Mở rộng liên kết sản xuất nông nghiệp ở Thăng Bình

MINH TÂN 10/09/2021 09:00

Thời gian qua, các hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) trên địa bàn huyện Thăng Bình đã đầu tư máy móc, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất, qua đó góp phần nâng cao năng suất cây trồng và thu nhập cho nông dân.

Tích tụ tập trung ruộng đất giúp các HTX thuận lợi liên kết với công ty để sản xuất lúa giống, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ảnh: M.T
Tích tụ tập trung ruộng đất giúp các HTX thuận lợi liên kết với công ty để sản xuất lúa giống, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ảnh: M.T

Đa dạng dịch vụ

Được thành lập năm 2006, HTX NN Bình Đào là một trong những HTX đầu tiên ở huyện Thăng Bình hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX NN Bình Đào cho biết, trải qua 15 năm hoạt động, HTX đã mạnh dạn mở rộng các dịch vụ kinh doanh.

Nếu như trước năm 2015, HTX chỉ kinh doanh 3 dịch vụ là điện, nước sạch và thủy lợi thì nay đã mở rộng thêm 6 dịch vụ mới gồm: cung ứng phân bón, giống cây trồng; làm đất; thu hoạch, sấy lúa; thu mua chế biến nông sản; liên kết sản xuất lúa giống và xây dựng dân dụng, hạ tầng kỹ thuật.

Những dịch vụ mà HTX NN Bình Đào đang hoạt động góp phần thực hiện việc tích tụ tập trung ruộng đất, đem lại lợi ích cho người dân có đất tham gia tích tụ và HTX. Sau 5 năm thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất, từ 20ha trồng lúa năm 2016, đến nay HTX đã mở rộng lên 85ha trồng lúa, đậu phụng và sen. Cạnh đó, HTX còn kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư vào chuỗi liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản.

“Hiện nay, HTX đã xây dựng được một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho hiệu quả kinh tế cao như: mô hình chuyển đổi 15ha đất lúa không chủ động nước tưới sang trồng thâm canh cây mè - đậu phụng tại cánh đồng Tràm (thôn Vân Tiên, Bình Đào) đem lại giá trị kinh tế gấp 1,5 lần so với trồng lúa.

Hay như mô hình sản xuất các loại giống lúa chất lượng cao ST-24, ĐHT-10, ĐT-11 bước đầu cho hiệu quả cao hơn trồng lúa thương phẩm khoảng 20%. Một khi đã nâng cao giá trị sản phẩm thì thu nhập của người dân sẽ tăng lên” - ông Võ Tấn Sanh nói.

Đẩy mạnh liên kết sản xuất

Ông Lê Đức Mật - Giám đốc HTX NN Bình Chánh (Thăng Bình) cho biết, vụ hè thu 2021 là vụ lúa thứ 6 HTX liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình chi nhánh miền Trung - Tây Nguyên sản xuất 55ha lúa giống ĐV108, ML48 và Khang dân 18.

Theo đó, ngay từ đầu vụ, nông dân được công ty tập huấn kỹ thuật từ khâu làm đất đến chăm sóc, thu hoạch và được bao tiêu sản phẩm. Do vậy, khi tham gia liên kết, nông dân không lo đầu ra, không sợ thương lái ép giá, trong quá trình sản xuất được sử dụng giống lúa chất lượng và được thu mua lúa tươi tại ruộng.

“Chúng tôi hợp đồng với công ty thu mua mỗi ký lúa giống tươi với giá cao hơn lúa thương phẩm từ 20 đến 30%, tùy loại giống. Như vậy, nông dân sẽ có lãi cao hơn và không tốn công phơi lúa” - ông Lê Đức Mật nói.

Canh tác 6 sào lúa tại cánh đồng tích tụ tập trung ruộng đất ở thôn Ngũ Xã, xã Bình Chánh (Thăng Bình), vào mỗi mùa vụ ông Lê Xuân Quang đều ký hợp đồng liên kết với HTX NN Bình Chánh để sản xuất lúa giống.

Ông Quang cho biết, trước đây các khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch đều thủ công nên tốn thời gian và hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi liên kết với HTX, mọi công việc đều có máy móc làm, thu hoạch xong thì công ty giống đến tận ruộng thu mua lúa tươi, không cần phơi như trước đây nữa.

“Vụ đông xuân 2020 - 2021, mỗi sào lúa giống ĐV108 tôi bán được hơn 3,2 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 2 triệu đồng, cao hơn trước đây mà lại khỏe nữa” - ông Quang nói.

Ông Lê Huy Trắc - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, toàn huyện hiện có 35 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, huyện Thăng Bình đã vận dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và huyện để hỗ trợ các HTX phát triển sản xuất. Nhiều HTX đã mạnh dạn trang bị máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất cũng như xây dựng phương án sản xuất hiệu quả.

“Các HTX NN trên địa bàn huyện Thăng Bình đã thực hiện tốt vai trò làm “bà đỡ”, giúp nông dân liên kết lại với nhau, chuyển đổi từ hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún để chuyển sang sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao” - ông Lê Huy Trắc nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở rộng liên kết sản xuất nông nghiệp ở Thăng Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO