Du lịch Hội An đang đối diện với nhiều thách thức, phát triển không bền vững. Đây là những lo ngại của các đại biểu tại kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố (khóa XI) khai mạc sáng qua 19.12.
Lượng khách Hàn Quốc đến Cẩm Thanh tăng nhưng không bền vững. Ảnh: K.L |
Báo cáo tại kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố (khóa XI), ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, năm 2018, tổng lượt khách tham quan lưu trú đến Hội An ước đạt gần 5 triệu lượt, tăng 50,84% so với cùng kỳ (khách quốc tế đạt 3,755 triệu lượt, tăng 90,94%); tổng lượt khách lưu trú đạt 1,78 triệu, tăng 18,8% so với cùng kỳ; doanh thu vé tham quan phố cổ đạt hơn 266 tỷ đồng, tăng 17% so với kế hoạch; doanh thu vé tham quan Cù Lao Chàm gần 27 tỷ đồng, tăng 11,54% so với kế hoạch. Mạng lưới cơ sở lưu trú du lịch tiếp tục phát triển về số lượng và đa dạng loại hình, nhất là sau khi thành phố có chủ trương không hạn chế về chỉ tiêu số lượng cơ sở lưu trú đối với các khu vực được phép phát triển mạng lưới cơ sở lưu trú homestay.
Tuy vậy, báo cáo cũng thừa nhận kinh tế du lịch tuy phát triển nhanh nhưng chưa thật sự bền vững; cơ cấu dòng khách quốc tế đến Hội An đang thay đổi nhưng thành phố vẫn chưa có những giải pháp hiệu quả để thu hút khách có khả năng lưu trú dài ngày và có chỉ số tiêu dùng cao. Tiến độ triển khai các kế hoạch, chương trình, đề án phát triển du lịch còn chậm. Cơ sở hạ tầng về du lịch dịch vụ chưa đáp ứng trước áp lực lượng khách tăng; công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự kinh doanh, vệ sinh môi trường còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh...
Tại kỳ họp, một số ý kiến cho rằng, định hướng phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, mở rộng không gian phát triển ngoài khu phố cổ dù được xác định trong nhiều năm qua nhưng thực tế việc triển khai còn chậm. Điển hình như Đề án xây dựng làng quê làng nghề sinh thái Cẩm Kim; chất lượng điểm đến tại làng rau Trà Quế (Cẩm Hà), làng rau An Mỹ (Cẩm Châu), làng mộc Kim Bồng (Cẩm Kim) chưa tạo được sức hút mạnh mẽ đối với du khách. Theo bà Huỳnh Thị Kim Dung - Trưởng ban Kinh tế xã hội HĐND TP.Hội An, thời gian đến, thành phố cần có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đẩy nhanh việc hoàn thiện sản phẩm, đồng thời xem xét giao trách nhiệm cho cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương có phương án tổ chức khai thác để phát huy hiệu quả hoạt động của các làng nghề truyền thống, tạo đòn bẩy cho ngành du lịch phát triển bền vững để sự gắn kết giữa chính quyền, doanh nghiệp, người dân và vai trò quản lý của Nhà nước trong phát triển du lịch, dịch vụ. Việc UBND thành phố cho phát triển các loại hình dịch vụ lưu trú homestay không hạn chế về chỉ tiêu, trừ các khu vực trung tâm khu phố cổ là hướng đi phù hợp. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để người dân, hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội tham gia quá trình cung ứng dịch vụ, góp phần vào sự phát triển ngành kinh tế du lịch địa phương… Nếu không có sự quản lý, điều tiết hợp lý của Nhà nước trong việc phát triển mạnh số lượng các cơ sở lưu trú dễ dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, chất lượng dịch vụ không đảm bảo, chưa kể sẽ dẫn đến các khu, tuyến có mật độ cơ sở lưu trú lớn sẽ gây áp lực đến hạ tầng đô thị cũng như nảy sinh các vấn đề cần phải khắc phục và giải quyết.
Ông Phan Xuân Thanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, việc gia tăng lượng khách thị trường Đông Bắc Á đến Hội An thời gian qua dù có những lo ngại nhưng cũng không quá bi quan, kể cả khi thị trường khách Hàn Quốc rút đi vì chắc chắn sẽ có thị trường khách khác thay thế. “Vấn đề bây giờ là mình phải làm mới lại sản phẩm du lịch. Tăng cường các sản phẩm du lịch Hội An có lợi thế như văn hóa, sinh thái, nhất là cố gắng giữ lại những vùng quê, làng nghề truyền thống, vì đây là những sản phẩm đặc trưng phù hợp với dòng khách châu Âu” - ông Thanh đề xuất.
KHÁNH LINH