Khống chế dịch lở mồm long móng ở Đại Lộc: Nâng tỷ lệ tiêm vắc xin

HOÀNG LIÊN 26/10/2020 06:59

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tâm lý chủ quan của người chăn nuôi, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc trên địa bàn Đại Lộc còn thấp. Gần đây, dịch lở mồm long móng (LMLM) bùng phát và lây lan diện rộng tại Đại Hồng nên nhiều địa phương ở Đại Lộc đang nỗ lực tiêm vắc xin bao vây, cô lập dịch LMLM nhằm giảm thiểu rủi ro.

Lực lượng thú y lấy mẫu gia súc chết do dịch lở mồm long móng để xét nghiệm. Ảnh: H.L
Lực lượng thú y lấy mẫu gia súc chết do dịch lở mồm long móng để xét nghiệm. Ảnh: H.L

Khống chế, bao vây dịch

Tại xã Đại Hồng, như Báo Quảng Nam đã thông tin, dịch LMLM bùng phát trên địa bàn khiến đàn gia súc (trâu, bò) của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng nặng.

Theo ông Ngô Tấn Sinh (cán bộ thú y xã Đại Hồng), nguyên nhân khiến đàn trâu bò, heo ở Đại Hồng xuất hiện LMLM hàng loạt trước hết là do người dân có tập quán chăn thả gia súc trên cánh đồng cỏ ven sông Vu Gia ở thời điểm trước khi lũ xảy ra, đây là lý do khiến đàn trâu bò lây lan bệnh và ủ bệnh nhiều. Ngoài ra, lũ xuất hiện trên địa bàn khiến công tác ứng phó gặp nhiều khó khăn, trong khi lực lượng thú y cơ sở rất mỏng. Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin trên đàn vật nuôi tại địa bàn xã còn thấp cũng là nguyên nhân khiến dịch bùng phát, lây lan mạnh.

Ông Sinh cho biết thêm: “Toàn xã Đại Hồng có 1.450 con bò, trong đó 230 con bị LMLM, 40 con chết, số còn lại được chữa khỏi bệnh. Từ sau khi dịch xảy ra, nhìn chung, qua tuyên truyền, vận động, người dân hưởng ứng tiêm vắc xin cho gia súc. Chúng tôi đã tiêm vét, tiêm phòng bao vây được 4 thôn, giờ tiếp tục tiêm ở 6 thôn còn lại đang có dịch và chờ phản ứng trên đàn vật nuôi đã tiêm vắc xin rồi mới xử lý kịp thời, mở rộng”.

Tại thôn Tân Hà (xã Đại Lãnh), theo ông Trần Quốc Thành - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, khi nghe xã thông tin về tình hình dịch bệnh LMLM và chỉ đạo phòng chống dịch, các thôn đã nỗ lực tiêm phòng vét bao vây, cô lập dịch, tuyên truyền cho người dân tự cách ly đàn vật nuôi để phòng dịch. Tại các xã chưa phát hiện dịch, công tác phòng chống, bao vây, cô lập dịch được chú trọng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vỹ - Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết, riêng Đại Đồng chưa phát hiện dịch LMLM và xã đã tăng cường công tác tiêm phòng đạt 100%. Còn ông Hồ Xuân Hội - Chủ tịch UBND xã Đại Tân cho biết, địa phương thuộc xã 135, được hỗ trợ toàn bộ vắc xin, chi phí tiêm phòng nên tỷ lệ tiêm phòng đạt gần 90%.

Nâng tỷ lệ tiêm phòng

Trước đó, UBND huyện Đại Lộc đã ra quyết định về việc công bố dịch LMLM trên đàn gia súc trên địa bàn xã Đại Hồng. Theo đó, các xã Đại Phong, Đại Sơn, Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Đồng, Đại Tân thuộc vùng uy hiếp bởi dịch, các xã/thị trấn thuộc vùng đệm. Công văn yêu cầu xã có dịch là Đại Hồng phải nỗ lực vào cuộc, ngăn chặn dịch lây lan, ngăn chặn hoạt động giết mổ, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm ra khỏi địa bàn.

Ngày 15.10, UBND tỉnh ban hành Công điện khẩn số 80/CĐUBND về tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch LMLM. Công điện yêu cầu huyện Đại Lộc tập trung nguồn lực để chỉ đạo, tổ chức thực hiện ngay các biện pháp phòng chống, khống chế dịch bệnh. Đối với xã, thị trấn đang có dịch, huy động toàn bộ cán bộ chuyên môn chăn nuôi - thú y của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện, trưởng trạm thú y các xã, thị trấn thuộc vùng đệm tăng cường cho xã có dịch trực tiếp tiêm phòng vắc xin khẩn cấp chống dịch, bao vây ổ dịch và chủ động xử lý những trường hợp phản ứng sau tiêm phòng vắc xin. Tỷ lệ tiêm phòng bảo đảm đạt 100% số gia súc thuộc diện tiêm tại xã có dịch.

Ông Lê Văn Thanh - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đại Lộc cho rằng, trước thời điểm xuất hiện dịch, tỷ lệ đàn trâu bò ở Đại Hồng được tiêm phòng chỉ đạt 17%, tỷ lệ toàn huyện là 32%. Riêng ở Đại Sơn, Đại Tân (xã 135) tỷ lệ tiêm phòng vắc xin rất cao do được hỗ trợ toàn bộ.

“Trung tâm đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo xã Đại Hồng triển khai kế hoạch tiêm phòng bao vây dập dịch và các xã trên địa bàn đẩy mạnh tiêm phòng đợt 2, nâng tỷ lệ này đạt từ 80 - 100% và các xã khác cũng vậy” - ông Thanh nói.

Theo ông Nguyễn Văn Quang - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện, tính đến ngày 1.10, tổng đàn trâu bò toàn huyện là 25.500 con, heo 30.000 con. “Có thể nói, dịch bệnh bùng phát do tỷ lệ tiêm phòng trên đàn gia súc ở đợt 2 thấp, do lệnh giãn cách xã hội, rồi bão lũ liên tục, lẽ ra phải hoàn thành tiêm đợt 2 trong tháng 8.2020. Quy định là phải tiêm phòng đạt hơn 80% tổng đàn” - ông Quang nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khống chế dịch lở mồm long móng ở Đại Lộc: Nâng tỷ lệ tiêm vắc xin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO