Khai phóng tiềm năng du lịch đa dạng từ đông sang tây để tạo chuỗi kết nối giúp điểm đến Khu đền tháp Mỹ Sơn không còn đơn độc từ đó đánh thức du lịch Duy Xuyên là cơ hội mà địa phương cần nắm bắt trong bối cảnh làn sóng đầu tư ở vùng đông của huyện đang nở rộ.
Đa dạng cảnh quan vùng Đông
Trong ánh hoàng hôn, khung cảnh từ cầu Cửa Đại nhìn về cửa sông phía hữu ngạn tạo cho du khách cảm giác khoan khoái dễ chịu. Ánh nắng phản chiếu lấp loáng trên mặt nước, phía xa xa những chiếc tàu neo tít tắp xen lẫn vài chiếc “rớ chồ” của ngư dân tạo bức tranh thủy mặc trên sông.
Duy Xuyên đẹp mộc mạc bên cạnh Hội An cổ kính. Từ cầu Cửa Đại, du khách có thể men theo các con đường nhỏ xuống bến cá An Lương để cảm nhận phiên chợ thủy sản dân dã hoặc thơ thẩn trên những bãi biển còn hoang sơ chỉ tràn ngập cát và nắng ở thôn Tây Sơn Đông, Tây Sơn Tây (xã Duy Hải). Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, hàng ngày có rất nhiều đoàn du khách châu Âu ưa chuộng khám phá, trải nghiệm nơi đây bằng xe vespa hoặc xe đạp bởi hành trình từ Hội An sang rất gần.
Một hướng khác từ phía Hội An theo hướng xã Cẩm Kim qua, du khách có thể đắm chìm trong không gian thanh bình của làng quê xứ lụa. Đặt chân đến làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu (xã Duy Vinh), ngay cả giữa trưa hè nóng nực thì cảm giác oi bức cũng tan biến hết nhờ cây xanh rợp bóng, tiếng chim vườn lích rích và hơi mát của dòng nước theo gió miên man thổi.
Thời gian qua, cũng ở Duy Vinh giới trẻ kháo nhau tìm về nơi cánh đồng mỗi khi rộ mùa lúa chín để “săn” những bức hình bên lò gạch cũ với góc nhìn đẹp như trong phim cổ trang. Rất tiếc để đảm bảo an toàn cho du khách thì hiện nay mọi người không còn được phép leo lên đó để “check-in” nữa nhưng cảm giác được lạc giữa cánh đồng bất tận xen lẫn vài kiến trúc xưa cũ cũng đã là một trải nghiệm thú vị trong thời gian chờ cơ quan chức năng địa phương cải tạo lại sản phẩm này. Cầu Cẩm Kim mới cũng đã hợp long và sẽ sớm đưa vào sử dụng càng tạo cơ hội để Duy Vinh kết nối gần hơn đến làn sóng du khách tại Hội An trong thời gian đến.
Kết nối chuỗi điểm đến
Năm ngoái, Duy Xuyên thu hút được hơn 421 nghìn lượt khách và có đến gần 95% trong số này ghé tham quan Khu đền tháp Mỹ Sơn. Điều này cho thấy sự phụ thuộc của du lịch địa phương vào di sản này trong gần hai thập niên qua, trong khi tiềm năng du lịch của Duy Xuyên rất rộng mở và thực tế một số điểm đến đã từng được khơi dậy nhưng chưa thực sự hiệu quả.
Tại buổi làm việc ở huyện Duy Xuyên mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh, làn sóng đầu tư dự án du lịch vào khu vực Nam Hội An đã và đang diễn ra rất mạnh mẽ nên địa phương phải tận dụng lợi thế để hoàn thiện hạ tầng, kết nối từ vùng đông sang vùng trung tâm (thị trấn Nam Phước) và lên phía tây (Khu đền tháp Mỹ Sơn).
“Chúng ta phải tạo ra chuỗi sản phẩm từ du lịch nghỉ dưỡng biển, giải trí cao cấp, du lịch sinh thái cộng đồng đến du lịch tâm linh để kéo dài thời gian ở của khách, chứ không thể để như hiện nay người ta lên Mỹ Sơn nửa ngày là rời đi” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói.
Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (HOIANA) ở vùng đông Duy Xuyên dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay sẽ là một động lực để giúp du lịch địa phương có chuyển động tích cực cũng như tạo đà cho việc kết nối chuỗi các sản phẩm của Duy Xuyên. Cải tạo lại, nâng cấp các sản phẩm du lịch “vệ tinh”, nhất là du lịch cộng đồng là điều cần thiết lúc này để nâng cao cơ hội đón đầu được làn sóng khách.
Theo ông Lê Ngọc Thuận – Chủ tịch Hội Homestay Quảng Nam: “Các bãi biển cộng đồng ở Duy Hải, Duy Nghĩa với vị trí của mình rất có tiềm năng thu hút khách. Tuy nhiên chúng ta cần nghiên cứu tạo ra các sản phẩm khác đi so với biển An Bàng thì cơ hội thành công sẽ lớn hơn”.
Hiện nay, vài ba dự án du lịch sinh thái cộng đồng ở khu vực vùng đông cũng gặp vướng mắc và cần sớm tháo gỡ để tạo ra thêm những điểm đến sinh động thu hút khách. Theo ông Đặng Văn Minh – Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Duy Xuyên, nhà đầu tư muốn phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ven biển cần nghiên cứu linh hoạt gắn với làng chài, cụm dân cư, vừa giữ lại được nét văn hóa cộng đồng, tăng sự độc đáo cho giá trị sản phẩm và cũng là giúp thuận lợi hơn cho công tác giải phóng mặt bằng.