Nỗi lo nước tưới vụ đông xuân

TƯ RUỘNG 05/12/2017 10:20

Sáng Chủ nhật vừa rồi, lên vùng tây huyện Duy Xuyên tìm hiểu việc chuẩn bị triển khai sản xuất vụ đông xuân 2017 - 2018, Tư tôi tình cờ thấy anh Chín La Tháp đang hối hả cày lật mấy sào đất lúa, mặc cho trời mưa dầm. Nghe hỏi chuyện mùa màng, anh Chín than phiền: “Gia đình tui có cả thảy 6 sào ruộng lúa, toàn bộ số diện tích này đều phụ thuộc vào nguồn nước tưới của đập bổi Cầu Máng. Những năm qua, nhờ nước tưới luôn chủ động, ứng dụng bài bản quy trình thâm canh và phòng trừ tốt các loại sâu bệnh nên vụ nào năng suất lúa cũng đạt 280 - 300kg khô/sào. Tuy nhiên, đông xuân sắp tới tui sợ vụ mùa sẽ thất bát vì nước tưới đang là vấn đề hết sức nan giải. Nguyên nhân là trong đợt mưa lũ lớn xảy ra hồi đầu tháng 11 dương lịch, đập bổi Cầu Máng đã bị cuốn trôi và đến thời điểm này vẫn chưa xây dựng lại. Không riêng gì tui, rất nhiều hộ dân khác trong vùng đều chung nỗi lo vì gần 240 sào đất canh tác lúa của họ cũng dựa vào nguồn nước từ con đập trọng yếu ấy”.

Trao đổi với Tư tôi, ông Trần Xuân Dũng – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Duy Hòa 2 cho biết, ngoài đập Cầu Máng thì tại địa phương còn có 2 đập bổi khác bị nước lũ cuốn trôi và 277m kênh bê tông chính bị sạt lở nghiêm trọng. Ông Dũng nói: “Theo kế hoạch, bên cạnh việc canh tác 30ha hoa màu các loại thì đông xuân 2017 - 2018 nông dân trên địa bàn sẽ gieo sạ 251ha lúa, trong đó có 116ha liên kết với một số doanh nghiệp tổ chức sản xuất những loại giống lúa thuần chất lượng cao theo phương thức hàng hóa và bao tiêu đầu ra sản phẩm. Nếu ngay từ bây giờ 3 con đập bổi và 277m kênh chính ở 2 thôn La Tháp Đông, La Tháp Tây không được xây mới, sửa chữa lại thì chắc chắn trong vụ tới sẽ có ít nhất 60ha lúa, 12ha rau màu không có nước tưới hoặc bấp bênh nước tưới. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng trên thì cần phải bỏ ra xấp xỉ 300 triệu đồng. Số tiền đó là ngoài khả năng đầu tư của hợp tác xã”.

Ông Văn Bá Năm – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, ngoài việc 139ha đất nông nghiệp bị cát đá bồi lấp nghiêm trọng thì cơn lũ lớn vừa qua khiến cả chục đập bổi, đập dâng, trạm bơm điện và 13.000m kênh bê tông, kênh đất ở nhiều địa phương của huyện bị cuốn trôi, sạt lở, hư hỏng nặng. Ông Năm nói: “Đông xuân 2017 - 2018, nông dân Duy Xuyên sẽ triển khai sản xuất 3.800ha lúa và 2.400ha hoa màu. Muốn đảm bảo việc cung ứng nước tưới cho các loại cây trồng thì những ngày tới huyện cần phải chi khẩn cấp không dưới 4 tỷ đồng để khắc phục hạ tầng thủy lợi bởi vụ mùa đã cận kề rồi”.

Hôm qua nghe chuyện, chị Hai Nông Nghiệp thông tin: “Không riêng huyện Duy Xuyên đâu chú Tư mi. Đợt mưa lũ vừa rồi cũng đã khiến 50 hồ chứa, đập thời vụ, đập kiên cố và 54km kênh mương các loại ở nhiều địa phương khác của tỉnh như Đại Lộc, Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức, Nông Sơn, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Trà My… bị cuốn trôi, sạt lở, hư hỏng nặng. Trước tình hình trên, cách đây vài ngày UBND tỉnh đã quyết định chi 67 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để hỗ trợ chính quyền 18 huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, ưu tiên một khoản kinh phí không nhỏ gấp rút triển khai việc xây mới, nâng cấp, gia cố, sửa chữa các công trình thủy lợi nhằm chủ động phục vụ nước tưới cho 42.000ha lúa và 39.500ha bắp, rau đậu các loại trong vụ đông xuân tới”.

TƯ RUỘNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗi lo nước tưới vụ đông xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO