Hạn chế tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp: Khuyến khích đầu tư, tích tụ ruộng đất

VIỆT NGUYỄN 10/12/2020 08:50

Để khắc phục tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giải pháp thu hút đầu tư của doanh nghiệp (DN), khuyến khích các hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao đã cho hiệu quả khả quan.

Trong năm nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 2 nghìn héc ta đất để tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Trong năm nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 2 nghìn héc ta đất để tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Dấu ấn ở Phú Ninh

HTX Nông nghiệp Phú Mỹ (thôn Phú Mỹ, xã Tam Phước, Phú Ninh) vừa ký kết hợp đồng để tiêu thụ các loại rau sạch ở siêu thị BigC Đà Nẵng, đánh dấu thêm bước tiến quan trọng về mở rộng thị trường. Từ hơn một năm nay, các loại rau quả của HTX đã được bày bán ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, được người tiêu dùng ưa chuộng.

HTX giữ vai trò rất quan trọng trong khắc phục hoang hóa đất đai, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, toàn tỉnh có 304 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 23 HTX mới thành lập. Thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển HTX, năm 2020, UBND tỉnh đã hỗ trợ 1 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng cho 5 HTX. UBND tỉnh cũng đã cấp hơn 400 triệu đồng để hỗ trợ thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại 4 HTX trên địa bàn.

Ông Huỳnh Văn Ca - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Mỹ cho biết, trước đây, với hơn 3ha đất bỏ hoang ở thôn Phú Mỹ, HTX đã quyết định tích tụ, tập trung ruộng đất, huy động nông hộ để sản xuất rau hàng hóa. Khi sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, HTX Nông nghiệp Phú Mỹ mở rộng thêm 5ha để canh tác rau sạch.

“Nếu không tập trung ruộng đất như bây giờ thì rất lãng phí tài nguyên mà người nông dân không ổn định sinh kế” - ông Ca nói. Đến nay, doanh thu của HTX Nông nghiệp Phú Mỹ đạt hơn 2 tỷ đồng/năm, lãi hơn 1,5 tỷ đồng/năm. Hơn 15 gia đình xã viên trồng rau có nguồn thu nhập ổn định xấp xỉ 15 triệu đồng/tháng.

Cũng ở huyện Phú Ninh, lâu nay các nông hộ thuộc xã Tam Lộc, Tam Lãnh trồng lúa và hoa màu không hiệu quả vì phụ thuộc vào nước trời. Để tránh hoang hóa, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND huyện Phú Ninh thu hút đầu tư của Công ty CP Đầu tư & phát triển đất Quảng Star để triển khai dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn liền với tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh với 105ha ở xã Tam Lãnh và 5ha ở xã Tam Lộc. Dự án đang triển khai khả thi, kỳ vọng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho 31 hộ dân ở xã Tam Lãnh và 49 hộ dân ở xã Tam Lộc.

Ông Đinh Long Toàn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh cho biết, dồn điền đổi thửa và tích tụ ruộng đất được triển khai đồng bộ ở các địa phương đã giúp huyện hạn chế tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp. Đến nay, Phú Ninh đã xây dựng 13 chuỗi liên kết, thu hút nhiều DN, HTX phối hợp với người dân sản xuất nông nghiệp hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao, ổn định thu nhập. Tiêu biểu như liên kết sản xuất rau củ quả sạch ở xã Tam Thành do HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trường Thành thực hiện. Hay sản xuất lúa giống hàng hóa ở các xã Tam Đàn, Tam Dân, Tam Thái, Tam Phước... 

Tránh hoang hóa đất đai

Ở huyện Thăng Bình, tình trạng bỏ ruộng đất, không sản xuất nông nghiệp có xu hướng gia tăng khiến đất hoang hóa, bạc màu, sâu bệnh, dịch hại tàn phá. Để khắc phục tình trạng trên, UBND huyện Thăng Bình đã quyết định nhân rộng mô hình tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư, liên kết với DN để sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, HTX Nông nghiệp Bình Đào đã thực hiện rất tốt mô hình trên trong thời gian qua khi sản xuất hiệu quả trên 85ha. Nhờ tập trung ruộng đất, cơ giới hóa đồng ruộng, áp dụng kỹ thuật tiên tiến nên chi phí sản xuất giảm xuống, hiệu quả thu được tăng lên, thu nhập của các xã viên ngày càng ổn định.

Ông Vũ cho rằng, nông dân xã Bình Đào và sau đó là xã Bình Nam đã gắn bó với đồng ruộng thì ở địa phương khác cũng có thể thực hiện tốt. Do vậy, Thăng Bình triển khai thêm ở thị trấn Hà Lam, các xã Bình Triều, Bình Hải, Bình Tú, Bình Định Nam, Bình Giang, Bình Quý, Bình Chánh và Bình Sa. Đến nay, toàn huyện Thăng Bình đã tích tụ ruộng đất, sản xuất lúa, đậu phụng, sen hiệu quả trên tổng cộng hơn 594ha. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút đầu tư, liên kết với DN để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hàng hóa theo hướng sạch, an toàn là tất yếu của Quảng Nam để hạn chế tình trạng hoang hóa đất đai. Trong năm qua, tỉnh đã chuyển gần 2 nghìn héc ta đất ở những chân ruộng không chủ động nước tưới, diện tích đất nông nghiệp phụ thuộc nước trời để liên kết với DN chuyển sang trồng hoa màu các loại và cây ăn quả, dược liệu. Các mô hình đều cho năng suất cao và lợi nhuận tăng 20 - 30% so với sản xuất trước đây. Tuy vậy, DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo sức đột phá, thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản xuất gắn với liên kết sản phẩm theo chuỗi giá trị, tiếp tục tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hạn chế tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp: Khuyến khích đầu tư, tích tụ ruộng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO