Nhiều vụ việc liên quan đến môi trường nước diễn ra tại TP.Tam Kỳ trong thời gian qua đã dấy lên lo ngại về chất lượng nước tại một số khu vực sông, hồ trên địa bàn.
Sông Bàn Thạch chảy qua các phường Hòa Hương, Phước Hòa, Tân Thạnh, An Phú thường xuyên bị nhiễm mặn vào mùa khô, sản sinh ra bèo lục bình làm tắc dòng chảy. Bên cạnh đó, việc xả rác thải, nước thải sinh hoạt của người dân tại một số địa điểm như phía sau chợ Tam Kỳ, khu dân cư Cồn Thị (phường Phước Hòa), dưới chân cầu Kỳ Phú 1 (phường Hòa Hương) gây ô nhiễm nguồn nước sông. Bà Hồ Thị Văn (người dân sinh sống tại khu vực cầu Kỳ Phú 1, phường Hòa Hương) nói: “Phía trên cầu này có nhiều hộ dân buôn bán ăn vặt, vừa vứt rác vừa đổ nước thải xuống sông. Rác thải ứ đọng lại dưới sông nên nhân viên môi trường không thu gom được, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước sông”.
Mới đây nhất là vụ cá chết trên sông Bàn Thạch (đoạn chảy qua khối phố An Hà Trung, phường An Phú). Mặc dù cơ quan chức năng đã có kết luận nguồn nước đạt chuẩn và cá chết là do một loại vi khuẩn ký sinh cùng thời tiết bất thường, nhưng đã dấy lên nhiều lo ngại về chất lượng nguồn nước tại đây cũng như tại các sông, hồ trên địa bàn thành phố. Ông Dương Văn Chí - Trưởng phòng Tài nguyên môi trường TP.Tam Kỳ cho biết, đơn vị đang khảo sát lại toàn bộ hệ thống sông, hồ trên địa bàn có nguy cơ ô nhiễm môi trường nước để có giải pháp kiểm tra và quan trắc thường xuyên. “Chúng tôi cũng phối hợp với các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường nước. Đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, ngăn chặn các hành vi xả thải ra sông, hồ” - ông Chí nói.
Khu vực Sông Đầm cũng gây nên nhiều nỗi lo ô nhiễm nguồn nước trong thời gian gần đây. Nhiều người dân tại thôn Ngọc Mỹ (xã Tam Phú) đã kiến nghị nước Sông Đầm ô nhiễm dẫn đến cây lúa kém phát triển. Người dân ở thôn Vĩnh Bình (xã Tam Thăng) thì cho rằng nước Sông Đầm gây ra dị ứng, ngứa da khi tiếp xúc với nước. Tại buổi tiếp xúc cử tri HĐND tỉnh với các xã vùng đông Tam Kỳ mới đây, nhiều cử tri đã phản ánh, Sông Đầm chỉ có đường nước vào mà không có đường nước ra, do vậy nguồn nước ứ đọng dễ bị ô nhiễm. Ông Trần Nam Hưng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tam Kỳ nói: “TP.Tam Kỳ hiện đã có kế hoạch nạo vét và khơi thông dòng chảy Sông Đầm trong thời gian tới để tránh tình trạng tù đọng nước, gây ô nhiễm. Ngoài ra, chúng tôi sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát các khu công nghiệp xử lý nước thải trước khi thải ra các sông”.
Người dân luôn mong các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để quản lý chặt vấn đề môi trường nước, kịp thời ngăn chặn nguy cơ chứ không để đến khi tình trạng ô nhiễm xảy ra rồi mới tìm cách khắc phục.
XUÂN TRƯỜNG