Nông dân thời @ và 4.0

ĐĂNG QUANG 16/10/2017 09:23

Xem chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam”, thấy khâm phục 87 tấm gương vừa được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới”. Đó là những người đã vượt lên bao thử thách sóng gió để làm nên câu chuyện của mùa vàng trên cánh đồng thấm đẫm mồ hôi và nước mắt.

Điều rất thú vị là trong số nông dân xuất sắc được vinh danh lần này, có mặt những người từng thực hiện “khoán chui” trước thềm khoán 10 giao quyền tự chủ sản xuất cho hộ nông dân. Bên cạnh đó có những ngư dân đóng tàu xa bờ để ra khơi đánh bắt hải sản vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đặc biệt, có những gương mặt “nhà sáng chế” chân đất đã chế tạo máy móc nông cụ rất ấn tượng; và nhiều nông dân biết áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất hàng nông sản xuất khẩu ra thế giới... Rõ ràng, trong hoàn cảnh lịch sử nào, nông dân cũng cần cù, sáng tạo, trăn trở với câu chuyện đất đai, biển cả, góp sức mình cho đất nước, quê hương. Ngay trong thời đổi mới, toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế, nông dân cũng là lực lượng tạo nên dấu ấn, đưa Việt Nam lên hàng đầu xuất khẩu lúa gạo, cà phê, hạt điều,... để có khoảng 33 tỷ USD từ xuất khẩu nông sản năm nay. Và như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với trên 3,5 triệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hàng năm đảm bảo hơn 3,5 triệu việc làm thường xuyên và hơn 7 triệu việc làm theo mùa vụ, giúp khoảng hơn 300.000 hộ thoát nghèo”.

Tự hào là vậy, nhưng bình tĩnh lại để nhìn nhận thì nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa tạo được sức bật so với tiềm năng. Đó có thể là do sản xuất manh mún, bởi cả nước đang có 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ. Đó cũng là chuyện đầu tư chưa bài bản, quy hoạch phát triển, dự báo thị trường còn bất cập, khiến cho tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa xảy ra nhiều lần, để nông dân phải nhờ “giải cứu”. Đó là việc còn hạn chế về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, kém vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa đạt quy chuẩn sản phẩm xanh, sạch và truy xuất nguồn gốc để vào các thị trường bậc cao...

Bối cảnh mới trong thời hội nhập sâu rộng là nông nghiệp phải tái cơ cấu, phải tạo bước chuyển căn bản qua nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh, an toàn. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII cũng đã chỉ rõ định hướng “xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”. Ai sẽ làm điều này? Trước hết, chủ lực vẫn là nông dân. Sẽ không có nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tự động và số hóa, nếu không có nông dân thời @ và 4.0. Nôm na thời @ là thời của những người biết sử dụng mạng điện tử để làm việc; cách mạng 4.0 trong nông nghiệp là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi được kết nối mạng bên trong và bên ngoài đơn vị. Sản xuất tự động hóa và kết nối thông tin ở dạng số hóa. Người ta cũng dùng các thiết bị thông minh, “internet vạn vật”, “trí tuệ nhân tạo”,  để quản lý, phân tích dữ liệu và điều hành từ sản xuất đến phân phối sản phẩm.

Thực tế thời gian qua, nhiều nông dân đã đi đầu trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, nông sản như chuối, vải thiều, thanh long… đã đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Australia. Một số nông dân đã áp dụng mô hình nông nghiệp organic - nông nghiệp hữu cơ để sản xuất thực phẩm sạch. Hay sản xuất với tiêu chuẩn VietGAP như mô hình trồng rau quả của ông Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm Hợp tác xã Anh Đào, Đà Lạt, Lâm Đồng, đã  cung cấp cho các hệ thống siêu thị khắp cả nước và xuất khẩu với doanh thu hơn 10 triệu USD/năm...
Đặc biệt có những doanh nghiệp phối hợp nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để làm ra các sản phẩm đạt chất lượng theo chuẩn quốc tế, điển hình như mía đường (Công ty mía đường Lam Sơn), chanh dây cùng các thức uống khác (Nafoods), sữa (Vinamilk)...  

Vấn đề là về phía nhà nước cần hỗ trợ mạnh hơn nữa về vốn đầu tư qua chính sách tín dụng ưu đãi, về xúc tiến thương mại, quảng bá, tìm kiếm thị trường... Được biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55 về chính sách tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn, trong đó lần đầu tiên có chính sách dành cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, có thể cho vay tới 70-80% mức đầu tư dự án mà không phải thế chấp tài sản. Những dự án đáp ứng tiêu chí của chương trình sẽ được vay vốn với lãi suất cho vay thấp hơn 0,5-1,5% so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, cần phải xúc tiến mạnh hơn để gói tín dụng 100.000 tỉ đồng chảy thông vào phát triển nông nghiệp. Có như vậy, những ưu đãi đặc biệt đối với nhu cầu vay vốn thực hiện dự án, phương án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, mới khả thi. Và, để có nông dân của thế hệ @ và 4.0 thì cần chú ý hỗ trợ cho cả những chương trình, dự án đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông dân thời @ và 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO