Thấy cái gì sai trái là hỏi “đùa với pháp luật à?”. Cũng hay nghe nhắc nhở “không được đùa với pháp luật”, vì đó là chỗ tôn nghiêm. Sinh hoạt đời thường của dân thường là vậy, còn việc điều hành, quản lý xã hội có theo đúng tôn ti luật pháp hay không là chuyện khác.
Quan hệ giữa cơ quan công quyền với công chúng phải theo giềng mối kỷ cương pháp luật, nhất là khi xây dựng nhà nước pháp quyền lấy “thượng tôn pháp luật” làm trọng. Một khi cơ quan công quyền ban hành văn bản trái pháp luật sẽ gây ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Vì vậy, thật sửng sốt khi nghe Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ rằng đã phát hiện hơn 5.600 văn bản trái pháp luật do các bộ ngành và địa phương ban hành. Thông tin trên nhiều tờ báo cho biết, Bộ Tư pháp nhận xét số lượng văn bản trái pháp luật chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế, gây “ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh của nước ta”. Đặc biệt, Bộ Tư pháp lo ngại văn bản trái luật liên quan đến các cam kết quốc tế sẽ gây phản ứng của đối tác nước ngoài và có thể dẫn đến các vụ kiện cơ quan Nhà nước Việt Nam, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Việt Nam.
Những nội dung trái pháp luật được nêu trong nhiều văn bản của các cấp, sẽ khó liệt kê hết trong bài báo ngắn. Nhưng điểm qua một số ví dụ đủ thấy “tác hại” của văn bản trái pháp luật như các quy định về thủ tục hành chính không đúng thẩm quyền làm phát sinh chi phí về hồ sơ, giấy tờ, thời gian của người dân. Chuyện hằng ngày ai cũng thấy như muốn yêu cầu, đề nghị cơ quan công quyền giải quyết điều gì, người dân đều phải làm “đơn xin”. Rồi vô số loại “đơn xin” khác, liên quan đến đời sống từ tuổi thơ đến già, ra đời xin cấp giấy khai sinh, lớn lên xin chứng minh thư, xin vào trường học, rồi xin việc, xin nhà đất, xin chế độ chính sách v.v. Có cái đơn xin lại phải kèm thêm nhiều hồ sơ giấy tờ khác, lại đòi hỏi có xác nhận của chính quyền sở tại rất nhiêu khê.
Trong chuyện làm ăn và sinh hoạt đời sống, còn có nhiều văn bản trái pháp luật đưa vào thực thi gây thiệt hại về kinh tế, thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp, phát sinh khiếu nại, khiếu kiện. Rồi lại có những quy định kiểu “trời ơi đất hỡi” như không cho phép học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn nghệ thuật tại vũ trường, quán karaoke; có quy định mang tính cấm đoán, biểu hiện “ngăn sông cấm chợ” như đối với cá nhân tham gia giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc gia cầm; hay kiểu thật mà như đùa của ngành giao thông thay bảng thu phí qua thu giá rồi lại hoàn thu phí… Đó là chỉ mới rà soát về văn bản, chứ chưa kể trường hợp có chỉ thị là “chỉ đạo miệng” rất tùy tiện của các quan chức thì khó mà tính hết mức độ tác động gây hại thế nào.
Rõ ràng, nơi không được đùa vẫn xảy ra chuyện thật như đùa khi có nhiều văn bản trái pháp luật đã ban hành. Nhận thức tác động tiêu cực do văn bản trái pháp luật gây ra nên Bộ Tư pháp cảnh báo “về lâu dài, văn bản trái luật không được xử lý kịp thời sẽ làm mất niềm tin vào sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, giảm ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường”. Do đó, thiển nghĩ với các văn bản trái luật cần phải bãi bỏ ngay lập tức, nếu đã đưa vào thực thi thì cần đánh giá mức độ gây thiệt hại để quy trách nhiệm bồi thường đối với cơ quan ban hành. Đồng thời, cần hoàn chỉnh quy trình và giám sát chặt chẽ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không tạo lỗ hổng về cơ sở pháp lý cũng như tạo kẽ hở cho việc vận động hành lang nhằm mưu lợi ích nhóm.
Làm luật phải minh bạch, đảm bảo tính công chính và khả thi.
Thi hành luật phải nghiêm minh trước công đường, vì công ích và công bằng.
NGUYỄN ĐIỆN NAM