Nơi đầu nguồn sông Thu Bồn (tiếp theo và hết)

Đà Nẵng 4.2013 17/05/2013 07:54

Bây giờ khu trường này vừa được khánh thành. Một khu nhà 2 tầng, tường xây, mái lợp tôn giả ngói, đủ cho 10 lớp học. Bên phải là nhà giáo viên ở và làm việc, cũng 2 tầng như vậy. Phía sau là khu nhà 2 tầng để học sinh ở. Cạnh đó là căn nhà trệt, dài, tường gạch, lợp tôn dùng để làm bếp và nhà ăn. Anh Lê Quang Việt, kiến trúc sư chỉ đạo công trình, người gầy gầy, 26 tuổi, quê ở xã Tam Vinh, Tam Kỳ, cho hay: “Chúng tôi xây khu trường này bằng sắt, thép, xi măng, gạch, ngói chở từ dưới xuôi lên. Cát thì khai thác ở Đắc Xa, gỗ tại chỗ, do lâm nghiệp đưa qua. Trường này sẽ là nơi tập trung học sinh cấp 1 và cấp 2 ở Trà Nam về học”.

  • Nơi đầu nguồn sông Thu Bồn (tiếp theo kỳ trước)
  • Nơi đầu nguồn sông Thu Bồn

Nhắc đến Trà My ai cũng nghĩ ngay đến cây quế. Quế mọc trùng trùng trên các ngọn đồi, nơi nương rẫy, trong vườn nhà của người dân. Quế nơi đây được vua quan triều Nguyễn phong tặng là “cao sơn ngọc quế” bởi chất lượng của nó không có loại quế nào sánh nổi. Nó kết tinh từ khí hậu, thổ nhưỡng, bàn tay con người chăm bón để trở thành đặc sản riêng chỉ có ở Trà My.

Đã từ lâu, quế không những là sản phẩm hàng hóa mà còn là biểu tượng đời sống, là hình ảnh gần gũi thân thương không thể tách khỏi cuộc sống sản xuất và sinh hoạt của đồng bào vùng cao Trà My. Một nhà có một vườn quế là một tài sản lớn, là của để dành để làm nhà, là của hồi môn cho con gái lấy chồng, con trai cưới vợ. Người ta cho rằng cây quế là loại thuốc chữa bách bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, kích thích sự tuần hoàn máu, lưu thông huyết mạch, chống các bệnh phong hàn tê thấp. Như vậy, quế thật là quý. Hồi ở chiến khu, tôi được nghe các anh chị hoạt động lâu năm ở vùng này kể rằng: Vào năm 1957, bọn địch biết nhiều cán bộ ta lên hoạt động ở miền núi. Chúng cấm giao lưu 2 miền xuôi, ngược để “bóp chết” lực lượng cách mạng còn non yếu. Cán bộ chiến sĩ ta ở chiến khu thiếu muối ăn, chân tay bủn rủn không bước nổi, thiếu rựa để sản xuất. Ta chủ trương đưa một số nòng cốt trong đồng bào dân tộc, trong đó có sơ sở làm việc cho địch cõng quế xuống thị trấn Trà My đòi đổi muối, rựa. Chủ trương này đã lôi kéo được đồng bào nhiều nơi trong huyện nên bọn địch không ngăn nổi, ngay đợt này ta đã đổi được nhiều muối và rựa dự trữ. Tháng 9.1959, ta lại phát động bà con cõng quế xuống Trà My đổi muối và rựa. Lần này bọn địch làm căng, xảy ra nhiều cuộc xô xát, nhưng ta cũng đã đổi được hơn 1 tấn muối và hàng trăm cây rựa. Lại còn chuyện này nữa, biết nhiều nước cần quế để làm thuốc nên ta chuyển quế từ Trà My ra miền Bắc xuất khẩu, thu đô la, chuyển lại cho miền Nam phục vụ đời sống cán bộ, chiến sĩ và đồng bào vùng căn cứ. Nhiều lần bọn địch (Trần Lệ Xuân - vợ Ngô Đình Nhu) mở đường từ Trà Bồng lên Trà My để khai thác quế đã bị đồng bào ta đấu tranh làm thất bại.

Tôi có kỷ niệm riêng với cây quế. Hồi chiến tranh, mỗi lần đi gùi cõng gạo, muối từ vùng ranh về cơ quan, chúng tôi thường tìm vào giữa rừng quế để nghỉ. Lúc ấy, quế trồng, quế hoang mọc miên man ở khắp các khu rừng Trà My. Đêm trong rừng quế, nhất là đêm có trăng, cho ta một cảm giác kỳ lạ, nó vừa yên tĩnh vừa rạo rực với một mùi hương dễ chịu, xua đi cái nhọc mệt, nhức mỏi bởi gùi cõng nặng, ru ta vào một giấc ngủ dịu dàng. Có một lần, đi cõng gạo về, người nóng nực khó chịu, tôi nhảy xuống suối tắm, bị cảm lạnh, run cầm cập. Khi nghỉ lại ở một rừng quế, một bạn cùng cơ quan đã vạt một miếng vỏ quế, cạo bột vào cốc nước nóng đưa cho tôi uống. Người tôi nóng bừng lên rồi toát mồ hôi, khỏi cảm. Bạn tôi, nhà văn Thái Bá Lợi cũng kể cho tôi nghe một kỷ niệm. Có một đêm, anh mắc võng ở rừng quế cùng với một đoàn cán bộ từ đồng bằng về khu họp. Anh nghe họ tâm sự nhiều chuyện rất cảm động. Hôm sau về tới cơ quan, vừa hạ gùi, anh đã ngồi viết một thiên truyện ngắn giàu chất lãng mạn “Đêm trong rừng quế”…

Quế Trà My có tiếng tăm như vậy nên sau giải phóng, nó là cây trồng hàng đầu trong chủ trương phát triển nông, lâm nghiệp ở huyện này. Trà My lúc đó là vùng xuất khẩu quế lớn nhất nước. Có thể nói, cây quế đã góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế  -  xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong huyện. Tôi nhớ vào những năm 1980, 1990, việc xuất khẩu quế rầm rộ lắm. Nhà nhà khai thác quế đem đến Công ty Khai thác quế Trà My để bán, vì chính quyền cấm tự do bán quế. Từ đây những ô tô chở hàng trăm tấn quế tỏa đi khắp nơi trong nước và đến cảng Đà Nẵng để xuất khẩu. Quế là mặt hàng quý giá, nghiêm cấm buôn lậu tới từng thanh nhỏ. Người ta đặt trạm kiểm soát dưới chân đèo Liêu, nơi giáp ranh 2 huyện Trà My và Tiên Phước để kiểm soát việc buôn lậu quế. Có một lần, tôi và anh em ở Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng đi công tác trên Tắc Pỏ, được Huyện ủy tặng cho mỗi người một cân quế làm quà. Đồng chí Chánh văn phòng còn cẩn thận đưa cho tôi một tờ giấy ghi số lượng quế tặng, có đóng dấu đàng hoàng, bảo tôi giữ để có lúc cần thì giở ra. Tôi lơ đễnh cất giấy vào túi. Ai ngờ, đến chân đèo Liêu xe tôi bị dừng lại. Một người ở trạm kiểm soát hỏi: “Có chở quế không?”. “Có”. “Có giấy tờ không?”. Tôi đưa giấy của Huyện ủy ra, thế là xe được đi qua, khốn cho mấy chiếc xe của cơ quan nào đó đi công tác, có mua quế trong dân để làm quà, không có giấy tờ chứng nhận phải bị… tịch thu.

Việc xuất khẩu quế quan trọng cấp bách là vậy, nên có một thời kỳ ta nóng vội, muốn có loại quế trồng mau lớn, cây thật cao để lột được nhiều vỏ nên ồ ạt du nhập các loại quế từ các nơi khác đến. Việc đó dần dần làm cho thương hiệu quế Trà My bị giảm sút. Những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Khoa học - công nghệ Quảng Nam và 2 huyện Nam - Bắc Trà My đã đăng ký chỉ dẫn địa lý thương hiệu quế Trà My…

Giờ đây, đi qua các làng Nam - Bắc Trà My, cây quế Trà My, cây quế gốc của xứ sở được trở về thở không khí, uống nước của quê hương đầu nguồn sông Thu Bồn mà vươn lên, rì rào trong nắng. Trên đường băng qua các xã lên Kon Tum hay rẽ vào các thôn nóc, đâu đâu ta cũng gặp những vỏ quế mới lột phơi ven đường, phơi trên mặt đồi, phơi trong sân nhà, tỏa một mùi hương nồng nàn trong nắng tháng Tư.

Trở lại Nam Trà My - nơi căn cứ cũ, nơi mình đã sống một thời thanh xuân đáng tự hào, giờ đây lại chia tay, tôi thấy như mình phải chia xa với nơi chôn rau cắt rốn, buồn đến thắt lòng.

Đà Nẵng 4.2013

Bút ký của THANH QUẾ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nơi đầu nguồn sông Thu Bồn (tiếp theo và hết)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO