Hiệu quả mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp

THÁI BÌNH 27/04/2020 15:54

Xã Bình Nam (huyện Thăng Bình) là địa phương đi đầu trong công tác tích tụ ruộng đất, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa lớn, đồng thời liên kết sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Xã Bình Nam tập trung liên kết trong sản xuất, đưa cơ giới nhiều khâu trên đồng ruộng. Ảnh: T.B
Xã Bình Nam tập trung liên kết trong sản xuất, đưa cơ giới nhiều khâu trên đồng ruộng. Ảnh: T.B

Thời gian qua, Hội Nông dân xã Bình Nam vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Việc thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thích ứng với biến đổi khí hậu vừa tăng cao thu nhập cho người nông dân.

Sau vụ thu hoạch lúa đông xuân, nông dân của xã liền chuyển sang mô hình trồng đậu phụng trên những cánh đồng lớn ở hai thôn Đông Tác, Nghĩa Hòa. Bên cạnh đó, sức người được thay thế bằng cơ giới trên đồng ruộng nên việc sản xuất ngày càng thuận lợi.

Ông Trần Văn Nhân (thôn Đông Tác, xã Bình Nam) nói: “Hồi xưa mình làm nông vất vả hơn nhiều, chừ nông dân cơ giới hóa hầu hết các công đoạn sản xuất. Gặt lúa có máy liên hoàn, làm đất trồng đậu phụng thì có máy vun hàng. Nhờ rứa mà giảm công cán lao động, năng suất lại nâng cao hơn nhiều”.

Tại cánh đồng lớn ở thôn Đông Tác và Nghĩa Hòa, nông dân trồng giống đậu phụng sẻ địa phương khá phù hợp với thổ nhưỡng, thời gian sinh trưởng ngắn. Sau những vụ mùa trồng đậu phụng thắng lợi, nông dân ở địa phương càng thêm phấn khởi bởi giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Ông Nguyễn Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nam nói: “Thực hiện cơ chế, chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, địa phương từng bước vận động nhân dân xóa đi bờ thửa nhỏ, tạo diện tích rộng lớn nhằm đưa cơ hóa vào phục vụ sản xuất. Hạ tầng đồng ruộng thì chúng tôi tập trung quy hoạch, đầu tư các tuyến giao thông nội đồng, bê tông hóa kênh mương trên các cánh đồng”.

Thực hiện dự án “đậu sạch, dầu sạch”, tạo chất lượng sản phẩm tốt nhằm góp phần triển khai thành công Chương trình OCOP của xã, Bình Nam đã thành lập HTX Nông nghiệp Bình Nam thu hút 8 hội viên nông dân tham gia. Được địa phương và các ngành chức năng của huyện hỗ trợ, HTX đầu tư dây chuyền sản xuất gồm máy chế biến dầu phụng theo công nghệ tiên tiến nên chất lượng, thương hiệu dầu phụng Bình Nam có uy tín trên thị trường. Bên cạnh đó, HTX đứng ra ký hợp đồng liên kết để bao tiêu sản phẩm cho thành viên HTX và nông dân.

Ông Trần Văn Ninh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Nam chia sẻ: “HTX hiện nay sản xuất theo hình thức cơ giới hóa toàn bộ từ khâu làm đất cho đến thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Tổng diện tích vận động bà con liên kết sản xuất trồng lúa hơn 200ha, diện tích trồng đậu phụng khoảng 300ha trên hai vụ. Đối với lúa thì chúng tôi thu mua lúa giống về để cung cấp cho các công ty, đậu phụng thì trực tiếp sản xuất, đóng chai theo sản phẩm OCOP để bán ra thị trường. Có thể nói, người dân tham gia liên kết sản xuất giảm được chi phí rất nhiều, từ đó bà con yên tâm hơn trong sản xuất”.

Qua hơn hai năm sản xuất theo hướng liên kết đã tạo cơ sở vững chắc để địa phương xây dựng mô hình cánh đồng mẫu trồng đậu phụng với diện tích 200ha của xã Bình Nam. Khâu liên kết trong sản xuất phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay và góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệu quả mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO