Những ngày còn cắp sách đi học, từ Hội An ngóng lên một chút đã gặp Điện Bàn. Gần thế mà cũng vô cùng cách xa, bởi ở giữa hai địa danh gần gũi ấy là cả một cuộc chiến tranh đầy dẫy bất trắc. Ở đó nghe nói có tháp Bằng An đẹp và cổ kính lắm. Những cậu học trò lắm mơ nhiều mộng hồi ấy còn đắm say một giấc mơ Hời trong Điêu tàn của Chế Lan Viên nên rất thèm một chuyến “ngược ngàn” lên với Bằng An xem sao. Vậy mà xa vẫn cứ xa, mãi đến sau ngày giải phóng mới có được một lần diện kiến cùng “nàng Chiêm nữ”.
Rồi một Điện Bàn mê hoặc trong thơ Tường Linh - Đây Phù Kỳ sóng nước quyện đồi non hay Sáng Duy Xuyên tơ vàng giăng khắp lối/ Chiều Điện Bàn xe đạp nước thay mưa. Những chuyến đạp xe từ Hội An về chợ Bà Rén thăm quê cũng một đôi lần bắt gặp những chiều Điện Bàn xe đạp nước, nhưng đến với Phù Kỳ thì chưa. Cũng mãi đến tận hè năm lớp mười - 1973 mới có một chuyến hành hương lên miền đất quyến rũ Phù Kỳ Gò Nổi phía bên kia cầu Đen. Hồi ấy vùng đất sát bên kia cầu Đen còn gọi là Phú Phong hay Phú Hưng gì đó thì phải. Một chuyến đi vội vàng về thăm quê nhà một đứa bạn cùng lớp nhưng cũng đủ để chan chứa những nỗi niềm, cũng mở ra một khoảng trời mênh mang trong lòng một cậu học trò mới lớn lần đầu tiên đi chơi xa nhà. Không mênh mang răng được khi biết bao nhiêu lần đạp xe ngang cầu Câu Lâu ngóng lên phía núi nhiều lần ba tôi bảo: Trên ấy là Phù Kỳ, đất học, đất văn vật của Quảng Nam mình đó! Cũng vội vàng ăn một bữa mỳ Quảng quê mùa nơi một ngôi quán xiêu vẹo gần sát đầu cầu. Chàng thư sinh nhiều mơ mộng tưởng tượng ngay đến một Quán bên đường trong thơ Quang Dũng. Tôi khách qua đường trưa nắng gắt/Nghỉ nhờ đây quán lệch tường xiêu/ Giàn mướp nghèo không hứa hẹn bao nhiêu/ Mùa gạo đắt, đường xa thưa khách vắng. Quán lệch tường xiêu thì có nhưng chỉ có một bà già chứ em thì không. Ngoài kia bom đạn còn nổ rần trời ấy mà. Tôi nhớ sau bữa mỳ căng bụng chúng tôi cùng lông nhông xuống sông tắm. Một cảm giác kỳ diệu rất đỗi mơ hồ trong tôi khi chạm vào với lòng nước Thu Bồn.
Điện Bàn nhìn từ trên cao. Ảnh: DUY HIỂN |
Thời gian tôi học trung học Trần Quý Cáp cũng là thời gian kiến trúc sư Ngô Viết Thụ giúp nhà trường xây dựng tượng đài người anh hùng mà trường mang tên. Thời gian ấy chúng tôi cùng tham gia làm tập san nhà trường. Chính nhờ thế chúng tôi biết nhiều thứ về chuyện tìm hiểu thân thế cụ. Ngoài một người cháu của cụ, ông Trần Thuyên cung cấp một số tư liệu của gia đình, công việc tập hợp tư liệu gặp nhiều khó khăn, nhiều tư liệu phải qua tận bên Paris mới tìm thấy, trong đó có cả chân dung cụ. Tất cả tìm thấy từ tư liệu vụ án “yêu trảm” (chém ngang lưng) từng nổi tiếng một thời. Và càng nổi tiếng với lời kết án “mạc tu hữu” hiếm có trong sử sách. Và, danh sĩ Trần Quý Cáp đã để lại trong trí nhớ tôi một dấu ấn khó quên. Chính vì thế lại càng có nhu cầu tìm hiểu về quê hương, bản quán của cụ. Lại vẫn một Điện Bàn địa linh sinh bao nhiêu là nhân kiệt. Sau này, tôi biết thêm rằng Điện Bàn không chỉ có mỗi Trần Quý Cáp! Bao nhiêu người con của Điện Bàn được cả nước thậm chí cả thế giới biết đến.
Thời mới tập tò viết lách, khi người ta đã viết hết chữ về những đất học Bảo An, về Gò Nổi anh hùng, về Quảng Nam dinh trấn, về lúa gạo Điện Bàn, mãi cho đến một mùa hè của những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, tôi mới được cùng ăn, cùng ở với Điện Bàn. Hè năm ấy, nghe lời nhà văn Hoàng Minh Nhân, người phụ trách công tác hội viên của Hội Văn học - nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng, lại người quê Điện Bàn, tôi cùng Phùng Tấn Đông về “trú” cả tuần ở Điện Quang. “Cuộc đi” chẳng khác một trận đánh hợp đồng: anh Hoàng Minh Nhân từ Đà Nẵng vào từ hướng cầu sắt Nông Sơn, Phùng Tấn Đông đi ngả cầu Đen, còn tôi, không hiểu hứng chí thế nào lại mò mẫm ngược ra từ phía Duy Xuyên, qua cầu sắt Chiêm Sơn. Cả ba tụ về Điện Quang hình như là gần trưa thì phải.
Hồi ấy nhiều người quen lắm nhưng chỉ còn nhớ anh Cao Thanh Tấn làm Bí thư Điện Quang. Ở đó còn có Nguyễn Công Toản, hội viên chi hội sân khấu thuộc hội tỉnh. Tôi nhớ hồi ấy Nguyễn Công Toản chỉ nhà tranh vách đất. Vợ Nguyễn Công Toản nấu bánh và bám theo các chuyến tàu Bắc Nam để bán, để kiếm tiền nuôi con ăn học và nuôi... chồng “làm văn nghệ” (hồi ở lớp bồi dưỡng viết văn của tỉnh mở ở 34 Ông Ích Khiêm, Nguyễn Công Toản từng dạy tôi cách viết lời thoại trong truyện ngắn - một kiểu bị bệnh nghề nghiệp từ chỗ viết kịch bản sân khấu sang). Nay, Nguyễn Công Toản đã đi xa được mấy năm rồi. Vì nhà Toản chật quá nên cả ba cùng về ở nhà anh Tấn. Tôi nhớ hồi ấy vợ anh Tấn làm cho nhà máy ươm tơ dệt lụa Điện Quang đang hồi ăn nên làm ra. Đi giữa đất Điện Quang hồi ấy không thể không chạnh nghĩ đến các nông trang bên Liên Xô hồi cực thịnh. Lại nghĩ hình như cái sự công nghiệp hóa đã về đến tận nông thôn Điện Bàn mất rồi. Vậy thì giàu có mấy hồi! Vậy thì chẳng bao lâu nữa cũng sẽ tiến lên đến... chủ nghĩa xã hội! Cái mô hình chồng cán bộ, vợ công nhân nhà máy, con học sinh ngay chính giữa cái đất thuộc loại “nhất đẳng điền” của Quảng Nam danh tiếng một thời sao mà không tin cho được. So với bây giờ có vẻ giống như một kiểu nông thôn mới với đầy đủ 19 tiêu chí. Sau này mới thấy hóa ra mọi chuyện chẳng hề dễ dàng.
Không hiểu bằng cách nào mà cả ba đã làm ngay được một đêm thơ nhạc ra trò giữa sân bãi của xã (là nói cho oai vậy thôi chứ cuộc ấy chỉ anh Hoàng Minh Nhân và Phùng Tấn Đông lo thôi còn tôi không lẽ lại lên sân khấu đọc truyện ngắn?). Sáng ra, khi cùng ngồi uống cà phê ở một cái quán gần trụ sở ủy ban xã liền bị các bạn Điện Quang tha hồ trách, rằng sao không hú anh em một tiếng, nếu biết sớm cuộc này có lẽ sẽ “xơm trò” hơn là cái chắc! Mấy ngày sau đó, tôi và Phùng Tấn Đông hết lang thang làng trên lại đến xóm dưới. Rồi cùng nhau ra đồng viếng tiền nhân. Lúc đứng giữa nghĩa trang, bên mộ cụ Hoàng Diệu tổng đốc lại đúng khi một chuyến tàu ùng ùng từ Sài Gòn xuôi ra Bắc. Cứ thầm nghĩ rằng có khi cụ tổng đốc đang thầm thì một lời gửi gắm nào đó về vùng đất xa xôi mà vì nó, vì xã tắc cụ đã tuẫn tiết. Một sự tuẫn tiết lẫm liệt và vô cùng bi tráng. Sau cuộc đi ấy, anh Hoàng Minh Nhân viết được một truyện dài và xuất bản vài ba năm sau đấy. Tôi thì mang hơi hướm các biền dâu, những nong tằm ém vào các truyện ngắn. Phùng Tấn Đông hình như đã chộp được hết linh hồn của Sông Mẹ Vĩ Đại nên sau này có những câu thơ như dao chém thẳng vào tim người.
Giã từ Điện Quang, giã từ vợ chồng anh Cao Thanh Tấn mến khách, chúng tôi mỗi người đi mỗi ngả. Chia tay nhưng ký ức một chuyến về với Gò Nổi cứ lung linh mãi.
Sau này thì đến với Điện Bàn thường xuyên hơn. Một chuyến cùng nhà thơ Hướng Dương và anh em văn nghệ sĩ Điện Bàn trôi trên sông Vĩnh Điện và Thu Bồn. Những ngày lang thang khắp vùng dinh trấn Thanh Chiêm cũ viết bài về Quảng Nam dinh và về Nguyễn Văn Xuân với các tác phẩm của ông. Những đêm thơ nhạc do anh em Điện Bàn tổ chức ít khi thiếu mặt tôi. Nhiều lúc lại có cảm giác như mình vốn là người Điện Bàn vậy.
Bây giờ, Điện Bàn đã mở rộng ra nhiều hướng. Một Vĩnh Điện ngày càng mang dáng dấp đô thị. Một Gò Nổi nông thôn mới đang từng bước tiến lên. Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc như một hải cảng lớn giúp Điện Bàn mở ra với nền công nghiệp hiện đại, hội nhập cùng thế giới. Một vùng tây bắc Điện Bàn đang cố gắng xóa dần khoảng cách với các khu phố thị lân cận. Rồi sẽ trở nên một Điện Bàn thị xã một ngày không xa. Một Điện Bàn mới mẻ nhưng cũng luôn giấu trong lòng những sắc màu lung linh trong ký ức tôi.
LÊ TRÂM