Cần so đo lợi - hại trong chuyển đổi đất lúa

ĐỖ VINH 25/06/2022 07:41

Lúa chưa phải là cây làm giàu nhưng có hạt lúa trong nhà, nông dân sẽ yên tâm. Nhưng bảo vệ đất lúa được xem là thách thức trước sức ép đô thị hóa. Vì vậy bài toán chuyển đổi đất lúa cần được cập nhật nhiều phép giải...

Dự án 10ha ở Điện Bàn trên đất lúa. Ảnh: Đ.VINH
Dự án 10ha ở Điện Bàn trên đất lúa. Ảnh: Đ.VINH

Dự án “màu mỡ” trên đất lúa

Chừng 10 năm trước, dọc tuyến quốc lộ 1 qua Quảng Nam là những cánh đồng lúa bao la. Qua từng năm, màu xanh của nhiều khu vực đồng ruộng biến thành màu xám của dự án đô thị. 

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để hình thành nên cánh đồng lúa phải trải qua hàng trăm năm. Cấu trúc của đất lúa cũng có sự khác biệt với các loại đất khác.

Đất lúa quý là vậy nhưng khi cơn lốc chia lô bán nền tràn qua, nhiều doanh nghiệp đã chọn đất lúa để thực hiện dự án. Theo ông Phạm Bê - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh, doanh nghiệp thích làm dự án trên đất lúa vì giá bồi thường thấp, thủ tục giải tỏa nhanh. Thi công dự án trên đất lúa cũng dễ hơn trên các loại đất khác.

Với giá bồi thường và các khoản hỗ trợ khác, 1m2 đất lúa, nông dân nhận được khoảng 200 nghìn đồng, nhưng sau khi san lấp, chủ doanh nghiệp có thể bán đất với giá 15 - 20 triệu đồng/m2. Thời gian qua, tại Quảng Nam, có hàng chục dự án mọc trên đất lúa khiến nhiều người lo ngại.

Theo ông Lê Muộn - nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, lãnh đạo các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng khá dễ dãi với chuyện chuyển đổi đất lúa thành đất khu dân cư chia lô bán nền.

Thậm chí có nơi xem đây là nguồn thu ngân sách quan trọng cho địa phương mình. Việc biến đất lúa thành đất thương mại dịch vụ hoặc đất ở đã được các chuyên gia cảnh báo, HĐND giám sát chặt chẽ nhưng xem ra, việc giữ đất lúa không dễ dàng.

Mặc dù nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nguồn thu ngân sách chủ yếu vẫn là công nghiệp - dịch vụ nhưng Quảng Nam không thể xem nhẹ ngành nông nghiệp khi còn 70% dân số của tỉnh sống ở nông thôn và gắn bó mật thiết với nông nghiệp. Về lâu dài, việc san lấp đất lúa tràn lan sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.

Việc san lấp đất lúa để làm dự án kéo theo nhiều vấn đề phát sinh. Nông dân nhận tiền một lần sau đó mất tư liệu sản xuất.

Theo ông Võ Hồng - nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, với nông dân, khi mất đất sản xuất, việc chuyển đổi ngành nghề rất khó khăn. Đây là nỗi lo đối với nhiều địa phương.

Ngoài ra, việc san lấp đất lúa ven các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã thu hẹp quỹ đất dự phòng để mở rộng hệ thống giao thông sau này. Những cánh đồng lúa còn là khu vực chứa nước tạm thời, điều hòa mưa lũ. San lấp đất lúa trên diện rộng đã làm thay đổi địa hình tự nhiên, dẫn đến ngập lụt trầm trọng thêm.

Dự án Khu phố chợ Chiên Đàn (thuộc xã Tam Đàn, Phú Ninh) là một minh chứng. Gần 10ha đất lúa bị san lấp, nhiều khu dân cư lân cận thường xuyên bị ngập. Vài năm nay, TP.Tam Kỳ thường xuyên bị ngập lụt kéo dài, nguyên nhân một phần do san lấp đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa làm dự án.

Giữ trụ đỡ nông nghiệp

Khi kinh tế phát triển, tâm lý của nhiều người thường xem nhẹ nông nghiệp, đánh giá thấp vai trò của cây lúa. Cây lúa đối với nông dân Quảng Nam chưa phải là cây để làm giàu. Nhưng, chuyện gì xảy ra nếu nông dân mua gạo để ăn hằng ngày?

Những cánh đồng lúa được xem là trụ đỡ kinh tế cho các vùng nông thôn. Ảnh: Đ.VINH
Những cánh đồng lúa được xem là trụ đỡ kinh tế cho các vùng nông thôn. Ảnh: Đ.VINH

Quảng Nam tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Năm 2021, quy mô nền kinh tế của tỉnh hơn 100 nghìn tỷ đồng, ngành nông nghiệp chỉ chiếm 13,8% trong GRDP.

Tuy đóng góp nhỏ nhưng trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, nông nghiệp được xem là trụ đỡ của kinh tế, nông thôn là hậu cứ an toàn để nhiều người lánh dịch. Lúc khó khăn do dịch bệnh, những cánh đồng lúa lại dang tay đón nhận những đứa con thất nghiệp từ thành phố trở về. Đây là thời điểm hạt lúa chứng tỏ được vai trò quan trọng, nông nghiệp thể hiện vị thế “bệ đỡ” trong nền kinh tế địa phương.

Tại Quảng Nam, trong khi nhiều địa phương như Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn đua nhau san lấp đất lúa thì đô thị cổ Hội An đã tận dụng lợi thế của đồng lúa để phát triển kinh tế theo hướng du lịch đồng quê.

Tiếp giáp với vùng lõi di sản Hội An, chính quyền địa phương đã ưu tiên bảo vệ đất lúa, hỗ trợ nông dân sản xuất. Đồng lúa không chỉ tạo cảnh quan, là đất dự trữ mà là khu vực quan trọng tạo sự cân bằng môi trường sinh thái cho Hội An.

Những cánh đồng lúa với phương thức sản xuất truyền thống đã góp phần để Hội An tôn vinh nét đẹp của di sản sống Hội An. Cánh đồng lúa là điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách quốc tế mà cả người dân địa phương.

Hình thành nên cánh đồng lúa là cả quá trình được tính bằng đời người nhưng san lấp đất lúa chóng vánh, được tính bằng ngày. Xu thế đô thị hóa khiến những đồng lúa đứng trước nguy cơ teo tóp.

Nhiều chuyên gia cho rằng để phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ đất lúa thì cần có kế hoạch sử dụng đất lâu dài của nhiều địa phương. Vì vậy, Quảng Nam cần xây dựng đề án quy hoạch tổng thể, tầm nhìn dài hạn để hạn chế thực trạng san lấp đất lúa như thời gian qua.

Phải bảo vệ những cánh đồng lúa, có cơ chế khuyến khích mạnh hơn nữa để nông dân sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, giá trị. Ngoài ra, địa phương cần ban hành nghị quyết bảo vệ đất lúa, tăng cường vai trò “gác cổng” trong việc thẩm định các dự án sử dụng đất lúa, siết chặt việc chuyển đất lúa sang đất phi nông nghiệp.

Đã đến lúc, Quảng Nam phải giữ cho được hơn 58.000ha đất lúa, trong đó có 43.000ha lúa nước tập trung như kế hoạch đã đề ra!

Giữ đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực

Để đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia, trước đây, Quốc hội đã ban hành nghị quyết đến năm 2020 phải giữ được 3,8 triệu héc ta đất lúa trên cả nước. Năm 2021, Quốc hội đã thông qua nghị quyết mới về quy hoạch sử dụng đất của quốc gia từ năm 2021 - 2030. Theo đó, trên toàn quốc phải giữ cho được 3,5 triệu héc ta đất lúa. Đây là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo an ninh lượng thực, nhất là trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh...

Quảng Nam có dân số gần 1,5 triệu người. Tổng diện tích đất nông nghiệp là 900.000ha, trong đó đất lúa gần 61.000ha. Theo kế hoạch sử dụng đất, trong 5 năm trở lại đây, tỉnh đã chuyển đổi khoảng 2.000ha đất lúa sang đất phi nông nghiệp, chủ yếu là xây dựng hạ tầng, khu dân cư.

Trong năm 2021, 17 huyện, thị của Quảng Nam xin chuyển hơn 230ha đất lúa sang thực hiện các dự án. Và mới đây, Quảng Nam đã đồng ý chuyển 1.318ha đất trồng lúa tại 15 huyện sang cây trồng khác. Từ thực tế trên, diện tích đất trồng lúa đang đứng trước nguy cơ suy giảm rất nhanh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần so đo lợi - hại trong chuyển đổi đất lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO