Phòng trừ sâu bệnh cho lúa hè thu

TRÚC VĂN - PHƯƠNG GIANG 30/06/2021 07:33

Lúa hè thu trà đầu ở Núi Thành đã sạ được hơn 1 tháng, đang trong giai đoạn mạ và đẻ nhánh. Nông dân đang tập trung chăm bón, phòng trừ sâu bệnh và đảm bảo nguồn nước cho lúa.

Nông dân Núi Thành chăm sóc lúa hè thu. Ảnh: V.Phin
Nông dân Núi Thành chăm sóc lúa hè thu. Ảnh: V.Phin

Vụ hè thu 2021, huyện Núi Thành sạ cấy 3.400ha lúa, đến nay cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, một số vùng do thiếu nước không sản xuất được, nhất là ở đồng Long Bình, xã Tam Nghĩa. Theo hướng dẫn của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành, nông dân cần tập trung theo dõi, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh và chuột gây hại cho lúa hè thu ngay từ đầu vụ.

Căn cứ vào quy luật phát sinh của các đối tượng dịch hại vụ hè thu, tình hình sâu bệnh chuyển vụ và dự báo thời tiết trong vụ thì trên cây lúa hè thu có khả năng phát sinh bọ trĩ gây hại từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 trên lúa giai đoạn mạ. Cục bộ trên chân ruộng khô hạn thiếu nước, gieo sạ muộn bọ trĩ sẽ gây hại mạnh.

Cạnh đó, sẽ có sâu non, cuốn lá nhỏ gây hại đợt 1 từ ngày 15.6 - 30.6 trên lúa đẻ nhánh; sâu keo gây hại từ ngày 15.6 - 30.6 trên lúa đẻ nhánh. Sâu non đục thân đợt 1 có thể gây hại từ ngày 15.6 - 30.6 trên lúa hè thu chính vụ giai đoạn đẻ nhánh.  Nhiều khả năng xuất hiện bệnh đốm nâu, vàng sinh lý gây hại đợt 1 từ ngày 15.6 - 30.6 trên lúa trà đầu; bệnh lem lép thối hạt, bệnh thối thân, thối bẹ; ốc bươu vàng gây hại trên lúa mới sạ, nhất là ở các vùng lúa trũng thấp.

Ông Hà Văn Tâm – cán bộ phụ trách trồng trọt Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cho biết: “Ngoài bọ trĩ, sâu keo, sâu đục thân, trên lúa hè thu đầu vụ thường xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại đợt 1 từ ngày 15.6 - 10.7 trên lúa đẻ nhánh; bọ xít đen bắt đầu gây hại từ 5.7 đến cuối vụ, tập trung gây hại mạnh vào giai đoạn lúa mút đòng, trổ - chín, nhất là ở vùng lúa ở nhiều thôn, xã.

Ngoài ra, trên lúa hè thu còn có chuột gây hại suốt cả vụ, tập trung gây hại mạnh giai đoạn đứng cái, làm đòng. Bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn gây hại mạnh tập trung từ ngày 25.6 trên lúa cuối đẻ nhánh – đòng trổ, chín. Bệnh khô vằn là đối tượng hại chính trong vụ hè thu, bà con nông dân cần chú ý theo dõi phát hiện sớm để phòng trừ”.

Để bảo vệ tốt lúa hè thu năm 2021 ngay từ đầu vụ, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành khuyến cáo nông dân ứng dụng tốt chương trình ICM, IPM nhằm hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Về sử dụng thuốc trừ cỏ, tùy theo hiện trạng của từng ruộng lúa (thành phần cỏ chính trên ruộng) mà nông dân lựa chọn loại thuốc cỏ phù hợp, liều lượng và cách sử dụng đúng như hướng dẫn trên nhãn thuốc.

Khi sử dụng thuốc trừ cỏ cần lưu ý: không dùng hỗn hợp thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm và hậu nảy mầm để phun. Bên cạnh đó, nông dân cần thực hiện tưới nước “ướt khô xen kẽ”, theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT đã ban hành; chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng trừ sâu bệnh cho lúa hè thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO