Phòng chống dịch tả lợn châu Phi: Không phòng dịch kiểu lơ là

NGUYỄN SỰ 17/10/2019 11:28

Hôm qua 16.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hội nghị trực tuyến với lãnh đạo ngành liên quan và chính quyền các địa phương để tiếp tục triển khai những biện pháp cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Hiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trong khi công tác phòng chống còn nhiều bất cập ở địa phương, vì vậy cần tiếp tục tập trung triển khai các biện pháp chặt chẽ hơn...

Duy trì thường xuyên khâu phun tiêu độc khử trùng để hạn chế sự phát tán của vi rút gây bệnh. Ảnh: VĂN SỰ
Duy trì thường xuyên khâu phun tiêu độc khử trùng để hạn chế sự phát tán của vi rút gây bệnh. Ảnh: VĂN SỰ

Dịch sẽ còn diễn biến phức tạp

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, 5 tháng qua Thăng Bình là địa phương bị dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại nặng nhất và hiện nay mầm bệnh vẫn còn phát tán tại nhiều nơi. “Chỉ tính riêng trong ngày 15.10, ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương của huyện tiếp tục tiêu hủy khẩn cấp 57 con heo mắc bệnh. Như vậy, tính đến thời điểm này, trên địa bàn 22 xã, thị trấn của Thăng Bình đã có 74.559 con heo bị nhiễm dịch phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng 3.925 tấn heo hơi” - ông Hùng nói.

Trong khi đó, ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay,  trong tổng số 18 xã, thị trấn của huyện thì đến nay loại dịch nguy hiểm này đã xâm nhiễm vào 16 xã, thị trấn, chỉ còn lại 2 xã chưa bị mầm bệnh lây lan là Đại Hòa và Đại An. Tính đến sáng 16.10, toàn huyện đã có 7.756 con heo của 2.096 hộ chăn nuôi bị tiêu hủy với tổng trọng lượng 484 tấn heo hơi. Hiện nay, thời tiết đang diễn biến bất lợi nên nhiều khả năng vi rút gây bệnh sẽ còn phát tán.

Ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết, do hiện nay vẫn chưa có vắc xin tiêm phòng và chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh dịch tả lợn châu Phi nên muốn hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại thì công tác phòng dịch được xem là khâu hết sức quan trọng. Mặc dù UBND tỉnh đã xuất khẩn cấp hơn 4 tỷ đồng mua 30 nghìn lít hóa chất hỗ trợ cho các địa phương để duy trì thường xuyên khâu vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng trên diện rộng và liên tục yêu cầu các ngành, các cấp quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đối phó nhưng thực tế vi rút gây bệnh vẫn khiến ngành chăn nuôi heo của tỉnh thiệt hại nặng nề. “Tính đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã làm 136.582 con heo (chiếm 28,28% tổng đàn heo) của 32.867 hộ dân ở 16/18 huyện, thị xã, thành phố (trừ Đông Giang và Tây Giang) bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 8.043 tấn heo hơi. Chưa kể các phần việc khác, với trọng lượng heo đã tiêu hủy vừa nêu thì ngân sách tỉnh phải chi gần 232 tỷ đồng để hỗ trợ cho người chăn nuôi theo quy định” - ông Nam nói.

Theo ông Lê Ngọc Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT, những ngày qua dịch tả lợn châu Phi tiếp tục gây hại tại nhiều địa phương và chưa có dấu hiệu chững lại. Đáng nói là gần đây dịch còn xuất hiện tại một số cơ sở quy mô lớn của các đơn vị công an, quân đội và trang trại của doanh nghiệp liên kết sản xuất với người dân. Vấn đề đáng quan ngại nữa là thời gian qua trên địa bàn tỉnh có đến 38 xã, phường, thị trấn tái bùng phát dịch lần 1 và 3 xã, phường, thị trấn tái bùng phát dịch lần 2. Theo nhận định, thời gian tới dịch sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là đe dọa trực tiếp những cơ sở chăn nuôi heo với số lượng lớn.

Nhiều bất cập        

Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo khâu phòng chống dịch ở cơ sở

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, nếu thời gian tới các ngành, các cấp tỏ ra lơ là trong công tác phòng chống thì chắc chắn mức độ thiệt hại sẽ nghiêm trọng hơn. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các cấp phải phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để tăng cường kiểm tra, chỉ đạo khâu phòng chống dịch ở cơ sở, nhất là việc xác định heo mắc bệnh, trọng lượng heo tiêu hủy bắt buộc. Đồng thời đề nghị chính quyền các địa phương chủ động xuất nguồn kinh phí dự phòng phục vụ các khâu phòng chống dịch và hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy bắt buộc. Nếu địa phương nào khó khăn, phải lập tức báo cáo UBND tỉnh để có hướng hỗ trợ kịp thời. “Trong bối cảnh hiện nay, khâu phòng dịch là quan trọng nhất. Vì vậy, ngành nông nghiệp và chính quyền cấp huyện phải đảm bảo đầy đủ lực lượng, phương tiện, hóa chất... để duy trì thường xuyên khâu vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng nhằm hạn chế sự lây lan của vi rút gây bệnh...” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý.

Theo ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, sở dĩ thời gian qua địa phương bị dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại nghiêm trọng là hiện nay hầu hết hộ dân chăn nuôi heo theo phương thức nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh thú y. Trong khi đó, ở một số nơi, việc tiêu hủy heo nhiễm bệnh không kịp thời và không đúng theo quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Còn ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho hay, đến nay dịch đã bao phủ toàn bộ 14 xã, thị trấn của huyện với tổng trọng lượng heo bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy là 498 tấn heo hơi. Thời gian qua công tác phòng chống dịch ở Duy Xuyên gặp nhiều khó khăn. Việc vừa chống dịch vừa cho tiêu thụ những con heo khỏe mạnh theo chỉ đạo của cấp trên nên ngành chức năng của huyện rất khó thực hiện khâu kiểm soát giết mổ và tiêu thụ sản phẩm thịt heo trên thị trường. Phần lớn người chăn nuôi không có hệ thống chuồng trại cách ly giữa các con heo bị nhiễm bệnh với những con heo khỏe mạnh đảm bảo khoảng cách tối thiểu là 30m nên từ đó mầm bệnh có điều kiện phát tán mạnh. “Có thể nói, thú y cơ sở là lực lượng nòng cốt trong phòng chống dịch. Tuy nhiên, do chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này quá thấp nên thời gian qua tại một số nơi của Duy Xuyên đã có không ít cán bộ thú y cơ sở bỏ việc khiến công tác phòng chống dịch hết sức lúng túng” - ông Cảnh chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y, vẫn còn một số địa phương lúng túng trong công tác chỉ đạo chống dịch, không thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm theo quy định và hướng dẫn của cơ quan thú y cấp trên như Đại Lộc, Duy Xuyên, Hiệp Đức... Do dịch kéo dài và lây lan diện rộng nên một số địa phương cấp huyện khoán trắng cho trung tâm kỹ thuật nông nghiệp triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Vì lực lượng chuyên môn của trung tâm kỹ thuật nông nghiệp mỏng nên việc xác định heo bệnh trước khi tiêu hủy ở nhiều địa phương không còn thực hiện theo đúng quy trình. Không đảm trách nổi, trung tâm kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện khoán lại cho UBND cấp xã rồi UBND cấp xã khoán lại cho nhân viên thú y xã và ban nông nghiệp xã. Thậm chí, ở một số nơi, nhân viên thú y xã khoán lại cho trưởng thôn - khu phố và chủ hộ chăn nuôi tự chịu trách nhiệm xác định bệnh, tiêu hủy heo rồi sau đó trung tâm kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện bổ sung biên bản kiểm tra, xác định heo mắc bệnh sau. “Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều địa phương không duy trì hoặc bỏ ngỏ công tác quản lý giết mổ theo chỉ đạo của UBND tỉnh; không tổ chức kiểm tra, kiểm soát giết mổ tại những cơ sở giết mổ động vật tập trung theo quy hoạch như các huyện Núi Thành, Duy Xuyên, Đại Lộc...” - ông Nam nói.

Ông Lê Ngọc Trung – Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, thời gian qua ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật cấp huyện, xã của một số địa phương chưa phát huy vai trò trong công tác kiểm tra, giám sát khâu phòng chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Chính quyền cấp cơ sở thiếu sự quan tâm nên để người dân vứt xác heo chết dọc các tuyến đường và trên các tuyến kênh mương, sông suối gây ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh lây lan ra diện rộng. Tình trạng này xảy ra nhiều nhất tại Phú Ninh, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống dịch tả lợn châu Phi: Không phòng dịch kiểu lơ là
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO