Giữa thông tin ngồn ngộn về khắc phục hậu quả bão số 5, Báo Tiền phong hôm qua đăng tải bài viết dù không mấy liên quan nhưng rất đáng lo. Đó là tình trạng ngư dân lắp đặt máy thủy xuất xứ Trung Quốc trên các tàu đánh bắt xa bờ đóng theo Nghị định 67. Nguyên do là theo quy định, các tàu đóng mới từ nguồn vốn vay theo chính sách phát triển thủy sản phải lắp đặt máy mới 100%, nhưng do nguồn lực hạn chế, nhiều ngư dân đã lắp máy thủy xuất xứ từ Trung Quốc thay vì những chiếc máy từ Nhật Bản dù cũ nhưng đã từng “bám trụ” với họ qua nhiều chuyến sóng gió biển khơi.
Trường hợp mà Báo Tiền phong nêu cụ thể là tàu của ông Bùi Đức Thanh, ở xóm Cù Lao, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Ông Thanh lắp chiếc máy hiệu Weichai của Trung Quốc (seri X6170ZC550-4) có công suất 748 mã lực, trị giá 1,6 tỷ đồng. Ông than vãn “máy Trung Quốc chết vì nó, hư gì mà hư nát”, và tốn nhiên liệu gấp đôi so với máy Nhật Bản. Chuyến biển gần đây nhất ông phải điện về cho vợ ở đất liền gửi thêm 5.000 lít dầu cho tàu ở cửa biển Kỳ Hà chở ra vùng biển mà ông đang khai thác. Ngoài ra, chiếc máy này đã từng chết con heo dầu, phải nhờ một chiếc tàu làm nghề câu mực ở huyện Núi Thành đến cứu, kéo ròng rã 3 ngày đêm vào đảo Phú Quý... Trước nỗi lo đến từ Quảng Ngãi, chúng tôi đã liên hệ với ngành chức năng của tỉnh. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, đơn vị không thống kê về việc lắp đặt máy thủy Trung Quốc trong các tàu xa bờ đóng mới theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh. Khi ngư dân đăng kiểm tàu cá, nếu xét thấy đảm bảo an toàn theo quy định thì cho phép ra khơi.
Ngành chức năng không nắm tình hình về việc lắp đặt máy Trung Quốc trên tàu cá xa bờ cũng đúng thôi, vì không ai quy định phải làm vậy, nhưng qua câu chuyện ở Quảng Ngãi, cũng nên lo cùng ngư dân vì sự an toàn của họ. Thực tế, thời gian gần đây tàu xa bờ hỏng máy trên biển thường xuyên xảy ra, trong đó có nhiều tàu cá của Quảng Nam. Rủi ro này, được nhiều ngư dân cho biết là rất dễ gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều ngư dân còn chia sẻ, trên biển, với một chiếc tàu thủng lỗ thì còn có thể cầm cự chứ với một chiếc máy hỏng, tàu mất phương hướng, chỉ vài con sóng lớn là có thể bị đánh úp. Vì vậy, sự an toàn của máy móc lại gắn liền với sinh mạng của ngư dân, quyết định hiệu quả nghề khai thác hải sản xa bờ và cả chính sách phát triển thủy sản. Vụ việc chiếc máy hỏng trên tàu 67 của một ngư dân ở Thăng Bình với nhiều phiên tòa kéo dài có thể xem là bài học cho những rắc rối có thể xảy ra trong thực tế triển khai chính sách. Và chắc chắn còn nhiều “thực tế” tương tự đã và sẽ xảy ra dù các quy định có thể đã tính toán chặt chẽ, dù cho những hồ sơ thiết kế tàu cá được xem là hoàn hảo.