Nói & hành động

NGUYỄN ĐIỆN NAM 14/05/2016 07:11

Tuần qua, các vị ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh đã lần lượt đăng đàn trình bày chương trình hành động. Vì đây là những cam kết “nếu trúng cử sẽ làm...” nên chỉ có thể xét về hành - động - nói mà thôi.

Điều cảm nhận được là nếu tổng hợp lại thì hầu hết vấn đề được nói trong các chương trình hành động đặt ra đúng những điều đáng quan tâm hiện nay. Là chuyện chống tham nhũng, tiêu cực. Là việc tìm nguồn đầu tư phát triển trong bối cảnh nợ công chồng chất. Là nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm, đầu ra cho nông sản. Là công cuộc  giảm nghèo bền vững. Là tình hình biển đảo căng thẳng với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, ngư dân còn khó khăn trong vươn khơi bám biển. Là khó khăn của miền núi trong y tế, giáo dục, đầu tư phát triển. Là bất ổn về môi trường sống ô nhiễmv.v. Nói đúng những vấn đề đó, là gợi dậy mối quan tâm lớn của nhân dân trong bối cảnh thời sự hiện nay. Tuy nhiên, muốn nói trúng tâm tư nguyện vọng của cử tri thì phải đề xuất giải pháp để mọi người, mọi vùng đều được tiếp cận các cơ hội phát triển, làm sao cho bộ máy công quyền liêm chính, môi trường sống an toàn, đất nước hòa bình, quê hương thịnh vượng.

Lần đầu tiên chương trình hành động của các vị ứng cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh được đăng tải trên Báo Quảng Nam, còn có một vấn đề kỹ thuật ít nhiều tạo “rào cản” cho nội dung phát biểu. Đó là dung lượng hạn hẹp (chỉ khoảng 800 chữ cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, 400 chữ cho người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh). Trong “chiếc áo” chật đó, nếu rề rà vung vít đủ thứ chuyện thì sẽ không thể nào lột tả được trọng tâm vấn đề. Cho nên ai không vòng vo mà đi thẳng vào vấn đề cần nói, cô đọng, hàm súc, nói đúng và trúng thì sẽ đạt “điểm” cao. Đây cũng sẽ là một kỹ năng để viết và nói, trình bày trên nghị trường cho các vị trúng cử sau này. Bởi “đất đai” cho trang báo, hay thời lượng của truyền thông, thời giờ nghị sự hạn định, sẽ không có cửa cho ai nói kiểu “dây cà ra dây muống”. Người dân theo dõi các cuộc bàn luận trên nghị trường cũng không có nhiều thời gian để nghe chuyện “vòng vo tam quốc”. Bài phát biểu của ông Lê Văn Lai, hay của ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội khóa XIII, tại diễn đàn kỳ họp vừa qua là một ví dụ cho sự cô đọng, sắc sảo, trực diện vấn đề trong một hạn định thời gian rất ít ỏi.

Quả thực chỉ mới là nói đã không đơn giản. Làm thế nào nói không vấp để thành “vạ miệng” cũng là chuyện phải suy ngẫm. Một lời nói buông ra khiến bốn ngựa đuổi theo không kịp (Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy), đã lỡ lời thì khó rút lại. Nếu nói theo kiểu buột miệng thì hở sườn. Nói không đúng chức năng định vị thì là nói vống. Nói trống không thì nghe nhạt. Nói lạt lạt không ai nghe. Nói theo lối chẻ hoe thì đụng chạm. Nói lảm nhảm người ta cười... Chung quy nói cho người ta nghe, mà thường là trước đông đảo công chúng, không phải chuyện dễ.

Nói đã khó, làm càng khó hơn. Rồi đây, các vấn đề được nói sẽ phải kiểm chứng hiệu quả trong thực tế và dĩ nhiên cử tri sẽ giám sát những vị đại biểu trúng cử thực thi cam kết của mình như thế nào.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nói & hành động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO