Cải thiện sinh kế cho đồng bào Cơ Tu

KHÁNH LINH 09/04/2020 11:47

Dự án “Cải thiện sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua phát triển chuỗi giá trị mây tre đan và cây dược liệu nhằm tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Quảng Nam” (do Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam - VietCraft) triển khai đã đi được hơn nửa chặng đường, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Đồng bào Cơ Tu có thêm sinh kế từ nghề mây tre đan. Ảnh: K.L
Đồng bào Cơ Tu có thêm sinh kế từ nghề mây tre đan. Ảnh: K.L

Nâng cao chuỗi giá trị

Ông Bling Blóo (thôn Bhờ Hôồng, xã Sông Kôn, Đông Giang) vừa ra gươl làng nhận tiền hỗ trợ lớp học đan lát, dù không nhiều nhưng ông rất phấn khởi, bởi từ nay ông và nhiều người dân trong thôn có thêm cơ hội mới từ nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình. “Nhận tiền cũng sướng nhưng vui nhất là lớp học đã giúp mình và bà con biết thêm kỹ thuật đan lát những mẫu mã mới” - ông Bling Blóo nói.

Lớp học đan mây là tiểu dự án thuộc dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, VietCraft triển khai thực hiện. Mục tiêu hướng đến là cải thiện sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua phát triển chuỗi giá trị mây tre đan và cây dược liệu nhằm tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Quảng Nam. Trong thời gian 1 năm (9.2019 – 9.2020) dự án sẽ triển khai thực hiện tại 5 huyện gồm Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Núi Thành và Phước Sơn. Tại huyện Đông Giang, đến nay dự án đã mở được 3 lớp dạy đan lát ở 2 xã Sông Kôn và A Ting, thu hút gần 100 người dân tham gia.

Theo ông Bling Blóo, sau 2 tháng học, lớp của ông đã làm được 275 sản phẩm các loại như bàn, ghế, giỏ, lọ hoa, mâm, rổ…, một số mẫu đẹp đã mang ra Hà Nội kiểm tra, nếu đạt yêu cầu sẽ được VietCraft đặt làm.

“Xưa nay mình chỉ làm các vật dụng hàng ngày không có giá trị thương mại, bây giờ dự án vào giúp bà con biết cách đan nhiều mẫu đẹp để nâng cao thu nhập nhưng vẫn giữ được nghề truyền thống của đồng bào nên ai cũng thích” - ông Bling Blóo bộc bạch.

Bà Đinh Thị Thìn – cán bộ dự án người địa phương cho biết, với mục tiêu cải thiện sinh kế, dự án đã hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật để người dân làm ra sản phẩm theo mẫu. Suốt quá trình học sản phẩm nào làm đạt chuẩn sẽ được VietCraft duyệt đặt hàng. Lớp học thường kéo dài 2 tháng, trong đó chia thành nhiều nhóm, mỗi người trong nhóm sẽ có những sản phẩm của mình, nếu sản phẩm đẹp họ sẽ được đặt hàng, những ai không đạt sẽ phải học lại cách đan đẹp để mọi người đều có sản phẩm bán.

Bảo tồn nguồn nguyên liệu tại chỗ

Không chỉ tạo mẫu mã mới, các lớp học cũng giúp người dân cải thiện kỹ thuật đan sản phẩm hiệu quả. Tại thôn A Rớch (xã A Ting), lớp học được chia thành 2 nhóm, gồm nhóm sản phẩm truyền thống, đan theo lối cũ với hoa văn truyền thống Cơ Tu dành cho người lớn tuổi và nhóm sản phẩm mới (hàng quà tặng, lưu niệm…) với lối đan hiện đại dành cho lớp trẻ. Giáo viên đứng lớp sẽ hỗ trợ, tư vấn các nhóm về kỹ thuật vót mây nhằm tiết kiệm nguyên liệu, thời gian.

Theo ông Pơ Loong Nương - Tổ trưởng Tổ hợp tác nguyên liệu thôn A Rớch, dự án sẽ giúp người dân tận dụng nguồn mây tre tại chỗ cũng như phát triển mạnh hơn nguồn nguyên liệu này. “Ngoài 25ha mây nước được dự án trồng mới, hiện địa phương cũng quản lý hơn 1.000ha mây với 9 quần thể các loại. Đây sẽ là cơ hội thuận lợi để bà con bảo tồn, phát triển nguồn nguyên liệu cũng như quảng bá nghề đan lát ra bên ngoài” - ông Nương nói.

Ông Lê Bá Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam khẳng định, ngoài cải thiện sinh kế, VietCraft và dự án cũng mong muốn nâng cao nhận thức của người dân sống phụ thuộc vào rừng, giảm dần áp lực của con người lên tài nguyên rừng. Đồng thời, thông qua dự án, có thể giúp Quảng Nam mở rộng vùng nguyên liệu, góp phần hình thành diện mạo mới cho ngành mây tre và cây dược liệu dưới tán rừng, hướng đến tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập ít nhất 20% cho khoảng 2.500 người tại các huyện ưu tiên, nhất là phụ nữ và các hộ nghèo đồng bào Cơ Tu.

Để hoàn thành mục tiêu này, dự án đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động tập huấn kỹ thuật, xây dựng đội ngũ giảng viên nòng cốt tại địa phương nhằm hỗ trợ trồng mới 100ha mây, bảo vệ khai thác bền vững 50ha mây dưới tán rừng tự nhiên; phát triển, đa dạng hóa sản phẩm thảo dược địa phương như đẳng sâm, chè dây... theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm; thành lập trung tâm thiết kế và giới thiệu sản phẩm bền vững ở Hội An, liên kết với Khoa Thiết kế (Trường Đại học Lund - Thuỵ Điển) xây dựng một điểm đến cho những người yêu nghệ thuật và các sản phẩm từ thiên nhiên…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cải thiện sinh kế cho đồng bào Cơ Tu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO