Nhìn lại một năm nông nghiệp ở Hiệp Đức

MAI NHI - TÂM ĐAN 29/11/2022 06:15

Năm 2022, dù có nhiều yếu tố bất lợi nhưng lĩnh vực trồng trọt của Hiệp Đức vẫn có bước chuyển tích cực; trong khi đó, do một số loại dịch bệnh nguy hiểm gây hại đàn gia súc và gia cầm khiến ngành chăn nuôi gặp khó.

Thời gian qua, nông dân Hiệp Đức đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế vườn để nâng cao nguồn thu nhập. Ảnh: N.Đ
Thời gian qua, nông dân Hiệp Đức đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế vườn để nâng cao nguồn thu nhập. Ảnh: N.Đ

Ông Lê Văn Bảy - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, trong 2 vụ sản xuất đông xuân và hè thu năm 2022, nông dân trên địa bàn 11 xã, thị trấn của huyện gieo trồng tổng cộng 2.564ha cây lương thực có hạt, gồm 2.321ha lúa và 243ha bắp.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2022 tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của huyện Hiệp Đức ước đạt xấp xỉ 532 tỷ đồng, tăng 1,49% so với năm 2021.

Qua đánh giá thực tế, năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 57,94 tạ/ha, tăng 6% so với kế hoạch và tăng 3,6% so với năm 2021. Trong khi đó, năng suất bắp đạt 54,21 tạ/ha, tăng 4% so với kế hoạch và tăng 20,16% so với năm ngoái.

Năm 2022, tổng sản lượng lương thực có hạt của Hiệp Đức đạt 14.768 tấn, tăng 902 tấn so với mục tiêu đề ra và tăng 8,2% so với năm trước. Ngoài 2 cây trồng chủ lực nêu trên, trong năm nay nhiều loại cây công nghiệp ngắn ngày và rau màu khác của Hiệp Đức cũng cho sản lượng tương đối cao.

Về phát triển mô hình kinh tế vườn, ông Nguyễn Tấn Nghiệp - Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức thông tin, trên địa bàn huyện có 2.021 khu vườn chuyên canh các loại cây ăn quả, mỗi năm cho mức thu nhập từ 30 triệu đồng trở lên/mô hình.

Tính đến thời điểm này, Hiệp Đức trồng được hơn 818ha cao su tiểu điền, hầu hết diện tích đã đưa vào khai thác mủ. Huyện cũng tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện mô hình trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng FSC được gần 2.313ha, lũy kế đến nay đã cấp chứng chỉ FSC được xấp xỉ 3.1334ha...

Thời gian qua, nông dân Hiệp Đức đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế vườn để nâng cao nguồn thu nhập. Ảnh: N.Đ
Thời gian qua, nông dân Hiệp Đức đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế vườn để nâng cao nguồn thu nhập. Ảnh: N.Đ

Trong khi trồng trọt đạt kết quả khả quan thì lĩnh vực chăn nuôi của Hiệp Đức gặp khó do một số loại dịch bệnh gây hại đàn vật nuôi. Trong 10 tháng đầu năm 2022, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 26 hộ dân ở 16 thôn, khối phố của 7 xã, thị trấn khiến 163 con heo bị nhiễm bệnh, chết, phải tiêu hủy bắt buộc với trọng lượng hơn 9,7 tấn hơi.

Cạnh đó, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò xuất hiện tại 28 hộ dân ở 21 thôn, khối phố của 9 xã, thị trấn làm 29 con bê bị mắc bệnh, trong đó phải tiêu hủy bắt buộc 4 con với trọng lượng 655kg.

Đáng chú ý, từ ngày 8/4 đến nay, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 3 hộ dân ở 2 thôn An Cường và Nam An Sơn (xã Quế Thọ) khiến 4.336 con vịt, gà, ngỗng bị nhiễm bệnh, chết, phải tiêu hủy bắt buộc.

Trước tình hình trên, cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương của Hiệp Đức tích cực triển khai công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Theo thống kê, hiện nay toàn huyện có 1.958 con trâu, 9.183 con bò, 11.217 con heo và 134.693 con gia cầm các loại.

Trong đợt 1 năm 2022, toàn huyện tiêm 6.051 liều vắc xin lở mồm long móng cho đàn trâu bò, tiêm 5.244 liều vắc xin dịch tả lợn cho đàn heo và tiêm 2.887 liều vắc xin cúm A/H5N1 để chống dịch khẩn cấp cho đàn gia cầm. Hiện nay, Hiệp Đức đang tập trung tiêm phòng vắc xin đợt 2 trên toàn huyện...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhìn lại một năm nông nghiệp ở Hiệp Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO