Nỗi bất an thường trực

PHAN HOÀNG 23/09/2019 12:00

Hôm rồi, ông Th. (70 tuổi, ở thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) sang nhà tôi ngồi khóc tu tu như đứa trẻ lên bốn lên năm. Vừa khóc ông vừa kể chuyện đứa con trai út ba mươi mấy tuổi lên cơn nghiện ma túy, đập nát hết lư đèn trên bàn thờ. Mấy bận, là chén bát, tủ giường. Nhà gần như chẳng còn thứ gì nguyên vẹn. Đã hai lần ông tự tay viết đơn, rồi phối hợp chính quyền đưa con đi trại cai nghiện. Rồi cũng chính “cái thói thương con kiểu đàn bà” – ông xỉ vả mình vậy, nên ông chạy vạy xin cho con ra trại trước thời gian, vì tin rằng nó đã tu tâm dưỡng tính.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

“Bây giờ, nghe tôi gọi điện báo chắc công an xã họ cũng ớn rồi. Hắn lên cơn mà không có thuốc, không có tiền mua thuốc là đập phá không từ thứ chi. Báo công an xuống mấy lần mà không bắt được vì hắn chạy trốn biệt. Chừ chắc có án mạng xảy ra thì công an họ mới can thiệp. Đâu trách họ được”. Ông nói trong nỗi bất lực. Giữa cơn kể lể, ông bảo mình cũng từng yên lòng khi nhìn con mỗi ngày tờ mờ sớm chạy xe sang Duy Xuyên làm công nhân, tối mịt mới về đến nhà. Thế rồi, với đồng lương còm cõi lại gặp đám bạn vô công rỗi nghề rủ rê, sinh hư. Tôi nhìn trong mắt ông, mắt người già đầy những quầng mây xám phía trời chiều sắp nổi cơn dông mà nghĩ đến những vụ bắt bớ mới đây nhất.

Công an Đà Nẵng vừa bắt hai sinh viên (trong đó có một sinh viên người Quảng Nam) vì tội buôn bán cần sa, ma túy. Mẩu tin như “lạc trôi” giữa vụ án bắt hàng trăm thùng hóa chất tiền ma túy, hàng chục tấn ma túy ở Bình Định, Kon Tum mới đây do người Trung Quốc thuê đất mở cả xưởng sản xuất. Những vụ án liên quan tới ma túy, sòng bạc do tội phạm là người Trung Quốc cầm đầu mỗi ngày mỗi lớn về quy mô. Nên những bản tin càng về sau càng dễ thấy chữ “cực khủng, cực lớn, lớn nhất từ trước đến nay, lớn nhất Việt Nam”…

Tên cầm đầu xưởng sản xuất ma túy ở Kon Tum, là người Trung Quốc từng có tiền án và mới được ân xá. Xét xử án ma túy đối với người Việt khác đối với người nước ngoài, mà ở đây là người Trung Quốc, nên đương nhiên không hề dễ dàng, vì liên quan đến hiệp ước giữa hai nhà nước. Từ những vụ án ma túy mà số lượng không còn là tép, là bánh nữa mà là tấn, là xe tải, là công ten nơ; ngẫm, các cảnh báo nguy cơ nước ta trở thành “bến đỗ” của tội phạm người Trung Quốc đã dần hiển hiện.

Mỗi ngày lướt tin tức, lại cảm thấy bất an, vì chuyện đã sát rạt bên lưng chứ không còn tận đẩu đâu, ở thành phố lớn nữa. Cuối tuần về quê, nghe thêm chuyện người quen bị bắt sau một đoạn phất giàu lên nhanh chóng. Án thì liên quan nhiều thứ, nhưng có một điều mà rất khó khăn để các cơ quan điều ra làm rõ chân tơ kẽ tóc. Ấy là việc đứng tên giúp những người Trung Quốc đi mua đất, những khu vực đất ven biển hoặc vùng ven, xa xôi hẻo lánh. Mua ào ào, giá cao ngất ngưởng dễ khiến người ta nghĩ đến một kiểu rửa tiền của tội phạm hoặc là những âm mưu khác nữa (?). Người này trước đây làm công nhân cho một nhà máy gạch, sau vì không đủ tiền nuôi vợ con, lại nghe lời rủ rê, rồi phóng lao phải theo lao. Rốt cuộc dừng ở chốn lao tù.

Tại một cuộc tiếp xúc cử tri ngày hôm qua 19.9 ở Đà Nẵng, chính quyền cho biết người Trung Quốc đứng tên 21 bất động sản gần sân bay Nước Mặn. Tin này chắc hẳn sẽ khiến những ai quan tâm thêm một lần giật mình lo âu. Bởi đã không còn là những đồn đoán quanh vỉa hè, quanh chợ hay bàn nhậu mà đã có địa chỉ hẳn hoi. Giải quyết dứt điểm được chuyện này, cũng là nan giải với chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Đã có những lỗ hổng không hề nhỏ khiến tội phạm ma túy là người Trung Quốc hoành hành trên đất Việt. Đã có những kẽ hở lách luật để người Trung Quốc mua bất động sản của người Việt. Những nỗi bất an thường trực đó, bao giờ nguôi?

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗi bất an thường trực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO