Sau hơn 3 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), Thăng Bình đã có 1 địa phương đạt chuẩn và 5 địa phương khác đang trên đường về đích trong năm nay. Kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của các cấp hội nông dân.
Sau khi tiếp nhận chương trình hành động cụ thể "Nông dân chung sức xây dựng NTM", Hội Nông dân xã Bình Giang đã tập trung phổ biến, tuyên truyền đến từng cán bộ hội viên nông dân toàn xã về những nội dung, mục tiêu của chương trình. Ông Ngô Văn Bình - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, địa phương có quá nhiều diện tích ruộng manh mún, nhỏ lẻ, lầy lún khiến nông dân phải bỏ rất nhiều công sức để cải tạo, năng suất lúa chỉ khoảng 50 - 55 tạ/ha. Ngay khi có chủ trương dồn điền đổi thửa, hội viên nông dân đã tích cực tuyên truyền, vận động, tự nguyện ra quân nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh, chỉnh trang đồng ruộng. Hội viên nông dân trong toàn xã còn đóng góp thêm mỗi hộ 1 triệu đồng để thuê máy móc thực hiện. Chỉ trong thời gian ngắn, Bình Giang đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng được 200/280ha. "Cũng nhờ đó, năng suất lúa 2 năm trở lại đây luôn đạt 55 - 60 tạ/ha, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của nông dân trên địa bàn" - ông Bình nói.
Xuất phát từ thực trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực, ngay từ đầu năm, Hội Nông dân xã Bình Tú đã tham mưu HĐND xã ra nghị quyết chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường. Chủ công trong việc thực hiện nghị quyết này không ai khác chính là các cán bộ và hội viên nông dân. Ông Đỗ Văn Kế - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Tú cho biết: "Lâu nay nông dân thường nghĩ bảo vệ môi trường chỉ là không được vứt rác bừa bãi ở những nơi công cộng, còn những hoạt động như dọn vệ sinh, phát quang cây cối, bụi rậm hay giữ gìn đường làng ngõ xóm là công việc của cán bộ môi trường. Nên khi bắt tay vào làm công việc này, nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là tập trung tuyên truyền, vận động, phổ biến cặn kẽ đến từng hội viên nông dân, vận động chưa được thì giải thích cụ thể từng nội dung trong công tác bảo vệ môi trường nên công tác này được triển khai suôn sẻ". Cũng theo ông Kế, cái khó nữa là việc thu lệ phí thu gom rác thải hàng tháng để nộp cho công ty môi trường. Với mức 15.300 đồng/hộ/tháng là không lớn, nhưng do đặc thù công việc của nông dân suốt ngày ở ngoài đồng nên gặp được họ để thu tiền không phải dễ. "Chúng tôi đã phân công nhiệm vụ và cam kết thời gian với một anh thu gom cụ thể, đúng vào ngày 28 của tháng, phải chuẩn bị đủ tiền để nộp theo đúng quy định. Nhờ đó mới duy trì được mô hình" - ông Kế nói thêm.
Ông Lê Hữu Trắc - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thăng Bình cho biết, trong năm 2015, hội viên nông dân toàn huyện đã xây dựng hơn 20km đường giao thông nông thôn, nâng cấp, duy tu và làm mới hàng trăm ki lô mét kênh mương nội đồng; giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, ngày công lao động cho 83 hội viên nông dân nghèo... "Đây được xem là những việc làm cụ thể, thiết thực đối với cuộc sống của nông dân hiện nay và được người dân tích cực hưởng ứng. Họ đã thấy được những kết quả từ việc làm của mình mang lại" - ông Trắc nói
THÀNH CHÂU - TẤN MẪN