Nới rộng sinh cảnh cho đàn voọc

HỮU PHÚC 10/08/2018 02:06

Nhiều quần thể voọc chà vá chân xám cư trú trên cánh rừng núi Hòn Dồ được ghi nhận, dưới sự chứng kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, cùng cán bộ kiểm lâm, các nhà báo và chuyên gia bảo tồn đa dạng sinh học vào sáng 9.8.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng cán bộ kiểm lâm chứng kiến sự hiện diện của quần thể chà vá chân xám tại núi Hòn Dồ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng cán bộ kiểm lâm chứng kiến sự hiện diện của quần thể chà vá chân xám tại núi Hòn Dồ.

“Báu vật” ở Hòn Dồ

Khoảng 8 giờ, sau khi băng qua 2km đường dân sinh trong rừng keo của người dân, chúng tôi đến được lưng chừng đồi núi Hòn Dồ (xã Tam Mỹ Tây, Núi Thành). Lúc này đã có cán bộ kiểm lâm và chuyên gia môi trường của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Viet) đặt vị trí cố định máy quay camera. Bằng mắt thường cũng dễ nhìn thấy 2 con voọc chà vá chân xám đùa giỡn khiến cả lùm cây rung chuyển, cảm giác như vừa xảy ra một cơn gió lớn. Tuy nhiên, khi nhìn vào màn hình camera của cán bộ bảo tồn, qua góc quay cận cảnh thì nhận ra một gia đình đàn voọc chà vá chân xám đang sinh hoạt rất vui nhộn.

Voọc chà vá chân xám ghi nhận tại núi Hòn Dồ (xã Tam Mỹ Tây). Ảnh: HOÀI VĂN
Voọc chà vá chân xám ghi nhận tại núi Hòn Dồ (xã Tam Mỹ Tây). Ảnh: HOÀI VĂN

Theo cán bộ của Trung tâm Green Viet (đơn vị tư vấn lập dự án giám sát, bảo tồn loài chà vá chân xám), tại núi Hòn Dồ có số lượng khoảng 30 cá thể với ít nhất 2 đàn (gia đình) ghi nhận qua nhiều đợt khảo sát. Một gia đình voọc chà vá chân xám gồm 1 cá thể đực, ít nhất 2 cá thể cái và voọc con sinh sống. Không gian sống hiện hữu của quần thể voọc là một dãy rừng tự nhiên hẹp với diện tích hơn 10ha còn sót lại trên đỉnh núi đá. Chung quanh “ngôi nhà” loài đặc hữu này là rẫy keo lá tràm của người dân địa phương và bị cô lập với các hệ sinh thái rừng tự nhiên khác trong khu vực với khoảng cách 3 - 10km. Với 20 năm bảo vệ đàn voọc, là một trong 3 thành viên của đội bảo vệ rừng Đồng Cố, ông Võ Ngọc Danh (thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây) cho hay, mỗi tuần có ít nhất 2 lần các thành viên tuần tra rừng. Hai năm nay, tình trạng săn bắn động vật hoang dã trong cánh rừng tự nhiên này hầu như không xuất hiện. “Vừa qua nghe tin có một trường hợp vào rừng chuẩn bị săn bắn động vật, lập tức tổ bảo vệ rừng của thôn cùng với kiểm lâm địa bàn trực tiếp đến nhà đối tượng làm việc và bắt họ ký cam kết không tái phạm” - ông Danh nói.

Năm 2010, cơ quan kiểm lâm ghi nhận cá thể chà vá chân xám con bị chết do thời tiết lạnh lẽo. Theo ông Từ Văn Khánh - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chà vá chân xám sinh sống trên cây, nếu nghèo nàn hệ sinh thái rừng sẽ đe dọa sự sinh tồn. Với diện tích rừng hơn 30ha đề xuất phục hồi, mở rộng nên xem xét giao lại cho cộng đồng thôn quản lý. Các chuyên gia bảo tồn vừa tiết lộ thông tin phấn khởi là ngày 8.8 vừa qua, đã phát hiện thêm cá thể chà vá chân xám con, chứng tỏ có quá trình sinh sản, phát triển thêm loài đặc hữu này.

Tìm giải pháp bảo tồn

Công tác tuyên truyền sẽ mang tính quyết định
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại buổi làm việc với Chi cục Kiểm lâm tỉnh và UBND huyện Núi Thành và đơn vị tư vấn, giám sát dự án liên quan đến bảo vệ quần thể chà vá chân xám vào sáng 9.8.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về luật pháp bảo vệ loài chà vá chân xám thông qua nhiều hình thức khác nhau như có thể đưa học sinh, sinh viên đến tham quan, nghiên cứu. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu lực lượng kiểm lâm phải có phương án bảo vệ, xử lý nghiêm khắc nhất với các hành vi phá rừng, đe dọa sự sinh tồn của loài chà vá chân xám; tham mưu hỗ trợ trước mắt cho tổ bảo vệ rừng và khoanh vùng khu vực bảo vệ trước mắt; lập quy hoạch khu bảo tồn và tổ chức cắm mốc, kết nối các quần thể với nhau. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng yêu cầu, sau cuộc họp này cần triển khai lấy ký kiến cộng đồng dân cư, hoàn chỉnh đề án bảo vệ cá thể chà vá chân xám trình UBND tỉnh phê duyệt. Riêng vùng giáp ranh với khu vực chà vá chân xám sinh sống cần trồng rừng gỗ lớn và phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Lực lượng kiểm lâm trước mắt phải khoanh vùng bất khả xâm phạm để bảo vệ quần thể voọc chà vá chân xám.

Chính quyền huyện Núi Thành và Sở NN&PTNT đang đề xuất phương án mở rộng diện tích rừng tự nhiên ở núi Hòn Dồ từ hơn 10ha hiện nay lên hơn 30ha bằng cách mua lại rẫy keo của các hộ dân để trồng các loại cây bản địa, làm thức ăn cho quần thể chà vá chân xám. Xã Tam Mỹ Tây dành 2ha xây dựng vườm ươm, nhưng theo địa phương đất đã thu hồi nhưng do người dân tái sản xuất nên phải bồi thường, hỗ trợ. Khu vực Hòn Dồ thuộc rừng sản xuất, tạm thời giao UBND xã quản lý, nhưng cần giao lại toàn bộ diện tích cho cộng đồng thôn Đồng Cố làm chủ rừng. Cái khó là, cộng đồng thôn làm chủ rừng nhưng thời điểm này trong nước vẫn chưa có mô hình cộng đồng nào được thành lập gắn liền với bảo tồn một quần thể động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp như chà vá chân xám ở Tam Mỹ Tây. Tổ bảo vệ rừng gồm 3 người tại thôn Đồng Cố do UBND xã thành lập được tài trợ bởi Trung tâm Green Viet.

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nêu khó khăn về nguồn lực tài chính của địa phương khi mở rộng vùng sinh cảnh. Vấn đề ở chỗ tiền lấy ở đâu để thu hồi đất nương rẫy của dân. Tất cả đều trông chờ vào chi phí hỗ trợ của cấp trên. Đến nay chưa có nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc từ dự án bền vững cho các thành viên bảo vệ rừng. Theo Trung tâm Green Viet, vùng sinh cảnh có thể mở rộng diện tích lên đến 35 - 40ha bằng cách thu hồi rẫy trồng keo và kết nối với diện tích rừng tự nhiên ở Hòn Ông khoảng 4ha. Phương án khả thi là quanh khu vực này có thể trồng xen cây rừng tự nhiên giữa cây keo để tạo khép tán và thay thế dần cây tràm. Hiện nay, Trung tâm Green Viet hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng cho tổ bảo vệ rừng Đồng Cố, hỗ trợ công nghệ khi tuần tra, giám sát. Thời gian qua, các thông tin như tọa độ địa lý, hình ảnh đàn voọc, sinh cảnh... được cập nhật và báo cáo kịp thời đến lực lượng kiểm lâm. Theo ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm Green Viet, ở giải pháp quản lý, chính sách cần giám sát chặt hoạt động khai thác cây keo nhằm đảm bảo tuyệt đối không để xảy ra cháy rừng tự nhiên. Về phương án sinh kế lâu dài, cần phát triển mô hình du lịch sinh thái, giảm các áp lực phá rừng làm nương rẫy của người dân; cải thiện sinh kế cho các hộ dân bị thu hồi nương rẫy.

Không gian, vùng sinh cảnh đàn voọc bị chia cắt
Cuối tháng 7.2018, Tổ công tác do ông Bùi Văn Tưởng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam dẫn đầu đã khảo sát hiện trường, điều tra thông tin liên quan đến đàn voọc chà vá chân xám tại khu vực Hòn Dồ (thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây). Theo thông tin người dân cung cấp thì khu vực này đàn voọc chà vá chân xám thường xuyên đến tìm kiếm thức ăn, nhưng ban đêm chúng di chuyển sang khu vực rừng tự nhiên hiện còn 10,54ha để trú ngụ. Ông Bùi Văn Tưởng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam chia sẻ: “Qua kiểm tra cho thấy không gian, vùng sinh cảnh đàn voọc chà vá chân xám sinh sống bị chia cắt, thu hẹp do sự tác động của con người, nhất là việc trồng rừng. Do vậy, đàn voọc sống tại đây bị ảnh hưởng rất nhiều bởi điều kiện thiên nhiên, các tác động bất lợi đến sự tồn vong, sinh sản. Ở đây, tuy cây rừng đa dạng nhưng không nhiều nên nguồn thức ăn cho loài voọc rất hạn chế, khan hiếm, nhất là vào mùa đông, thời tiết lạnh, mưa lũ, gió bão hay xảy ra”.
Cũng theo ông Tưởng, về lâu dài cần phải có giải pháp đồng bộ, căn cơ để bảo vệ đàn voọc chà vá tại Hòn Dồ. Trước hết đề nghị UBND huyện Núi Thành chỉ đạo UBND xã Tam Mỹ Tây, Tam Hiệp, Tam Thạnh yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân có trồng rừng tại khu vực Hòn Dồ (trong phạm vi mở rộng 36,25ha) đến xã kê khai, đăng ký để tổ chức đo đạc hiện trường xác định chủ sở hữu, diện tích, qua đó mở rộng vùng sinh cảnh cho đàn voọc. Các xã Tam Thạnh, Tam Hiệp, Tam Trà phối hợp UBND xã Tam Mỹ Tây tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã vùng giáp ranh, nhất là nơi có đàn voọc sinh sống; rà soát các đối tượng có hành vi săn bắn, bẫy bắt, nuôi nhốt động vật rừng trái phép để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Đồng thời hỗ trợ, đầu tư kinh phí nhằm đẩy mạnh hoạt động của tổ bảo vệ rừng thôn Đồng Cố (xã Tam Mỹ Tây), tiếp tục tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là loài voọc chà vá chân xám – loài động vật nguy cấp, quý hiếm hiện còn khoảng 16 đến 20 cá thể đang sinh sống tại Tam Mỹ Tây...(VĂN PHIN)

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nới rộng sinh cảnh cho đàn voọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO