Dấu ấn nông nghiệp Hiệp Đức

SỰ ĐÔNG - GIANG QUÂN 27/04/2022 07:06

Nhờ nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp theo phương thức hàng hóa tập trung, nông dân Hiệp Đức không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.

Những năm gần đây, nông dân Hiệp Đức nỗ lực khai hoang vườn tạp để xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: VĂN SỰ
Những năm gần đây, nông dân Hiệp Đức nỗ lực khai hoang vườn tạp để xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: VĂN SỰ

Dấu ấn trong trồng trọt, chăn nuôi

Ông Lê Văn Bảy - chuyên viên Phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, hiện nay toàn huyện có hơn 1.330ha đất lúa. 10 năm trở lại đây, bình quân hằng năm Hiệp Đức đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng xây dựng hạ tầng thủy lợi.

Cùng với đó, huyện chú trọng tập huấn chuyển giao các gói kỹ thuật canh tác tiên tiến và tích cực hỗ trợ nông dân đưa nhiều loại giống lúa mới có chất lượng tốt vào gieo sạ đại trà, đem lại năng suất cao.

“Qua khảo sát, đông xuân 2021 - 2022 năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 59,45 tạ/ha, tăng 12,25 tạ/ha so với đông xuân 2015 - 2016. Vụ này, tổng sản lượng lúa của Hiệp Đức ước đạt 7.916 tấn, tăng 1.524 tấn so với cách đây 6 năm” - ông Lê Văn Bảy nói.

Giai đoạn 2021 - 2025 Hiệp Đức phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành nông - lâm - thủy sản đạt 3,4%; đến năm 2025 cơ cấu nội bộ ngành là nông nghiệp chiếm 56%, lâm nghiệp 40%, thủy sản 4%. Trồng mới và tái canh rừng 2.500ha/năm; đến năm 2025 diện tích trồng rừng gỗ lớn được đánh giá cấp chứng nhận FSC đạt 6.000ha. Trong giai đoạn này, xây dựng mới 250 khu vườn đảm bảo hệ thống nước tưới; xây dựng ít nhất 30 mô hình sản xuất chuyên canh...

Với lợi thế đất lâm nghiệp lớn, thời gian qua nông dân Hiệp Đức đầu tư phát triển mạnh mô hình trồng rừng sản xuất và hiệu quả kinh tế mang lại tương đối cao.

Ông Trần Quyết Tiến ở thôn Trà Linh Đông (xã Hiệp Hòa, Hiệp Đức) cho biết, gia đình ông có 30ha đất lâm nghiệp. Trong đó, bố trí trồng 5ha cao su tiểu điền, 7ha rừng gỗ lớn và 18ha keo lai nguyên liệu.

Với 18ha rừng keo lai nguyên liệu, từ năm 2005 đến nay bình quân hằng năm ông Tiến khai thác khoảng 3 - 4ha. Trung bình 1ha đạt giá trị khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí còn lại lãi ròng hơn 60 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Tấn Nghiệp - Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức thông tin, tính đến cuối tháng 4.2022 toàn huyện có hơn 19.000ha rừng keo nguyên liệu và 3.317ha rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC mới trồng vài năm trở lại đây.

“Trong tổng số diện tích rừng keo nguyên liệu nêu trên, bình quân hằng năm nông dân khai thác bán ra thị trường từ 2.500ha trở lên và trung bình 1ha cho giá trị hơn 90 triệu đồng” - ông Nghiệp nói.

Trong 8 năm qua, bình quân hằng năm gia đình ông Võ Văn Minh ở thôn Thuận An (xã Hiệp Thuận, Hiệp Đức) có mức thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ mô hình nuôi bò lai 3B thâm canh. Ảnh: VĂN SỰ
Trong 8 năm qua, bình quân hằng năm gia đình ông Võ Văn Minh ở thôn Thuận An (xã Hiệp Thuận, Hiệp Đức) có mức thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ mô hình nuôi bò lai 3B thâm canh. Ảnh: VĂN SỰ

Những năm gần đây, Hiệp Đức tiếp sức người dân trong việc khai hoang, cải tạo hàng loạt diện tích đất vườn tạp để xây dựng thành các mô hình kinh tế. Từ năm 2017 - 2021, huyện đã chi 3 tỷ đồng hỗ trợ nông dân cải tạo và xây dựng được 364 khu vườn chuyên trồng những loại cây ăn quả. Hiện Hiệp Đức có 35 khu vườn có mức thu nhập hằng năm từ 50 triệu đồng trở lên, còn bình quân toàn huyện thì đạt gần 20 triệu đồng/mô hình/năm.

Với lĩnh vực chăn nuôi, ông Mai Thanh Sơn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại nghiêm trọng và kéo dài, những năm gần đây ngành liên quan và chính quyền các địa phương của huyện tập trung hỗ trợ người dân đầu tư phát triển mạnh mô hình chăn nuôi bò lai thâm canh, xem đây là hướng chủ lực.

Đến thời điểm này, tổng đàn bò trên địa bàn 11 xã, thị trấn của Hiệp Đức là hơn 10 nghìn con, trong đó bò lai chiếm tỷ lệ hơn 92%. Hiện nay, toàn huyện đã hình thành được hơn 300 mô hình nuôi bò lai sinh sản và bò thịt thương phẩm theo phương thức thâm canh với quy mô từ 5 con trở lên. Bình quân mỗi năm 1 con bò cho lãi ròng từ 12 - 17 triệu đồng...

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức nhìn nhận, mặc dù có bước chuyển biến tích cực nhưng thực tế cho thấy, lĩnh vực kinh tế nông nghiệp của huyện phát triển chưa tương xứng.

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung; chưa có nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ nông - lâm nghiệp để nâng cao giá trị hàng hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp khi thời tiết và thị trường bất lợi...

Thời gian tới, Hiệp Đức ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp vào liên kết với người dân địa phương trồng và chế biến gỗ nguyên liệu. Ảnh: VĂN SỰ
Thời gian tới, Hiệp Đức ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp vào liên kết với người dân địa phương trồng và chế biến gỗ nguyên liệu. Ảnh: VĂN SỰ

Nhằm tạo động lực thúc đẩy lĩnh vực nông - lâm - thủy sản phát triển nhanh, mạnh và bền vững, ngày 30.12.2021 Huyện ủy Hiệp Đức ban hành Nghị quyết số 07 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, giải pháp trọng tâm huyện đặt ra là thời gian tới tập trung thực hiện tốt quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, làng nghề, các cơ sở chế biến...

Xác định thứ tự ưu tiên thực hiện quy hoạch để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; chỉ đạo thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong đó, ưu tiên vùng phát triển trồng rừng gỗ lớn, chăn nuôi tập trung, vùng sản xuất chuyên canh các loại cây trồng chủ lực và có giá trị kinh tế cao.

Nhờ tập trung phát triển mạnh mô hình trồng rừng nguyên liệu, nhiều hộ dân có nguồn thu nhập cao. Ảnh: VĂN SỰ
Nhờ tập trung phát triển mạnh mô hình trồng rừng nguyên liệu, nhiều hộ dân có nguồn thu nhập cao. Ảnh: VĂN SỰ

Tập trung hỗ trợ nâng cao tỷ lệ cơ giới vào sản xuất, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao thu nhập. Đẩy mạnh triển khai các đề tài ứng dụng khoa học, mô hình khuyến nông có hiệu quả để nhân rộng vào sản xuất...

Theo ông Nguyễn Văn Nam, vấn đề cần đặc biệt quan tâm là tập trung hỗ trợ nhiều mặt để các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân liên kết quy hoạch sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm trên địa bàn huyện.

Tổ chức kết nối cung - cầu hàng hóa giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất. Qua đó, chủ động được sản lượng sản xuất và ổn định thị trường tiêu thụ. Các sản phẩm lợi thế của địa phương từng bước đưa vào hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ, đồng thời được hỗ trợ phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu ấn nông nghiệp Hiệp Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO