Dấu ấn kinh tế tập thể ở Thăng Bình

VIỆT NGUYỄN 08/10/2021 05:37

Thời gian qua, kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Thăng Bình tạo được dấu ấn rõ nét, nổi bật là các mô hình liên kết dịch vụ, sản xuất nông nghiệp hiệu quả, tạo nền tảng cho hướng phát triển lâu dài.

Cơ giới hóa giúp quá trình liên kết sản xuất, kinh doanh của các HTX trên địa bàn huyện Thăng Bình được thuận lợi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Cơ giới hóa giúp quá trình liên kết sản xuất, kinh doanh của các HTX trên địa bàn huyện Thăng Bình được thuận lợi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Chuyển biến rõ nét

Sản phẩm hạt sen sấy khô “Sen Việt” của HTX Nông nghiệp Thanh niên Bình Đào đã đăng ký dự thi sản phẩm OCOP cấp tỉnh, nâng từ hạng 3 sao lên 4 sao.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Vân - Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh niên Bình Đào cho biết, sen sấy khô đã được chứng nhận theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đã có mặt ở các trung tâm thương mại, siêu thị, khu du lịch lớn của nhiều tỉnh, thành.

Thăng Bình hiện có 63 HTX đăng ký sản xuất kinh doanh, với tổng số thành viên là 677 người, tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 900 lao động. Ước tính doanh thu bình quân của 1 HTX trong năm 2021 là 800 triệu đồng, lãi bình quân của 1 HTX là 15 triệu đồng.

HTX Nông nghiệp Thanh niên Bình Đào là điểm sáng trong bức tranh kinh tế tập thể ở Thăng Bình. Thành lập từ năm 2006, đến nay HTX có 18 thành viên, lao động thường xuyên 53 người, lao động thời vụ hơn 30 người, hoạt động chủ yếu là dịch vụ nước sạch, thủy lợi, cơ giới hóa, liên kết sản xuất, thu mua chế biến nông sản...

Năm 2016, HTX Nông nghiệp Thanh niên Bình Đào là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất ở Thăng Bình. Đến nay, HTX đã nhân rộng mô hình lên 85ha (thuê đất 20,5ha); trong đó xây dựng hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất cây mè - đậu phộng (10ha/năm), lúa giống (45ha/năm), sản xuất nếp Hương Lân...

Đến nay, HTX có 2 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh là nếp Hương Lân và dầu mè đen nguyên chất Bình Đào. Năm 2020, doanh thu HTX đạt hơn 4,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 103 triệu đồng.

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, hoạt động của các HTX thời gian qua chuyển biến rõ nét, các sản phẩm được sản xuất trên nhu cầu của thị trường, chất lượng được nâng cao, có sức cạnh tranh.

Đội ngũ quản lý, điều hành HTX được củng cố, năng lực vốn, trình độ sản xuất được cải thiện, phương thức điều hành đổi mới theo nhu cầu thực tiễn. Các chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, liên kết sản xuất, phát triển thương hiệu của tỉnh, huyện đã được các HTX phát huy hiệu quả...

Định hướng phát triển bền vững

Tại hội nghị Huyện ủy Thăng Bình lần thứ 7 diễn ra ngày 6.10, định hướng phát triển kinh tế tập thể đã thu hút nhiều ý kiến thảo luận. Nhiều đại biểu cho rằng điểm hạn chế của mô hình kinh tế tập thể ở địa phương là thiếu vốn, thiếu nhân lực, phương hướng hoạt động chưa phù hợp, tổ chức sản xuất, kinh doanh không theo sát kế hoạch. Mặt khác, cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của các HTX như công trình điện, hệ thống thủy lợi, nhà làm việc... còn sơ sài, chưa đáp ứng nhu cầu.

Ông Nguyễn Đức Bình - Phó Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho rằng, hiệu quả quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh của HTX đạt đến đâu phụ thuộc trước hết vào đội ngũ quản lý.

Thực tế cho thấy HTX nào biết tổ chức những dịch vụ thiết thực, đáp ứng nhu cầu của kinh tế hộ; đồng thời công khai, minh bạch về tài chính..., sẽ tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của thành viên và tăng hiệu quả kinh tế. Đó chính là nền tảng phát triển kinh tế tập thể bền vững.

Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình khẳng định, kinh tế tập thể với đầu tàu HTX là bộ phận không thể thiếu trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Các HTX cần tương trợ lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm… để tạo ra hướng phát triển bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên.

Thời gian đến, Thăng Bình duy trì, thành lập thêm, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp, nhân rộng mô hình liên kết sản xuất tại các địa phương trên địa bàn. Đối với các HTX hoạt động chưa hiệu quả, cần đổi mới điều hành, tăng cường liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

“Thăng Bình khuyến khích phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; đồng thời chú trọng nghiên cứu, xây dựng, phát triển liên hiệp HTX nông nghiệp” - ông Phan Công Vỹ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu ấn kinh tế tập thể ở Thăng Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO