(QNO) - Thực hiện hợp tác các dự án kinh tế, khoa học và giáo dục ở Siberia và vùng Viễn Đông cùng nhiều chương trình hợp tác quan trọng khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APEC) là các nội dung đang được trình bày tại Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 21 được tổ chức tại Thành phố Vladivostok của nước Nga (từ ngày 27-30.1.2013).
APPF là một tổ chức lớn của khu vực, tập hợp 28 quốc gia, đồng thời là diễn đàn nghị viện của khu vực APEC. Đặc biệt, Diễn đàn APPF- 21 lần này có sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu đến từ 28 nước trong khu vực và một số nước quan sát viên; đoàn Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu. APPF- 21 cũng là diễn đàn đầu tiên có sự tham dự của đại diện nghị viện quốc tế và khu vực như nghị viện châu Âu, Đại hội đồng Nghị viện của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu, Nghị viện ASEAN, Nghị viện Mỹ Latinh...
Bà Valentina Matvienko, Chủ tịch Thượng viện Nga, đồng thời là Chủ tịch Diễn đàn APPF lần này cho biết diễn đàn APPF -21 diễn ra tiếp sau Hội nghị thượng đỉnh APEC được rất nhiều người quan tâm, mức độ đại diện cũng rất cao. Đối với nước Nga, thắt chặt quan hệ kinh tế thương mại, gồm cả qua kênh nghị viện, với các nước khu vực châu Á-Thái Bình dương là rất quan trọng. Bà Valentina nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng diễn đàn này sẽ diễn ra thành công. Qua đó không chỉ củng cố truyền thống của tổ chức nghị viện quốc tế uy tín này mà còn đưa ra những nội dung mới để cùng thảo luận công khai các vấn đề của khu vực mà tất cả cùng quan tâm”. Tổng thống nước chủ nhà, Vladimir Putin gửi lời chúc mừng các đại biểu tham gia diễn đàn, đồng thời nhấn mạnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần hợp tác để đương đầu với những thách thức hiện tại và các mối đe dọa.
Đối với nước Nga, APPF-21 được xem là bước tiếp nối thành công Hội nghị thượng đỉnh APEC được tổ chức tại Nga vào cuối năm 2012. Theo ghi nhận của thống đốc vùng Primorsky, ông Vladimir Miklushevsky, công tác chủ tịch tại diễn đàn cực kỳ quan trọng đối với Nga. Bởi xét về địa lý, hai phần ba lãnh thổ đất nước thuộc về châu Á. Đây đồng thời là vùng quan trọng tập trung nhiều tài nguyên thiên nhiên, giàu tiềm năng khoa học kỹ thuật và sản xuất. Nga đề xuất với các nước APEC sự hợp tác kinh tế trên vùng lãnh thổ lớn. Đó là khu vực đông Siberia và Viễn Đông dồi dào năng lượng, khoáng sản và tài nguyên rừng; tuyến vận tải hàng hải phương Bắc và đường sắt xuyên Siberia. Đồng thời, diễn dàn cũng đưa ra nhiều chương trình hợp tác quốc tế về dầu khí, ô tô, hóa chất, công nghiệp hàng không và các ngành triển vọng khác. Để thu hút dòng vốn mới của Nga cũng như từ nước ngoài vào Viễn Đông, Nga sẵn sàng cung cấp “môi trường đầu tư ấm áp”. Điều này đã được Phó Chủ tịch Thượng viện Quốc hội Nga, ông Vyacheslav Shtyrov tuyên bố: Hội đồng Liên bang sẽ xóa bỏ thuế lợi tức (và có thể cả thuế giá trị gia tăng) đối với các doanh nghiệp hiện có trong ngành công nghiệp chế biến. VAT cũng nên được bãi miễn cho các xí nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu của Viễn Đông. Ví dụ, vận tải hàng không và đường sắt. Các doanh nghiệp mới mở nên được miễn tất cả các loại thuế ngoài thuế thu nhập cá nhân, cho tới khi họ thoát khỏi giai đoạn bù lỗ chi phí.
Được thành lập vào tháng 3.1993, APPF là một diễn đàn để các nghị sĩ ở các nước thành viên có thể thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác đảm bảo hòa bình và ổn định, tăng cường hợp tác đầu tư, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, đấu tranh chống tội phạm và chủ nghĩa khủng bố, tăng cường các hoạt động giao lưu giữa các nền văn hóa trong khu vực.
Nam Việt (tổng hợp)