Khi bước qua tuổi “thất thập”, người ta hay chuẩn bị cho mình một tâm thế an nhiên trong cuộc nhân sinh sau khi đã kinh qua những sấp ngửa, được thua, mất còn, khổ đau và hạnh phúc. Nhà thơ Thanh Quế cũng không ngoại lệ. Tập thơ Nơi phòng đợi (NXB Quân đội Nhân dân, 2016) như sự đúc kết trải nghiệm cuộc sống của nhà thơ sau nhiều nếm trải.
45 bài thơ trong tập Nơi phòng đợi như 45 lát cắt của đời người từ khi sinh ra (bài Bé Cỏ lật) đến lúc hóa thân về cõi vĩnh hằng (bài Nơi phòng đợi). Nghĩ về thế thái nhân tình ông nhìn qua thấu kính để có những bài: Kẻ sống nhờ, Người câm, Cuộc đua hoặc như ngay trong bài Cuộc đời đầu tập thơ, thi sĩ viết: “Cuộc đời/ Ôm hôn đứa con béo phì/ Hắt hủi/ Bầy con gầy trơ xương”. Đã xuất bản 15 tập thơ và trường ca, song Thanh Quế không ầm ĩ mà thường lặng lẽ hướng vào nội tâm, tự vấn với chính mình đến tận cùng, như trong các bài: Tôi với tôi xung khắc, Nếu mà… Thơ ông còn là tiếng nói của lương tri đầy tính nhân văn: Kẻ thấp bé, Ông già, Không đề hoặc bài Phẩm chất của nhà thơ chỉ mấy câu nhưng ý sắc: “Phẩm chất của nhà thơ/ Được định giá/ Bởi việc dám lao hay không dám lao/ Vào lưỡi kiếm của ngôn từ”.
Những bài viết về quê hương đất nước trong tập, dẫu cảm xúc tràn ngập nhưng ngôn từ vẫn được chắt lọc, ta thấy qua các bài: Đêm Đà Nẵng nhìn chớp giật biển xa, Gặp lại Hải Phòng, Tuy An hoặc mô tả nơi chôn nhau cắt rốn trong bài Về làng xưa nhớ ba, nhà thơ chỉ điểm xuyết: “Ngay đầu làng Phú Thạnh/ Con đường cát trắng dẫn về nhà xưa/ Bàu Ngòi nước xanh,dập dềnh bông súng đỏ/ Tiếng bê kêu khản giọng ngoài đồng…”.
Tuổi càng cao người ta thường sống với kỷ niệm quá khứ, hay nghĩ về gia đình, người thân. Đây là mảng đề tài nhà thơ Thanh Quế có những cảm xúc thắt lòng. Đối với cha mẹ, ông có: Về làng xưa nhớ ba, Bên bậu cửa. Tình vợ chồng, ông có: Anh và em cùng già; Nhà thơ tìm thấy năng lượng cuộc sống khi nghĩ về cháu con: Bé Cỏ lật, Gọi ông qua điện thoại, Nói với con trai đang học xa hoặc ở bài thơ Gởi con gái nhà thơ như có chút ăn năn: “…Nhiều lần ba mắng con/ Có lúc giận đánh con/ Nhưng con là đứa con gái ba yêu quý nhất/ Ba mẹ tính nết khác nhau/ Ý thích khác nhau/ Nên hay xảy ra cãi vã/ Nếu có con sẽ dàn hòa rất dễ/ Nhưng con lại ở xa…”
Tập này Thanh Quế có hàng loạt thơ sáng tác về khoảng tuổi xế chiều bằng những cảm xúc tích cực của người cao tuổi. Đây có lẽ là chủ đề chính ở Nơi phòng đợi. Trong đó có các bài rất ấn tượng, như: Tập làm quen, Người về hưu, Đêm, Những người đang sống, May mắn, Xuống tàu, Cuộc đua… hay trong bài Gửi bạn văn, nó như một thông điệp của ông. Trong đó có đoạn: “…Mất đi một thằng bạn tử tế/ Bạn không cần đến viếng tôi/ Với hoa với hương phong bì phúng điếu/ Bạn chỉ cần nói: Quế ơi/ Mày đi/ Ở lại chúng tao cố gắng/ Viết thật tốt…".
NGUYỄN TƯỜNG VĂN