Giải quyết đầu ra nông sản: Bài toán về nguồn cung

VĨNH LỘC 15/06/2021 06:37

Nông sản Quảng Nam khó tiêu thụ, giá bán thấp, nông dân chịu thiệt thòi…, đây là những vấn đề không mới nhưng bao năm nay vẫn chưa có giải pháp hiệu quả bởi nguồn sản phẩm bấp bênh.

Giải cứu dưa hấu tại huyện Núi Thành, câu chuyện lặp đi lặp lại nhiều năm qua về tiêu thụ nông sản ở các địa phương trong tỉnh. Ảnh: V.LỘC
Giải cứu dưa hấu tại huyện Núi Thành, câu chuyện lặp đi lặp lại nhiều năm qua về tiêu thụ nông sản ở các địa phương trong tỉnh. Ảnh: V.LỘC

Nông sản rớt giá

Gần 6 giờ chiều nhưng vợ chồng ông Võ Thành (thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, Duy Xuyên) vẫn lui cui bên đám ớt. Vợ hái trái, chồng gom đổ vào bao để kịp về nhà trước khi trời tối. Hơn 8 sào ớt của ông Thành, trái đã chín khô, quắt queo trên những thân cây đang trụi lá. “Ớt rẻ quá, tiền bán không đủ thuê nhân công nên vợ chồng tôi phải tự hái” - ông Thành nói như phân trần.

Từ tháng 10 âm lịch năm trước, ông Thành bắt đầu xuống giống ớt, tháng 2 năm sau thì hái lứa trái đầu tiên, thời gian thu hoạch kéo dài tầm 3 tháng, bình quân mỗi sào đầu tư khoảng 3 triệu đồng.

Vụ năm nay ông Thành trồng 2 loại ớt gồm giống 403 Ấn Độ và ớt phù sa nhưng từ đầu tháng 5 giá ớt sụt giảm mạnh, chỉ còn 4 nghìn đồng/kg (ớt Ấn Độ) và 2,7 nghìn đồng/ký (ớt phù sa). Tiếc của, vợ chồng ông cố gắng hái về phơi khô, mong vớt vát chi phí. “Một lao động hái chừng 60kg ớt mỗi ngày, với giá cả như hiện nay thì không đủ trả tiền công chứ nói chi lời” - ông Thành nói.

Diện tích ớt của gia đình ông Võ Thành (thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, Duy Xuyên) héo khô do giá cả thấp, không bán được. Ảnh: V.LỘC
Diện tích ớt của gia đình ông Võ Thành (thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, Duy Xuyên) héo khô do giá cả thấp, không bán được. Ảnh: V.LỘC

Nhiều năm qua câu chuyện được mùa mất giá như một điệp khúc chưa có hồi kết. Những kêu gọi giải cứu nông sản, hỗ trợ người dân… lại diễn ra mỗi khi nông sản vào mùa chính vụ.

Ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho rằng, ngoài ớt trái, việc tiêu thụ một số nông sản khác cũng không thuận lợi. Tại Đại Lộc, thỉnh thoảng nông sản lại đối diện tình trạng này, thậm chí phải kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ. Mới đây, Nhóm thiện nguyện trẻ TP.Đà Nẵng và các hội, đoàn thể xã Đại An phải giúp tiêu thụ gần 2 tấn bắp nếp trái cho nông dân xã Đại An và vùng lân cận.

Trung bình mỗi năm, tổng diện tích gieo trồng hoa màu, củ, quả… trên địa bàn huyện Đại Lộc ước khoảng 3.000ha, riêng đậu phụng đã chiếm hơn 1.000ha, bắp khoảng 528ha, ớt 197ha…; trong khi việc tiêu thụ phần lớn mang tính tự phát, chưa có sự kết nối vững chắc với những doanh nghiệp lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa chủ yếu xuất phát từ người nông dân. Đã có tình trạng chính quyền kêu gọi doanh nghiệp về đầu tư lâu dài, nhưng khi nông sản có giá thì người dân phá hợp đồng bán cho tư thương.

Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, một bộ phận người dân chỉ thấy lợi trước mắt nên phá vỡ cam kết, hậu quả doanh nghiệp quay lưng không hợp tác, kể cả ký hợp đồng theo giá cố định hay hợp đồng không theo giá cố định.

“Nói thật, cũng do nông dân mình nên khó thể có bạn hàng lớn hay những doanh nghiệp cơ bản vững chắc làm ăn với mình. Bây giờ ký hợp đồng với nông dân họ cũng sợ, lỡ nông dân vi phạm thì khó xử, cuối cùng doanh nghiệp vẫn thiệt thòi, nên nói giải pháp cho chuyện nông sản mất giá như bao lâu nay thì thật sự không có giải pháp nào” - ông Chơi chia sẻ.

Sản phẩm thiếu ổn định

Không chỉ ớt mất giá, tiêu thụ chậm, hầu hết nông sản trên địa bàn tỉnh như dưa hấu, bắp, đậu, kể cả thủy hải sản… cũng không ngoại lệ, mỗi khi vào mùa thu hoạch. Ông Lê Văn Hiệp - Phó phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho rằng, Nhà nước khó can thiệp vào giá cả, bởi phần lớn người dân tự liên hệ tiểu thương theo kiểu thuận mua vừa bán, chưa kể sản lượng không nhiều, quy mô sản xuất nhỏ theo kiểu “bán lẻ dư, bán sỉ không đủ hàng”.

Tại Núi Thành, mặc dù diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 1.500ha (riêng diện tích nuôi tôm đã khoảng 1.100ha), năng suất khoảng 8.000 tấn/năm, nhưng thời gian thu hoạch không đồng nhất, hộ hai tháng rưỡi đã xuất hồ, có hộ 3 tháng, thậm chí 4 tháng mới xuất hồ… nên rất khó thực hiện những hợp đồng lớn ổn định. Kết quả, tư thương ép giá hoặc thờ ơ khi thị trường tiêu thụ sụt giảm.

Đồng tình quan điểm trên, theo ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), bên cạnh nguyên nhân ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu bị ảnh hưởng thì nguyên nhân quan trọng nhất là nông sản Quảng Nam không ổn định, quy mô nhỏ, sản lượng ít, nếu kết nối doanh nghiệp tiêu thụ số lượng lớn sẽ không đủ nguồn cung. Vì vậy, xây dựng chuỗi liên kết thông qua kết nối doanh nghiệp ổn định phải được quan tâm, chú trọng.

“Có địa phương đến Sở Công Thương đề nghị hỗ trợ tiêu thụ đậu đũa, chúng tôi đã kết nối với các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh để họ bố trí gian hàng nhưng cũng chỉ 3 tháng thì hết, gian hàng bỏ trống, gây khó doanh nghiệp” - ông Lâm kể.

Ông Lâm cho rằng, để tiêu thụ nông sản, về phía người nông dân trước tiên phải ổn định sản phẩm, đặc biệt chất lượng phải đảm bảo an toàn. Khi đáp ứng được 2 yếu tố này ngành công thương sẽ tổ chức quảng bá, đưa trên sàn thương mại điện tử để người tiêu dùng làm quen. Đồng thời xúc tiến thương mại qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, kể cả kết nối đơn vị sản xuất với các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi vào.

“Nếu người dân cần tiêu thụ gì, chúng tôi sẵn sàng mời các nhà bán lẻ như Big C, Co.opMart, VinMart vào, họ sẽ ký hợp đồng ngay, nhưng ngặt sản phẩm lại không đủ, kể cả rau củ quả, chưa kể chất lượng, do mình không có vùng chuyên canh lớn, mà siêu thị không thể mở gian hàng ra rồi để trống” - ông Lâm chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải quyết đầu ra nông sản: Bài toán về nguồn cung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO