Chủ động ứng phó khô hạn vụ hè thu

MAI NHI 04/05/2022 06:30

Những ngày qua, nông dân trên địa bàn tỉnh thu hoạch rộ lúa và nhiều loại hoa màu vụ đông xuân 2021 - 2022. Ngành nông nghiệp ngay lập tức hướng dẫn, hỗ trợ nhà nông chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ hè thu 2022 với hy vọng mùa màng thắng lợi.

Các địa phương trong tỉnh đang ưu tiên nguồn lực kiên cố hóa hệ thống kênh mương nhằm đảm bảo cung cấp nước tưới cho cây trồng. Ảnh: MAI NHI
Các địa phương trong tỉnh đang ưu tiên nguồn lực kiên cố hóa hệ thống kênh mương nhằm đảm bảo cung cấp nước tưới cho cây trồng. Ảnh: MAI NHI

Vụ đông xuân 2021 - 2022 sản lượng lúa và nhiều loại hoa màu trong tỉnh đạt thấp do thời tiết quá bất lợi, nhất là ảnh hưởng lớn bởi đợt mưa to, gió mạnh bất ngờ cách đây 1 tháng gây thiệt hại rất nặng.

Vì vậy, để ứng phó với những bất thường của thời tiết trong vụ hè thu 2022, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương đã chủ động các phương án, kế hoạch sản xuất nhằm đem lại vụ mùa thắng lợi.

Chỉ cơ cấu các giống lúa trung - ngắn ngày

Tại hội nghị sơ kết sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2021 - 2022 và triển khai kế hoạch vụ hè thu 2022 do Sở NN&PTNT vừa tổ chức, ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, theo kế hoạch, vụ hè thu 2022, toàn tỉnh gieo trồng 41.500ha lúa, 8.000ha bắp, 2.500ha đậu phụng, 2.500ha mè, 11.500ha rau đậu các loại.

Đối với sản xuất lúa, ông Nguyễn Xuân Vũ đề nghị các địa phương chỉ cơ cấu các loại giống lúa trung - ngắn ngày nhằm tiết kiệm nước tưới và tránh rủi ro do mưa bão vào cuối vụ.

Thời gian xuống giống bắt đầu từ ngày 20.5 và kết thúc vào 5.6. Tùy theo thời gian sinh trưởng của từng loại giống, bố trí lúa trổ từ ngày 25.7 đến 10.8 (trổ tập trung từ ngày 30.7 đến 5.8) và thu hoạch xong trước ngày 5.9, chậm nhất là 10.9.

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, ngay sau khi thu hoạch lúa đông xuân, tranh thủ đất còn ẩm, nhà nông cần tiến hành cày đất, phơi ải nhằm cắt đứt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ.

Trạm bơm điện ở xã Duy Thành (Duy Xuyên) vừa được đầu tư xây mới để đảm bảo cung ứng nước tưới cho cây trồng. Ảnh: MAI NHI
Trạm bơm điện ở xã Duy Thành (Duy Xuyên) vừa được đầu tư xây mới để đảm bảo cung ứng nước tưới cho cây trồng. Ảnh: MAI NHI

Các đơn vị liên quan cùng chính quyền các cấp tích cực phổ biến rộng rãi đến nông dân về lịch thời vụ gieo sạ lúa hè thu 2022, đặc biệt là chủ trương sử dụng các loại giống lúa trung - ngắn ngày để giảm thiểu tối đa những tác động bất lợi của thời tiết.

Cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo, đội ngũ khuyến nông viên cơ sở và nhất là nông dân phải theo dõi chặt chẽ sự phát sinh, gây hại của các đối tượng dịch hại ngay từ đầu vụ hè thu.

Trong đó, đặc biệt chú ý các đối tượng dịch hại nguy hiểm như sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu và bệnh đạo ôn trên cây lúa, sâu keo mùa thu trên cây bắp, bệnh khảm lá trên cây sắn...

Chủ động phòng chống hạn, xâm nhập mặn

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề đáng quan tâm nhất trong vụ hè thu 2022 là công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn. Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, hè thu sắp tới toàn thị xã sẽ gieo sạ 5.450ha lúa. Nhằm tạo điều kiện cho nông dân sản xuất, UBND thị xã Điện Bàn dự kiến chi 1,5 tỷ đồng hỗ trợ 50% chi phí mua hạt giống và 50% chi phí mua phân bón để tổ chức canh tác khoảng 2.500ha lúa thương phẩm chất lượng cao ĐT100.

Sau khi gặt lúa đông xuân, nông dân huyện miền núi Nông Sơn khẩn trương cày phơi ải đất để cắt đứt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ. Ảnh: MAI NHI
Sau khi gặt lúa đông xuân, nông dân huyện miền núi Nông Sơn khẩn trương cày phơi ải đất để cắt đứt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ. Ảnh: MAI NHI

“Đợt mưa gió cách đây 1 tháng đã làm sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng tuyến đập bổi ngăn mặn - giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện tại khu vực Tứ Câu thuộc phường Điện Ngọc.

Mực nước trên hệ thống sông La Thọ - Bình Long cũng giảm dần và dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục tụt xuống thấp. Ngành nông nghiệp Điện Bàn đã xây dựng phương án phòng chống hạn - xâm nhập mặn cho khoảng 4.000ha lúa.

Các đơn vị đang gia cố, sửa chữa tuyến đập bổi sông Vĩnh Điện với kinh phí gần 1,3 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào 10.5. Đồng thời chuẩn bị nạo vét, khơi thông dòng chảy trên sông La Thọ - Bình Long nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt cho hàng chục trạm bơm điện, chủ động phục vụ nước tưới cho cây trồng” - ông Chơi nói.

Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Quảng Nam có 73 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 17 hồ chứa lớn do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý và 56 hồ chứa nhỏ do chính quyền các địa phương quản lý.

Thời gian qua có mưa nhiều, nhất là đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 31.3 đến 5.4 nên 52/73 hồ chứa tích đầy nước. Tuy nhiên, ông Tý cho rằng, các đơn vị, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống hạn, nhất là từ giữa đến cuối vụ hè thu 2022.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, trên cơ sở tình hình diễn biến thời tiết và nguồn nước hiện có, các đơn vị quản lý các hồ chứa nước phải tính toán, cân đối, xây dựng kế hoạch điều tiết nước phù hợp và có phương án chống hạn cho vụ hè thu 2022. Tăng cường công tác quan trắc độ mặn trước và trong vụ sản xuất để đảm bảo an toàn nguồn nước tưới cho cây trồng.

Đối với những diện tích đất lúa ở các vùng khó khăn về nguồn nước, cần tích cực hỗ trợ và hướng dẫn nông dân chuyển sang trồng đậu phụng, mè, bắp hoặc trồng cỏ làm thức ăn cho chăn nuôi.

UBND cấp huyện tập trung chỉ đạo chính quyền cấp xã huy động nhân dân ra quân nạo vét kênh mương, sửa chữa các công trình thủy lợi nhỏ và đào ao trữ nước, đóng giếng, lắp đặt trạm bơm dã chiến, thu giữ nguồn nước hồi quy... để chủ động ứng phó khô hạn.

Vụ đông xuân 2021 - 2022 nông dân Quảng Nam canh tác tổng cộng 41.600ha lúa, trong đó hơn 90% diện tích sử dụng các loại giống trung - ngắn ngày. Vụ này toàn tỉnh còn gieo trồng 8.224ha đậu phụng, 5.069ha bắp, 8.388ha rau đậu các loại... Ước tính, năng suất lúa bình quân chỉ đạt 56 tạ/ha, giảm 5,7 tạ/ha so với đông xuân năm ngoái.

Theo ước tính, đông xuân năm nay tổng sản lượng lúa của tỉnh giảm 23.300 tấn so với cùng vụ sản xuất năm trước. Ảnh: MAI NHI
Theo ước tính, đông xuân năm nay tổng sản lượng lúa của tỉnh giảm 23.300 tấn so với cùng vụ sản xuất năm trước. Ảnh: MAI NHI

Do năng suất giảm mạnh nên sản lượng lúa chỉ đạt 233.100 tấn, giảm 23.300 tấn so với cùng vụ năm trước. Trong khi đó, năng suất bắp bình quân ước đạt 48,5 tạ/ha, giảm gần 2 tạ/ha và năng suất đậu phụng đạt 20 tạ/ha, giảm 2 tạ/ha so với đông xuân 2020 - 2021.

* UBND tỉnh vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét hỗ trợ Quảng Nam hơn 121 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do đợt thiên tai dị thường xảy ra từ ngày 31.3 đến 5.4. Trong đó, hơn 21 tỷ đồng khôi phục sản xuất nông nghiệp tại những vùng bị thiệt hại và 100 tỷ đồng khắc phục thiệt hại về cơ sở hạ tầng thiết yếu như hệ thống thủy lợi, giao thông, đê kè...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ động ứng phó khô hạn vụ hè thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO