu dùng người Việt đánh người Việt, khiến cuộc chiến càng trở nên ác liệt. Kéo theo đó, nhiều người không trụ nổi phải bứt ra khỏi hàng ngũ cách mạng, trở thành kẻ chiêu hồi, tay sai của kẻ thù. Vì vậy, những người tiếp tục bám trụ hoạt động đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, gian khổ, hiểm nguy. Khi ấy, bà Cầm được giao nhiệm vụ Trưởng ban đấu tranh chính trị của xã Điện An (cũ), với các nhiệm vụ đấu tranh chính trị, vận động nhân dân kiên trì bám đất giữ làng, tham gia nuôi giấu cán bộ, bảo vệ phong trào cách mạng. Chồng bà Cầm đã hy sinh ngay tại mảnh đất quê hương. “Cuộc chiến quá khốc liệt, chúng tôi lúc nào cũng có thể bị kẻ thù bắt bớ, tra khảo, mua chuộc nên chị em luôn làm công tác tư tưởng cho nhau là sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Bởi dù kiên tâm một lòng theo cách mạng nhưng nếu không may bị địch bắt, bị trùm đầu, bắt mặc quân phục ngụy và bị đưa đến trước đông đảo nhân dân đều gây tác động xấu đến uy tín người cán bộ, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân vào cách mạng”- bà Tân vừa vỗ về bà Cầm, vừa tâm tình.
Bà Lê Thị Ba cùng hoạt động với bà Cầm ngày ấy góp chuyện, cuối năm 1971, trên đường đi công tác, bà Lê Thị Cầm bị địch bắt đưa về nhà lao Hội An tra khảo với đủ các ngón đòn tàn nhẫn, kể cả thực hiện hành vi làm nhục, nhốt vào hầm rắn… Không lay chuyển được ý chí của người phụ nữ cộng sản, chúng tức tối đưa bà Cầm vào giam giữ tại nhà lao Chí Hòa. Đất nước giải phóng, bà Cầm được về lại quê hương và tiếp tục tham gia hoạt động chính quyền ở cơ sở. “Tuổi cao, những tổn thương về mặt thể xác khiến sức khỏe chị ngày càng suy kiệt, thần kinh cũng bị chấn động mạnh bởi các di chứng đòn roi khiến chị Cầm thường xuyên lên cơn động kinh, dần dà rơi vào trạng thái vô thức khiến ai cũng cảm thấy xót xa, thương cảm mà không thể giúp gì được”- bà Ba sụt sùi.
Anh Lê Văn Hiệp - người con trai út nhận đảm nhiệm phụng dưỡng, chăm sóc bà Cầm tâm sự: “Chứng kiến mẹ phải sống trong tình trạng vô thức nhưng lại luôn bị giằng xé bởi những ký ức đau thương của chiến tranh, anh em tôi ai cũng xót lòng, nguyện nỗ lực chăm sóc, phụng dưỡng mẹ thật chu đáo để phần nào bồi đắp những mất mát, đau thương và thiệt thòi mà bà đã gánh chịu. Thương tật của mẹ được xác định là 21% (thương binh loại 4, giám định kết quả từ năm 1990) khi bà cụ còn khá khỏe mạnh, chưa phát bệnh. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho bà cụ được giám định xác định lại tỷ lệ thương tật ở thời điểm hiện tại để có thể bổ sung chế độ cho trường hợp của bà”.
HÀN GIANG