Khô hạn, Đại Hồng nguy cơ bỏ hoang ruộng đồng

HOÀNG LIÊN 22/06/2021 08:54

(QNO) - Mùa nắng hạn gay gắt năm nay, nhiều nơi trên địa bàn xã Đại Hồng (Đại Lộc) chật vật với nguồn nước, nguy cơ hàng chục héc ta ruộng bị bỏ hoang khi toàn bộ nguồn nước cạn kiệt.

Nhiều khe suối, hồ đập trên địa bàn xã Đại Hồng là vùng cung cấp nước tưới cho cây màu và cây lúa đã bị khô kiệt. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Nhiều khe suối, hồ đập trên địa bàn xã Đại Hồng là vùng cung cấp nước tưới cho cây màu và cây lúa đã bị khô kiệt. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Cây màu bị tác động lớn

Thời điểm này, trong khi tại nhiều nơi ở Đại Lộc, nông dân đang chăm sóc cây rau màu hè thu và duy trì nguồn nước tưới ổn định thì tại Đại Hồng, hàng trăm héc ta hoa màu vừa kịp xuống giống nhờ một vài đợt mưa dông đủ thấm đất. Trên vùng sản xuất lúa rộng hơn 40ha của xã Đại Hồng, nhiều nơi đồng ruộng hiện vẫn trơ đất cày, chưa thể xuống giống vì thiếu nước gieo sạ.

Ông Nguyễn Tuấn Khương - một nông dân ở Đại Hồng cho hay, mọi năm ông xuống giống cả mẫu đất với đậu xanh hè thu, bắp, mè thuận lợi. Năm nay, chờ không có mưa, cánh đồng khô hạn nứt nẻ, nhờ vài đợt mưa dông đủ thấm đất, gia đình ông vừa xuống giống mè đen, mè trắng, bắp.

"Đặt được hạt giống xuống là mừng rồi, cơ bản cây đã mọc nhưng cũng thả vậy chứ không biết lấy đâu ra nước tưới. Với kiểu nắng hạn này thì nguy cơ sẽ không có cái để thu" - ông Khương nói.

Theo nhiều người dân, nếu có mưa ở những thời điểm phù hợp, sẽ vớt vác được nhiều diện tích cây màu. Nếu cây hoa màu ra hoa, kết quả mà không có nước tưới thì năng suất thấp hoặc dễ mất trắng. Nhiều nông dân tính đến phương án đóng giếng tại đồng để tưới cho cây màu nhưng công suất chẳng được bao nhiêu, chi phí quá lớn. 

Theo ông Từ Thanh Thẩm - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hồng, toàn xã có gần 380ha đất màu và hơn 40ha đất lúa. Đất màu thì mới có đợt mưa vừa rồi nông dân xuống giống được, đậu xanh các năm trước vốn là cây chủ lực với khoảng 200ha nhưng năm nay chỉ bố trí cây mè và cây bắp là chủ lực, một số diện tích bố trí trồng dưa. "Cái khó chính là làm sao để xuống giống, chừ xuống giống được rồi thì khỏe. Chỉ cần duy trì ổn định tưới cho cây ở một số thời điểm quan trọng. Trên 50% diện tích đã thủy lợi hóa đất màu nên nhiều diện tích sẽ đảm bảo tưới" - ông Thẩm nói.

Bỏ hoang 43ha ruộng

Đại Hồng có hơn 40ha đất lúa nằm rải rác, manh mún, trải dài trên 3 cánh đồng Lập Thuận (do đập Khe Bò tưới), Ngọc Kinh Đông (do đập Cây Xoay tưới), Ngọc Kinh Tây (bàu Ngọc Kinh Tây tưới). Tuy nhiên, 2 con đập và bàu đã cạn kiệt nguồn, dung tích chứa nước các hồ, đập của xã rất ít do lũ lụt gây bồi lấp. Ba cánh đồng này đều không có nước để làm đất, gieo sạ, các bàu đập cũng khô cạn, trơ đáy.

 
Mương máng khô hạn, không đủ nước để gieo sạ.

Theo ông Thẩm, giải pháp cứu hạn, bơm nước từ xa tới để gieo sạ hơn 40ha đất lúa là không khả thi bởi khó tìm ra nguồn nước. Đợt mưa vừa rồi nước về các hồ, đập rất ít, ước lượng chỉ đủ xuống giống một số thửa ruộng, còn lại phải bỏ hoang. Điều mà địa phương lo là khi xuống giống xong, lấy đâu ra nước tỉa dặm và cấp nước cho các giai đoạn cần thiết của cây lúa.

"Nếu từ nay tới cuối tháng 6 dương lịch mà có mưa đủ lớn thì vẫn còn có thể xuống giống ngắn ngày đối với diện tích trên. Xã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện chọn giống ngắn ngày, chấp nhận trái lịch thời vụ, may ra có cái thu hoạch. Với cách này thì có thể rủi ro dẫn đến mất mùa hoặc có thể không. Nhưng nếu tìm mọi cách để xuống giống thì khả năng mất mùa rất cao. Thà chấp nhận không xuống giống lúc này để chờ mưa, tránh mất giống, phân, nhân công của bà con" - ông Thẩm nói. Những năm qua, nhiều công trình hồ đập tại Đại Hồng thường xuyên bị bồi lấp do đất đá, cát tràn về khiến dung tích dự trữ nước các công trình rất thấp.

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay, huyện và xã cũng tính tới phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng đây là diện tích khó chuyển đổi vì đặc thù thổ nhưỡng của vùng là hễ mưa là ngập úng, không thoát nước, mùa nắng thi khô hạn. Dù đã chuyển đổi thí điểm một số diện tích nhưng thực tế không hiệu quả. Huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và thủy lợi ngăn các mương rút để giữ nước lại trong kênh, nhằm làm ẩm dưới đất, chống thất thoát nước khi có mưa. "Nếu từ nay tới cuối tháng mà có mưa thì có thể xuống giống ngắn ngày, nếu trời tiếp tục nắng hạn, không còn cách nào khác thì đành bỏ diện tích này hơn là đầu tư mà không đem lại hiệu quả" - ông Mẫn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khô hạn, Đại Hồng nguy cơ bỏ hoang ruộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO