Nuôi cá trong bể lọc nước tuần hoàn

HOÀNG LIÊN 28/01/2022 08:43

Mô hình trồng rau kết hợp nuôi cá trong bể lót bạt bằng phương pháp lọc nước tuần hoàn (hệ Aquaponics) của anh Phạm Thành Hảo (thôn Phú Đông, xã Đại Hiệp) và một số hộ dân khác là điển hình về ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt tại Đại Lộc.

Mô hình nuôi cá trong bể lót bạt lọc nước tuần hoàn ở Đại Hiệp, Đại Lộc. Ảnh: H.LIÊN
Mô hình nuôi cá trong bể lót bạt lọc nước tuần hoàn ở Đại Hiệp, Đại Lộc. Ảnh: H.LIÊN

Nuôi cá trong hệ Aquaponics

Nhiều năm bám trụ với trang trại chăn nuôi gà vịt, dê thả đồi, trồng cây ăn quả, nuôi cá trong ao hồ, anh Phạm Thành Hảo (thôn Phú Đông, Đại Hiệp) học hỏi, tích luỹ được kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, đặc biệt nuôi cá nước ngọt với các loại diêu hồng, cá lóc, trắm cỏ...

Cuối năm 2021, được hỗ trợ từ Phòng NN&PTNT huyện, anh Hảo mạnh dạn đầu tư 2 bể nuôi cá trong ao lót bạt trên tổng diện tích 50m2 đất vườn, áp dụng phương pháp lọc nước tuần hoàn (hệ Aquaponics). Anh Hảo được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ 50% chi phí làm bể nuôi, mua cá giống và chi phí thức ăn.

“Qua 3 tháng nuôi, nhìn chung, đàn cá ở cả 2 bể đều phát triển ổn định. Cá leo sinh trưởng và phát triển mạnh hơn nhiều so với cá lóc, mỗi con đạt trọng lượng tầm 3 lạng. Thời gian tới, tôi sẽ tìm cách phối trộn các công thức, tạo thêm nguồn thức ăn cho vật nuôi” - anh Hảo chia sẻ.

Cũng theo anh Hảo, mô hình nuôi cá này chiếm ít diện tích, dễ nuôi, có thể nuôi được nhiều đối tượng. Cá lóc, cá leo là hai đối tượng dễ thích nghi với môi trường, có giá trị kinh tế cao.

“Sau khi tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật, tôi đã nắm bắt kỹ thuật rất nhanh và nếu gặp khó khăn, cán bộ kỹ thuật sẽ trực tiếp hỗ trợ nên không có gì đáng lo. Nếu hiệu quả, tôi sẽ đầu tư nuôi thêm 4 - 5 bể nữa tại khu vực trang trại trên núi Đại Hiệp” - anh Hảo nói. Không chỉ nuôi cá trong bể theo mô hình Aquaponics, anh Hảo còn trồng rau thủy canh với các loại rau muống, xà lách, mồng tơi để phục vụ bữa ăn gia đình.

Theo ông Nguyễn Văn Quang - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, việc nuôi cá nước ngọt tại địa phương rất bị động, nguồn nước nuôi lệ thuộc vào các hồ đập, từ nước sản xuất đất lúa, dễ bị cắt nước khi đã thu hoạch lúa nên cá dễ bị bệnh do ô nhiễm môi trường.

Từ thực tế đó, ngành nông nghiệp tính đến phương án nuôi cá trong bể lót bạt theo quy trình lọc nước tuần hoàn, diện tích nhỏ nhưng hiệu quả cao. Năm 2021, Phòng NN&PTNT huyện xây dựng mô hình nuôi cá chình trong bể lót bạt tại hộ bà Nguyễn Thị Hồng (Đại Hiệp), diện tích 40 - 50m2.

Cuối năm 2021, Phòng NN&PTNT huyện xây dựng thêm mô hình của anh Phạm Thành Hảo và 2 mô hình khác tại Đại Hòa và Đại Tân. “Hệ thống lọc nước tuần hoàn có tuổi thọ sử dụng 10 năm và đây là mô hình tiết kiệm nước, tiết kiệm diện tích đất, phù hợp với không gian nhỏ hẹp, chi phí nông dân bỏ ra xây dựng cơ bản 2 bể nuôi tầm 50 triệu đồng, bên cạnh nguồn hỗ trợ của ngành nông nghiệp. Với 2 bể nuôi với diện tích 50m2, dự kiến sẽ thu hoạch 1,5 - 2 tấn cá, tương đương với gần 1ha ao nuôi truyền thống” - ông Quang cho biết.

Nhân rộng

Ông Nguyễn Văn Quang cho rằng, Aquaponics là sự kết hợp từ Aquaculture (nuôi trồng thủy sản) và Hydroponics (thủy canh), là mô hình trồng cây thủy canh hữu cơ kết hợp nuôi cá theo nguyên tắc tuần hoàn khép kín. Mô hình này sử dụng ít nước hơn so với sản xuất cá và trồng rau thông thường mà vẫn có thể cho năng suất cao khi sử dụng nước tuần hoàn từ bể cá để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng (cải, xà lách, mồng tơi, rau muống...) thủy canh.

So với nuôi cá trong ao hồ truyền thống, mô hình này không tốn quá nhiều diện tích ao nuôi. Về nguyên lý vận hành, hệ thống nuôi tuần hoàn bao gồm: bể cá nuôi, bể lọc lắng, cơ học, bể lọc sinh học, hệ thống đường ống cấp thoát nước và sục khí. Trong quá trình nuôi, nước thải được chuyển từ hệ thống bể nuôi đến bể lọc. Phần chất rắn trong nước được lắng tụ vào hố gom bùn, điều khiển bởi lực ly tâm nước, sau đó được lọc qua các vật liệu cát, sỏi, vải lưới.

Chất thải có kích thước lớn được giữ lại và chuyển vào bể chứa bùn. Lúc này nước đã được loại bỏ các chất rắn nhưng hàm lượng NH3, N02, CO2... hòa tan trong nước vẫn còn cao và chưa được xử lý. Vi khuẩn nitrate hóa sẽ chuyển chất thải từ bể nuôi cá sang dạng dinh dưỡng phù hợp cho cây trồng thủy canh. Từ quá trình trồng cây thủy canh, nước cũng được lọc sạch bởi cây trồng và cung cấp trở lại cho bể cá. Hệ thống tuần hoàn tận dụng lợi ích của nhau một cách hoàn hảo.

Cũng theo ông Quang, yếu tố giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ thống Aquaponics là vi sinh vật. Vi khuẩn cho hệ thống Aquaponics sẽ tự phát triển và giúp hệ thống vận hành ổn định mà không cần bổ sung.

Vi khuẩn phát triển mạnh trong các bể cạn trồng cây, giúp chuyển hóa chất thải từ bể nuôi cá thành dạng dinh dưỡng phù hợp cho cây trồng phát triển mà không cần phải cung cấp thêm phân bón. Để lắp đặt hệ thống Aquaponics, ưu tiên các vị trí có ánh nắng trực tiếp để đặt các chậu rau.

“Đại Lộc có 3 mô hình nuôi cá nước ngọt ở Đại Hiệp, Đại Hòa và Đại Thạnh. Mỗi mô hình có 2 bể nuôi trên tổng diện tích 50m2/mô hình. Trước đó, Phòng NN&PTNT huyện cũng đã thử nghiệm triển khai 1 mô hình nuôi cá chình trong ao nuôi lót bạt và đã cho kết quả khả quan.

Thời gian tới, trên cơ sở đánh giá kết quả từ 3 mô hình triển khai thí điểm này, Phòng NN&PTNT sẽ có hướng khuyến khích người dân nhân rộng mô hình. Phòng sẽ tập huấn kỹ thuật nuôi cho nông dân qua các hội thảo đầu bờ. Tương lai sẽ xây dựng hệ thống tự động hóa từ việc lưu thông nguồn nước tới việc cho ăn tự động, sẽ tiện lợi hơn rất nhiều” - ông Quang cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nuôi cá trong bể lọc nước tuần hoàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO