Nông Sơn nan giải “bài toán” nước tưới cho nông nghiệp

VĂN SỰ - VINH ANH 26/08/2022 07:35

Nhu cầu đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi ở nhiều địa phương của huyện Nông Sơn khá lớn, nhưng do nguồn kinh phí eo hẹp nên không thể một sớm một chiều giải quyết “bài toán” về nước tưới cho cây trồng.

Do hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên vụ hè thu nào nông dân huyện Nông Sơn cũng bỏ hoang ít nhất 220ha đất lúa. Ảnh: S.A
Do hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên vụ hè thu nào nông dân huyện Nông Sơn cũng bỏ hoang ít nhất 220ha đất lúa. Ảnh: S.A

Thiếu nguồn nước tưới

Ông Phạm Văn An - cán bộ nông nghiệp xã Phước Ninh cho biết, hiện nay địa phương có 85ha đất canh tác lúa. Ngoài hồ chứa Dùi Chiêng, trên địa bàn xã còn có 3 đập dâng gồm Bình Yên, Hóc Tre, Bàu Sen và 3,7km kênh mương.

Nhiều năm qua, số công trình thủy lợi nêu trên không đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhất là vụ hè thu, nắng nóng khiến hầu hết hồ đập, sông suối cạn kiệt nước nên nhiều diện tích đất lúa hoặc phải bỏ hoang hoặc sản xuất không mang lại hiệu quả.

“Hè thu năm ngoái, nông dân Phước Ninh bỏ hoang 71ha, chỉ gieo sạ được 14ha lúa nhưng năng suất rất thấp do thiếu nước tưới. Vụ hè thu 2022, mặc dù nắng nóng không gay gắt như vụ trước nhưng nông dân địa phương cũng chỉ canh tác được 65ha lúa, còn 20ha phải bỏ hoang” - ông An nói.

Trong khi đó, thời gian qua nông dân xã Quế Lộc cũng khá vất vả trong việc sản xuất lúa vì nguồn nước tưới không đảm bảo. Ông Đồng Vĩnh Long - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quế Lộc cho biết, hiện nay địa phương có 292ha đất lúa. Vụ đông xuân, nông dân gieo sạ hết số diện tích trên; còn hè thu phải bỏ hoang 92ha do hạ tầng thủy lợi không đảm bảo phục vụ sản xuất.

Bà Trương Thị Tuyết - chuyên viên Phòng NN&PTNT Nông Sơn cho biết, hiện nay trên địa bàn 6 xã của huyện có tổng cộng 1.021ha đất lúa. Tuy nhiên, do những năm qua hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, nguồn nước tưới không đảm bảo phục vụ sản xuất nên vụ hè thu nào ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương chỉ đưa vào kế hoạch gieo sạ khoảng 801ha, còn lại 220ha phải bỏ hoang.

“Kế hoạch là 801ha chứ thực tế có một số vụ hè thu nông dân Nông Sơn không thể sản xuất hết diện tích trên. Chẳng hạn vụ hè thu 2021, do nắng nóng khốc liệt xuất hiện ngay từ đầu vụ và kéo dài hơn 2 tháng nên toàn huyện chỉ gieo sạ được 600ha lúa nhưng có đến gần 400ha bị thiếu nước tưới hoặc khô hạn nghiêm trọng, dẫn đến năng suất lúa bình quân của huyện chỉ đạt 39 tạ/ha, trong khi những vụ hè thu trước đạt 45 - 47 tạ/ha” - bà Tuyết nói.

Nhu cầu đầu tư lớn

Ông Lê Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Quế Lộc cho biết, để chủ động cung ứng nguồn nước tưới cho 292ha đất lúa trong cả 2 vụ đông xuân và hè thu, nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi của địa phương khá lớn. Trong đó, vấn đề bức thiết nhất là xây dựng hồ chứa nước Đại Phong ở thôn Tân Phong của xã Quế Lộc.

Những năm qua, hầu như vụ hè thu nào huyện Nông Sơn cũng trưng dụng nhiều máy bơm dã chiến để tận dụng mọi nguồn nước chống hạn cho cây trồng. Ảnh: S.A
Những năm qua, hầu như vụ hè thu nào huyện Nông Sơn cũng trưng dụng nhiều máy bơm dã chiến để tận dụng mọi nguồn nước chống hạn cho cây trồng. Ảnh: S.A

“Nếu công trình này được đầu tư thi công, khả năng sẽ phục vụ nước tưới cho 300ha đất lúa của 2 xã Quế Lộc và Sơn Viên, trong đó riêng Quế Lộc là 192ha. Mặc dù chưa khái toán nhưng ước tính kinh phí đầu tư xây dựng hồ chứa Đại Phong sẽ ở mức không dưới 50 tỷ đồng.

Rất mong cấp trên quan tâm hỗ trợ đầu tư để nông dân Quế Lộc có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là đảm bảo phục vụ nước tưới cho cây lúa trong vụ sản xuất hè thu” - ông Tuấn nói.

Ông Đỗ Đình Long - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn cho rằng, giải “bài toán” về nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương là chuyện không phải một sớm một chiều.

Bởi, hằng năm kinh phí hỗ trợ từ cấp trên có hạn, ngân sách huyện thì quá eo hẹp, trong khi đó nhu cầu đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi của 6 xã trên địa bàn huyện đều rất lớn.

Trước tình trạng đó, ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các xã thường xuyên phối hợp khảo sát thực tế, từ đó lên danh mục những công trình bức thiết cần ưu tiên đầu tư xây dựng trước trong khả năng nguồn lực tài chính có thể.

Ông Đỗ Đình Long chia sẻ, năm 2022 huyện Nông Sơn được UBND tỉnh phân bổ 1,7 tỷ đồng để đầu tư xây dựng trạm bơm điện Đông An và nâng cấp đập dâng Bánh Ít ở xã Ninh Phước. Hiện nay, công trình nâng cấp đập dâng Bánh Ít đang triển khai thi công, còn công trình trạm bơm điện Đông An đang lựa chọn nhà thầu xây dựng.

Ông Long cho biết, theo kế hoạch, năm 2023 Nông Sơn sẽ đầu tư xây dựng mới 2 trạm bơm điện gồm Đồng Cạn (Ninh Phước) và Bàu Trại (Phước Ninh). Đồng thời nâng cấp và xây mới 4 đập dâng gồm Đồng Dinh (Quế Lâm), Khe Ông Siêu (Quế Lộc), Hố Cốc và Ông Bảo (Ninh Phước).

Cạnh đó, tiến hành xây dựng 4km kênh mương các loại. Tổng kinh phí dự kiến đầu tư thi công những công trình thủy lợi vừa nêu ước khoảng 9,1 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, sẽ đảm bảo chủ động cung ứng nước tưới cho thêm 62ha đất sản xuất nông nghiệp.

“HĐND tỉnh cũng đã thống nhất đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đối với dự án xây dựng hồ chứa nước Hố Cái ở xã Quế Trung. Kinh phí thực hiện công trình này khoảng 30 tỷ đồng, do UBND huyện Nông Sơn làm chủ đầu tư. Khi hoàn thành, sẽ phục vụ nước tưới cho 25 - 30ha đất lúa và hoa màu. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang gấp rút triển khai các phần việc để tiến hành thi công” - ông Đỗ Đình Long nói thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông Sơn nan giải “bài toán” nước tưới cho nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO