Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển, việc tìm kiếm thông tin về khoa học kỹ thuật trên mạng internet đã giúp nhiều nông dân của huyện Thăng Bình ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất chăn nuôi.
Nông dân Dương Văn Giác (thôn Tú Nghĩa, xã Bình Tú) với vườn khổ qua cho hiệu quả kinh tế nhờ áp dụng kỹ thuật tìm hiểu được từ internet.Ảnh: THÚY ƯU |
Tăng giá trị kinh tế
Theo nông dân Dương Văn Giác (thôn Tú Nghĩa, xã Bình Tú), trước đây anh trồng gần 3 sào khổ qua trái vụ, mỗi năm thu hoạch hơn 2 tấn. Để phòng trừ sâu bệnh, anh phải dùng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật nhưng hiệu quả vẫn không cao, lại ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. Cuối năm 2011, Hội Nông dân huyện phối hợp UBND xã Bình Tú lắp đặt hệ thống internet tại văn phòng Hội Nông dân xã, đồng thời hướng dẫn cách thức truy cập, tìm kiếm thông tin và một số kỹ năng sử dụng máy vi tính. Nhờ tiếp cận với internet, ông Giác tìm hiểu, biết được cách trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho khổ qua mà không cần phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Ông chia sẻ: “Nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc dây khổ qua, đặc biệt là cách phòng chống rầy gây hại trong giai đoạn ra hoa và cho quả nên vụ trồng khổ qua năm nay tôi thu 3 tấn, bán được hơn 36 triệu đồng. So với trước đây thì hiệu quả cao hơn nhiều lại không ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và cộng đồng”.
Tương tự, nông dân Huỳnh Công Phượng (thôn Tú Cẩm, xã Bình Tú) đã áp dụng kiến thức tìm hiểu được qua mạng internet vào mô hình trồng nấm sò đem lại giá trị thu nhập cao. Tháng 2.2010, ông Phượng đầu tư hơn 40 triệu đồng triển khai mô hình sản xuất nấm sò với diện tích gần 400m2 và bước đầu đã phát huy hiệu quả. Mỗi năm gia đình ông thu hoạch hơn 7 tấn sản phẩm, sau khi trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng và giải quyết việc làm cho 4 lao động. “Hiện nay tôi tiếp tục đầu tư trồng nấm linh chi đem lại giá trị thu nhập cao. Cũng nhờ tìm hiểu qua mạng internet, tôi đã học hỏi rất nhiều kiến thức để áp dụng vào việc trồng nấm” - ông Phượng cho biết. Ở xã Bình Tú, nhiều mô hình nuôi trồng bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao nhờ áp dụng thông tin khoa học kỹ thuật tìm hiểu được qua mạng internet do Hội Nông dân lắp đặt như các ông Phan Văn Nhân, Dương Văn Hoa nuôi bồ câu Pháp có thu nhập ổn định, lãi ròng khoảng 3 triệu đồng/tháng. Hay ông Ngô Tấn Cơ sử dụng phân viên nén dúi sâu cho cây lúa, thay cho cách bón phân vãi thông thường. Với kỹ thuật mới này, cây lúa sinh trưởng khỏe, đẻ nhánh tập trung, chống chịu sâu bệnh khá, cho năng suất cao hơn, đồng thời giảm đáng kể chi phí mua phân bón và ngày công lao động.
Truy cập internet miễn phí
Ông Võ Huấn - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thăng Bình khẳng định, internet đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của nông thôn, giúp nông dân có thể học hỏi cách làm ăn, tìm nơi tiêu thụ sản phẩm từ những thông tin trên mạng. Do đó, tháng 12.2011, Hội Nông dân huyện lắp đặt tại 3 xã đã tổ chức phát động xây dựng nông thôn mới là Bình Tú, Bình Quý và Bình Chánh, mỗi điểm 1 dàn máy tính, 1 máy in, 1 bộ bàn và kết nối internet. Nông dân địa phương có thể đến truy cập internet miễn phí. Các chi phí như tiền điện, thuê bao dịch vụ... do Hội Nông dân chi trả. Để tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với internet, Hội Nông dân huyện mở 3 lớp tập huấn tại các địa phương trên để hướng dẫn cách thức truy cập, tìm kiếm thông tin và một số kỹ năng sử dụng máy vi tính. Các lớp tập huấn đã thu hút 165 người tham gia.
Tính đến nay, ở 3 xã trên đã có hàng nghìn lượt hội viên nông dân đến truy cập, tìm hiểu về khoa học kỹ thuật, đọc báo, đồng thời nắm bắt thêm các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kể cả trau dồi kỹ năng sử dụng máy vi tính. Ông Trần Văn Xử (ở tổ 1, thôn 4 xã Bình Chánh) nói: “Nhờ có internet, tôi đã học hỏi nhiều kiến thức quan trọng trong chăn nuôi heo, gà, nên nhận biết được triệu chứng bệnh và các loại thuốc chữa trị hữu hiệu. Ngay cả chiếc máy cày của gia đình do máy sử dụng thời gian lâu nên khá hao dầu, cũng từ thông tin trên mạng mà tôi đã tìm ra nguyên nhân và tự khắc phục được”. Cũng ở xã Bình Chánh, các nông dân Nguyễn Văn Niệm, Nguyễn Văn Trưởng đã truy cập tìm hiểu, nắm bắt kỹ thuật nuôi cá và gà kết hợp đã thu lứa đầu tiên từ mô hình này, cho lãi ròng hơn 10 triệu đồng. Nông dân Trần Văn, sau nhiều năm trồng gừng trên đất vườn nhưng không ổn định, qua tìm hiểu thông tin trên mạng biết đến mô hình trồng gừng trong bao hiệu quả hơn. Nhờ internet, anh còn kết nối, tìm được đầu ra cho gừng với giá cao...
Giờ đây, các điểm truy cập internet đã trở thành địa chỉ sinh hoạt quen thuộc, nơi phục vụ đời sống tinh thần với nhiều nông dân của huyện Thăng Bình. Đến với điểm truy cập, ngoài đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, nông dân địa phương còn có thể trao đổi với nhau về mô hình sản xuất, kỹ thuật nuôi trồng hiệu quả. Tại đây, bà con còn nắm bắt kịp thời các thông tin chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... của huyện, tỉnh, của các địa phương khác và khắp nơi trên thế giới.
THÚY ƯU