Nơi đáng sống

ĐĂNG QUANG 03/07/2017 09:03

Gần đây, thấy trên báo chí truyền thông hay nói chuyện xây dựng “thành phố đáng sống”, “thành phố sống tốt”, “thành phố văn minh”, rồi “đô thị sinh thái”, “đô thị thông minh”... Dẫn lời lãnh đạo chính quyền hay chuyên gia thì không có gì sai, nhưng đọc mãi một hồi thì vì nhiều thuật ngữ quá nên đầu cứ ong ong. Và hỏi, thực ra nó là cái gì vậy? Vì sao phải đặt ra câu chuyện đó? Người dân có hiểu nổi không?

Tìm hiểu nhiều nguồn, mới biết người ta định nghĩa “thành phố sống tốt” hay “thành phố đáng sống” là thước đo nhằm giúp cho chính quyền và cả người dân nhận biết kết quả, mức độ thụ hưởng các mặt vật chất và tinh thần của cư dân đô thị trong một khoảng thời gian nhất định.  Vì chuyện “đáng sống” hay “sống tốt” luôn phải so sánh mới biết (tức so với khu vực nào, so với cái gì) nên có các tiêu chí mang tính “định lượng” về điều kiện vật chất như hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, thiết chế văn hóa… Đồng thời có những tiêu chí “định tính” về lĩnh vực tinh thần đánh giá qua trải nghiệm, cảm nhận của cư dân.

Về “thành phố văn minh”, “đô thị thông minh”,  thì định vị với các tiêu chí gần giống nhau, đó là nơi có những quy chuẩn kỹ thuật phục vụ và tạo ra tiện nghi cho cuộc sống, đồng thời có đời sống tinh thần phong phú, đa dạng, nhân văn, thể hiện bằng mối quan hệ tốt đẹp giữa những con người (trong cộng đồng, chính quyền và cư dân), giữa con người và thiên nhiên, cụ thể như thái độ, ứng xử, sự quan tâm, ý thức, trách nhiệm không chỉ ở hiện tại mà còn đối với quá khứ (di sản văn hóa), đối với tương lai (môi trường, khai thác tài nguyên, phát triển bền vững…). Có nhiều định nghĩa về “thành phố thông minh” (Smart city) trên thế giới nhưng tựu trung là ứng dụng công nghệ để kết nối và nâng cao hiệu quả quản trị đô thị nhằm gia tăng chất lượng cuộc sống cho thị dân. Đó cũng là nền tảng tạo ra sự tương tác minh bạch giữa người dân và chính quyền, giúp quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, mang lại lợi ích cho người dân.

Nếu dựa vào các khái niệm đó, áp vào thực tiễn thì có lẽ ở Việt Nam còn lâu mới có “thành phố đáng sống”, “đô thị thông minh”. Bởi trào lưu đô thị hóa ồ ạt và chỉ mới thể hiện ở mặt quy hoạch xây dựng hạ tầng đã thấy bất ổn. Nhiều nơi ngổn ngang như công trường, mà phần lớn là nhắm đến bất động sản (hiện kinh tế thu từ bất động sản và xây dựng chiếm khoảng 15% GDP).  Nhiều nơi đô thị hóa không được hoạch định tốt, dẫn đến dòng dân di cư quá mức vào nó (như TP. Hồ Chí Minh hút khoảng 1 triệu người/năm). Số lượng việc làm, tiện nghi và tiện ích đô thị, dịch vụ công cộng thành phố có hạn trong khi phần lớn dòng người đổ về đô thị không có kỹ năng nghề nghiệp và nhà ở, gây áp lực nặng nề về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Khủng hoảng về hạ tầng đô thị (nhất là cung ứng điện, nước, nhà ở)  đang và sẽ còn diễn ra.

Điều cốt lõi là những tiêu chí “định lượng” về hạ tầng, điều kiện vật chất dần dần rồi cũng đạt, nhưng liệu những tiêu chí “định tính” về tinh thần có khả dĩ không? Vật chất và tinh thần, cái nào quan trọng hơn? Những câu hỏi này tiếp tục đặt ra câu chuyện có vẻ rất nghịch lý là dù điều kiện vật chất có đạt được nhưng nếu người dân chưa cảm thấy “hài lòng”, “thú vị”, “thích thú” thì nơi đó vẫn chưa thể gọi là nơi đáng sống. Trái lại, có nơi người dân chỉ thấy hài lòng với hạnh phúc giản dị là được. (Không hiểu điều đó sẽ khó giải thích được xác quyết của Thủ tướng Buhtan - ông Tshering Tobgay, rằng đất nước ông là nơi đáng sống thật sự cho người dân Buhtan, cho dù nơi đó người dân không có tivi, xe hơi, bởi người dân hài lòng với môi trường xanh, không có khí phát thải, đời sống giản dị).

Có một hiện thực là ở nhiều đô thị mới của chúng ta, dẫu người dân có thể thụ hưởng nhiều tiện nghi trong căn hộ hiện đại, nhưng lại chịu chung các bất an với những thành tố đầy bất trắc. Một ý kiến bạn đọc đáng quan tâm là “việc đánh đồng nơi “đáng sống” với điều kiện sống như nhiều người đang nói, trong đó có cả lãnh đạo chính quyền và nhà báo, là chưa thật đúng, bởi thiếu gì nơi giàu có, thừa mứa bạc tiền, nhà cao vút, đường rộng thênh thang, xe hơi đắt tiền, cái gì cũng có, nhưng sao thấy lạnh băng. Người lạ đến thấy bơ vơ, người dân thường thấy mình là công dân hạng hai, người cơ nhỡ thấy mình đứng bền lề xã hội. Nơi đó có lẽ chỉ đáng sống cho một thiểu số người đặc biệt”.

Còn điều này nữa, nếu ai cũng hướng đến Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... vì nơi đó đang phấn đấu xây dựng “thành phố đáng sống” thì ai sẽ đến sống ở biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa thiếu tiện nghi hơn? Nơi đáng sống có phải là nơi đáng để nằm lại?...

Chất lượng sống, đó mới là vấn đề đầu tiên và sau cùng cho một nơi đáng sống.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nơi đáng sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO