Phát triển nông nghiệp bền vững ở Đại Lộc: Nhiều mô hình hiệu quả

HOÀNG LIÊN 12/11/2021 14:21

Đại Lộc chủ trương đầu tư có trọng điểm, xây dựng các nhóm sản phẩm chủ lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi... nhằm phát triển nông nghiệp bền vững.

Bưởi Thái Chấn Sơn (xã Đại Hưng) được trưng bày tại triển lãm do Hội LHPN huyện tổ chức. Ảnh: H.L
Bưởi Thái Chấn Sơn (xã Đại Hưng) được trưng bày tại triển lãm do Hội LHPN huyện tổ chức. Ảnh: H.L

Phát triển các vùng chuyên canh

Giai đoạn 2016 - 2020, qua 5 năm triển khai Nghị quyết 04/NQ-HU của Huyện ủy Đại Lộc về chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển nông nghiệp, trên địa bàn huyện đã hình thành các mô hình cải tạo vườn tạp, phát triển cây ăn quả gắn với khai thác du lịch cộng đồng. Nhiều vùng cây ăn quả với mít Thái, bưởi da xanh, ổi, vú sữa, chuối, cam, quýt... được nhân rộng nhiều nơi. Tại làng Thái Chấn Sơn (Đại Hưng) đã có 30 hộ trồng cây ăn quả với quy mô hơn 10ha.

Khi Tổ hợp tác trồng cây ăn quả Thái Sơn được thành lập, người dân có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc cây trồng, tiêu thụ sản phẩm. Vườn ông Nguyễn Hạt rộng 5.500m2, chuyên trồng các loại mít Thái, ổi, sapuche, bưởi, vú sữa. Mỗi năm, vườn cây trái giúp ông Hạt thu lãi cả trăm triệu đồng. Nhân rộng mô hình, cách làm như ông Hạt, nhiều hộ dân ở đây cũng khấm khá từ vườn cây ăn quả.

Trên đất biền Phương Trung (cũ) thuộc xã Đại Quang, từ sự hỗ trợ của huyện như cấp cây giống, tập huấn kỹ thuật trồng, đã có 15 hộ dân trồng cây ăn quả với mít Thái da xanh, bưởi, chuối, dừa... Một số vùng chuyên canh cây ăn quả tại bãi biền Đại Hiệp, tại thôn Giảng Hòa (Đại Thắng), tại vùng đất lúa chuyển đổi Đại Minh (vườn ổi Hồ Lộc)... cũng đem lại hiệu quả kinh tế...

Ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp huyện đã xây dựng và nhân rộng một số vùng chuyên canh cây ăn quả, vùng chuyên canh sản xuất rau củ quả, phát triển mạnh các vùng liên kết sản xuất lúa giống, đậu xanh giống tại nhiều địa phương. Các hợp tác xã (HTX) được khuyến khích đẩy mạnh xây dựng cánh đồng lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản ổn định từ 1.200ha - 1.500ha/năm.

Vụ xuân hè và hè thu năm 2020, có 10 HTX liên kết sản xuất giống, cụ thể vụ xuân hè sản xuất 115ha đậu xanh giống, vụ hè thu 286ha lúa giống. Vụ đông xuân 2020 - 2021, diện tích liên kết sản xuất lúa giống là 1.637ha. Việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất đã giúp nâng cao giá trị trên từng đơn vị diện tích.

Lồng ghép nhiều nguồn lực

Giai đoạn 2016 - 2020, ngành nông nghiệp huyện Đại Lộc đã lồng ghép các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển các mô hình nông nghiệp, hỗ trợ người dân triển khai nhiều mô hình hiệu quả. Từ Quyết định 08/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, địa phương đã hỗ trợ 15 trâu đực giống, 33 bò đực giống đến người dân.

Năm 2020, hỗ trợ 13 HTX tổ chức sản xuất lúa giống liên kết với tiêu thụ sản phẩm (2,7 tỷ đồng) từ nguồn hỗ trợ theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Năm 2020, từ nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh, huyện triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn (160ha) với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Từ chương trình OCOP giai đoạn 2016 - 2020, Nhà nước hỗ trợ 2,3 tỷ đồng để các chủ thể phát triển các sản phẩm chủ lực.

Đại Lộc còn phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại và trang trại (175 gia trại, trang trại) tổng hợp trồng trọt, chăn nuôi và phát triển lâm nghiệp. Toàn huyện có 24 HTX nông, lâm, ngư nghiệp; có hàng chục tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả kinh tế cao...

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của Huyện ủy đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Nghị quyết là cơ sở để đề ra các giải pháp chỉ đạo, phát triển các mô hình nông nghiệp nói riêng và kinh tế nông nghiệp nói chung.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, như việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn manh mún, thiếu tính liên kết vùng, chưa đồng bộ, chưa có sự hỗ trợ tiếp sức, đầu tư theo chuỗi. Việc xác định và phát triển sản phẩm chủ lực còn hạn chế, chưa tương xứng tiềm năng...

“Giai đoạn tới, UBND huyện kiến nghị Huyện ủy, HĐND huyện xem xét, ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Tập trung cho 3 lĩnh vực chính: hỗ trợ phát triển các vùng cây ăn quả có liên kết tiêu thụ được định hướng kết hợp du lịch nông nghiệp; hỗ trợ phát triển các cơ sở chăn nuôi tập trung đảm bảo an toàn sinh học, phát triển các mô hình trồng rau hữu cơ, rau sạch và hỗ trợ cơ chế tích tụ ruộng đất để mở rộng quy mô sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm...” - ông Mẫn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển nông nghiệp bền vững ở Đại Lộc: Nhiều mô hình hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO