Phòng trừ dịch hại trên cây lúa vụ hè thu

MINH TÂN 25/08/2020 11:31

Vụ hè thu 2020 trên địa bàn huyện Thăng Bình có 6.874ha lúa đang trong giai đoạn trổ và 250ha còn trong giai đoạn làm đòng. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết trời âm u, nắng xen kẽ, mưa dông rải rác như hiện nay sẽ tạo điều kiện cho các đối tượng như bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép - thối hạt, rầy nâu,... gây hại mạnh trong thời gian tới.

Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Thăng Bình đề nghị các địa phương chỉ đạo nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng và tiến hành phun thuốc phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước khi lúa trổ hoặc sau trổ 5 - 7 ngày trên các giống BC15, 13/2, KD18, Đài thơm 8, TBR225,… bằng các loại thuốc đặc hiệu như Fuji-one 40EC, Beam 75 WP, Filia 525 SE,… (phun thuốc phòng bệnh tốt nhất khi lúa trổ lác đác). Khi phun thuốc trừ bệnh bà con phải phun ướt đều bộ lá, bông lúa, liều lượng sử dụng phải thực hiện đúng hướng dẫn của nhà sản xuất in trên bao bì sản phẩm, chú ý đảm bảo lượng nước phun từ 25 - 30 lít/sào để đạt hiệu quả phòng trừ cao.

Do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa dông giữa ngày, cùng với ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa trong giai đoạn hiện nay, bệnh lem lép - thối hạt phát sinh và gây hại trên các trà lúa trổ từ ngày 25 đến ngày 30.7, đặc biệt nặng trên các giống KD18, BC15, 13/2, Thiên Ưu 8, Đài thơm 8,.... với tỷ lệ bệnh 2 - 5%, có nơi cao 10 - 20%.

Ông Hồ Ngọc Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Thăng Bình cho biết, toàn huyện Thăng Bình hiện có 180ha lúa bị nhiễm bệnh lem lép - thối hạt, tập trung ở các xã Bình Quế, Bình Quý, Bình Tú, Bình Trung, Bình Chánh, Bình Đào, Bình  Nguyên, thị trấn Hà Lam…; bà con cần phun phòng trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu như Nevo 330 EC, Tilt Super 300EC, Anvil 5SC…

Ngoài các đối tượng gây hại trên, hiện nay rầy nâu - rầy lưng trắng đang phát sinh, gây hại khoảng 185ha trên lúa đang giai đoạn trổ - chín với mật độ 100 - 400 con/m2, cục bộ có nơi 1.000 - 2.500 con/m2, tập trung ở các xã Bình Trung, Bình Quý, Bình Tú, Bình Nguyên, Bình Đào, Bình Giang,... Thời gian tới, rầy nâu gây hại mạnh trên lúa trà muộn, trổ sau ngày 10.8.2020.

Đối với rầy nâu - rầy lưng trắng, bà con cần thường xuyên thăm đồng, vạch gốc lúa để kịp thời phát hiện rầy gây hại, phải quan sát kỹ ruộng lúa để phát hiện các “ổ rầy” cục bộ. Khi phát hiện rầy có mật độ 1.000 - 2.000 con/m2 thì dùng thuốc trừ rầy như Chess 50WG, Alika 247SC, Map-Arrow 420WP. Khi phun trừ rầy cần phải khoanh vùng phun kỹ các “ổ rầy” để diệt trừ triệt để, luôn giữ nước trong ruộng khi phun thuốc.

Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Thăng Bình cũng khuyến cáo, vụ hè thu 2020 thời tiết diễn biến phức tạp, chuyển mùa, các hiện tượng dông, lốc, áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhiều, khả năng ảnh hưởng lớn trên địa bàn huyện, nhằm hạn chế thất thu, rủi ro do thời tiết gây ra, đề nghị các địa phương chủ động phương án thu hoạch khi lúa vừa chín sinh lý (đạt độ chín 85%) thì tiến hành thu hoạch nhanh gọn với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” an toàn trước mùa mưa lũ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng trừ dịch hại trên cây lúa vụ hè thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO