(QNO) - Trước khi bão số 10 đổ bộ vào đất liền 1 ngày, từ chiều 29.9, bà con nông dân xã Đại An (Đại Lộc) không ai bảo ai đã hối hả ra đồng khẩn trương thu hoạch sản phẩm hoa màu nào không thể “để dành” qua thiên tai.
|
Bà Xuân cắt bỏ hết phần ngọn và lá bắp chưa kịp thu hoạch. |
Buổi chiều lớp học được nghỉ, em Cường - học sinh lớp 9/4, trường THCS Mỹ Hòa ra đồng phụ mẹ hái những quả đu đủ đã già. Cường cho biết rằng, ba em đang cố gắng hoàn thành một số sản phẩm cơ khí đặng kịp giao cho khách hàng trước khi bão số 10 ập đến. Vì vậy, em ngại mẹ phải vất vả vừa hái đu đủ vừa vận chuyển sản phẩm về nhà, nên đi cùng mẹ một tay cho kịp xong đâu vào đấy. Mẹ của Cường (ở thôn Đông Tây) tâm sự: “Ba tháng nghỉ hè, cháu nó giúp tôi chăm sóc hơn 2 sào đu đủ. Nhưng buồn nỗi, vụ đu đủ ni bán chỉ bằng một nửa giá so với năm ngoái. Tôi phải hái đem ra chợ cò kè được giá đồng mô đỡ đồng nấy, chứ để tư thương tới tận ruộng thu mua chỉ có 1 nghìn đồng/kg. Nghe nói cơn bão số 10 có đường độ mạnh, tôi lo hái cho hết những trái già, sợ gió sẽ rụng hư hết”.
Chung cảnh ngộ cùng nhiều hộ dân khác, lão nông Trương Long (thôn 1) cũng bị hư hại 1 sào đu đủ do hậu quả của cơn bão số 8 vừa qua. Chiều hôm trước khi bão số 10 đổ bộ vào bờ, vợ chồng ông lại tất bật ra đồng nỗ lực thu hoạch, chỉ chừa lại quả nào non trên diện tích 2 sào còn sót lại. Đối với lão nông Trần Cửu (thôn Đông Tây), ngoài gần 3 sào đu đủ đang thời kỳ chín rộ, ông đang lo ngay ngáy bởi 6 sào bắp mới bẻ đem về chưa kịp phơi khô. Ở phần ruộng bên cạnh, khuôn mặt bà Huỳnh Thị Xuân (thôn 2) ướt đẫm mồ hôi song cánh tay vẫn lia lịa đưa lưỡi liềm cắt sạch phần ngọn và lá bắp. Bà Xuân chia sẻ, vụ hè thu này gia đình gieo được 7 sào bắp. Bão số 8 qua đi, bà bẻ được 2 sào đem về nhà. Nhưng trời nắng mưa thất thường, hạt bắp đem phơi chưa được khô ráo do đó sản phẩm không thể bán hoặc đem bỏ vào thùng cất đi. Vì vậy, hộ bà không dám bẻ thêm nữa mà để lại sau đợt này mới thu hoạch. Thế là, bà liền cắt bỏ đi phần ngọn và lá, sợ lũ lụt tràn vào sẽ kéo theo rơm rạ, rác rưởi khiến cây bắp ngã xuống, rồi bùn non phủ kín trái mất.
Cường giúp mẹ vận chuyển đu đủ. |
Trên con đường giao thông nội đồng lầy lội chưa được kiên cố hóa, bà Huỳnh Thị Thêm (thôn Đông Tây) thở dốc do phải đẩy chiếc xe đạp đang chở theo bó cây sào to. Theo bà Thêm, số cây sào này được cắm để làm giàn cho vụ trồng khổ qua và bí đao vừa thu hoạch xong. Nay nghe bão lớn quá, gia đình bà ra đồng nhổ hết về nhằm chuẩn bị cho vụ đông xuân. Mới vừa lo chằng chống nhà cửa xong, ông Để (thôn Đông Tây) chạy ra đồng bắc thang tre leo lên cây trụ điện phục vụ cho thủy lợi hóa đất màu để sửa lại đường dây đang thòng xuống. Ông lo nước lụt dâng cao sẽ gây hư hại hệ thống điện, ảnh hưởng việc tưới tiêu gần 1ha đất hoa màu của gia đình vào vụ đông xuân tới. “Hơn nữa, tôi sợ nước đang rút lưng chừng mà có người đi ra đồng không hay biết sẽ bị điện giật gây nguy hiểm tính mạng bà con mình” - ông Để nói.
Không khí chạy đua với bão lụt của bà con nông dân diễn ra trên cánh đồng hoa màu tại xã Đại An vào buổi chiều tối ngày 29.9 rất khẩn trương. Mỗi hộ gia đình mỗi công việc phòng tránh, họ cố gắng làm sao đó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 10 sẽ gây ra.
CÔNG TÚ