Nông dân điêu đứng vì tiêu chết hàng loạt

HOÀI NHI 02/03/2017 08:28

Nông dân trên địa bàn xã Duy Phú (Duy Xuyên) đang điêu đứng khi hàng loạt vườn tiêu đã cho thu hoạch bỗng dưng vàng lá rồi chết dần, gây thiệt hại rất nặng nề...

Rất nhiều vườn tiêu ở xã Duy Phú đang xảy ra tình trạng chết hàng loạt.Ảnh: HOÀI NHI
Rất nhiều vườn tiêu ở xã Duy Phú đang xảy ra tình trạng chết hàng loạt.Ảnh: HOÀI NHI

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn tiêu được trồng cách đây khá lâu, ông Trần Duy Ba – một người dân ở thôn Mỹ Sơn (xã Duy Phú) cho hay, năm 2002 ông vào tận miền Nam mang giống tiêu có chất lượng cao về trồng trên khu đất gò đồi gần nhà. Thời gian đầu, ông Ba chỉ trồng thử nghiệm khoảng 30 choái. Sau đó nhận thấy cây tiêu rất thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, đặc biệt là mang lại hiệu quả kinh tế cao nên từ năm 2008 - 2012 ông tiến hành khai hoang cải tạo đất và đầu tư trồng thêm 570 choái trên tổng diện tích gần 1.300 mét vuông. Theo lời ông Ba, từ đầu năm 2014 đến cuối năm 2016, vườn tiêu 600 choái này bình quân mỗi năm ông hái được 6 tạ hạt tiêu khô, bán ngay tại nhà cho tư thương với mức giá 180 nghìn đồng/kg thì thu về gần 110 triệu đồng. Vậy nhưng, bước sang những tháng đầu năm 2017 này, thời tiết diễn biến quá thất thường, nhất là mưa liên tục xuất hiện khiến vườn tiêu đang xanh tốt bỗng nhiên vàng lá rồi rụng dần và cây chết hàng loạt. Đứng nhìn những choái tiêu như cành cây khô, ông Trần Duy Ba ngao ngán nói: “Chỉ trong vòng 2 tuần trở lại đây, gần 300 choái tiêu của tôi rụng không còn một chiếc lá nào. Những ngày qua, mặc dù tôi đã mua rất nhiều loại thuốc về xử lý nhưng đến nay vẫn không mang lại kết quả khả quan. Hiện nay, trong vườn của tôi vẫn còn một số choái tiêu nhưng nhiều khả năng thời gian tới cũng sẽ bị nhiễm bệnh và chết như hàng loạt choái tiêu đã khô trụi này. Bây giờ, tôi chỉ mong chính quyền các cấp cùng ngành chuyên môn sớm về địa phương hướng dẫn gia đình và những hộ dân khác trong vùng xử lý triệt để mầm bệnh, cải tạo đất đai. Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm giúp nông dân có điều kiện đầu tư mua giống tiêu Tiên Phước về trồng lại”.

Hiện nay trên vùng đất xã Duy Phú còn có 25 hộ dân trồng tiêu khác cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phú cho hay, trong những năm qua cây tiêu trở thành cây trồng chủ lực của địa phương. Nhờ sản lượng tiêu rất đạt, giá bán sản phẩm trên thị trường luôn ở mức cao nên nhiều gia đình có cuộc sống khấm khá. Thế nhưng, trong vòng 20 ngày qua, nhiều vườn tiêu đang xanh tốt bỗng nhiên bị nhiễm bệnh rồi chết hàng loạt. Theo số liệu thống kê, toàn xã Duy Phú hiện có 25ha đất vườn bố trí trồng tiêu với khoảng 15.000 choái, tập trung nhiều nhất ở các thôn Trung Sơn, Mỹ Sơn, Bàn Sơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây tại địa phương này đã có hơn 3.100 choái tiêu từ 3 năm tuổi trở lên bị chết vì nhiễm bệnh do nấm gây ra. Ông Hải nói: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là vì mưa dai dẳng, trong khi thổ nhưỡng ở vùng này chủ yếu thuộc dạng đất sét, đất lẫn đá khiến nước mưa thoát không kịp, tạo điều kiện cho nấm bệnh bùng phát”.

Trong khi đó, ông Trần Hưng - Phó trạm Bảo vệ thực vật huyện Duy Xuyên cho biết, lâu nay phần lớn người dân chỉ đặc biệt chú trọng đến khâu nước tưới và xem nhẹ chuyện tiêu úng cho vườn tiêu. Vì vậy, khi gặp mưa lớn kéo dài, nhiều diện tích tiêu của nông dân Duy Phú bị ngập úng nặng, tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát sinh gây bệnh. Ngoài nguyên nhân vừa nêu thì chất lượng giống tiêu người dân đem về trồng và việc áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh, phòng trừ dịch hại tổng hợp cũng còn rất nhiều mặt hạn chế. “Để sớm ngăn chặn tình trạng tiêu chết hàng loạt, ngành bảo vệ thực vật huyện Duy Xuyên vừa tổ chức 2 lớp tập huấn tại xã Duy Phú và Duy Thu với sự tham gia của gần 100 hộ dân. Trong đó, tập trung hướng dẫn nông dân cách lựa chọn giống, phương pháp trồng và kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ một số loại bệnh nguy hiểm thường gặp trên cây tiêu. Đồng thời khuyến cáo người dân khi thấy vườn tiêu của mình bị nhiễm bệnh chết hàng loạt thì phải cấp báo cho chính quyền địa phương cùng cơ quan chuyên môn để được hỗ trợ xử lý kịp thời chứ không nên tự ý mua và phun các loại thuốc, chế phẩm chưa được kiểm định, vừa mất tiền mà bệnh trên vườn tiêu càng nặng hơn” - ông Hưng chia sẻ.

HOÀI NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông dân điêu đứng vì tiêu chết hàng loạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO