Sản xuất lúa hè thu gặp khô hạn

TẤN CHÂU 02/07/2021 06:12

Trước vụ sản xuất lúa hè thu, ngành nông nghiệp đã yêu cầu các địa phương chủ động cơ cấu giống và giảm diện tích phù hợp để đối phó với khả năng khô hạn kéo dài. Tuy nhiên, tình trạng nắng nóng khốc liệt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa hè thu tại nhiều địa phương, nhiều diện tích gieo sạ gần tháng qua rơi vào tình trạng thiếu nước.

Trạm bơm thiếu nước và nhiễm mặn. Ảnh: T.C
Trạm bơm thiếu nước và nhiễm mặn. Ảnh: T.C

Nông dân lo lắng

Là một trong 3 địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất tỉnh, vụ hè thu này huyện Duy Xuyên sản xuất hơn 3.500ha, chủ yếu giống lúa ngắn và trung ngày để lách tránh thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, nắng nóng gay gắt và thiếu nước tưới nghiêm trọng nhiều ngày qua ở các xã Duy Sơn, Duy Thu, Duy Phước, Duy Vinh… khiến nhiều cánh đồng bắt đầu nứt nẻ, lúa non hơn 20 ngày tuổi bắt đầu héo khô.

Ông Lê Quốc Chuyển (thôn Triều Châu, xã Duy Phước) sáng nào cũng vác cuốc ra đồng chờ nước từ trạm bơm 19/5 để cứu lúa. Nhổ những bụi lúa bị héo khô trên ruộng, ông Chuyển lo âu bảo: “Nắng nóng chi mà kinh quá, kéo dài thêm ít hôm nữa thì trắng hết đồng, chừ chỉ mong chờ trời mưa giông thôi”.

Ông Lê Hai - Chủ tịch UBND xã Duy Phước cho hay, địa phương có diện tích lúa lớn nhất huyện, những ngày qua không có mưa, nắng nóng, nhiệt độ gia tăng liên tục, sông Câu Lâu nhiễm mặn, các trạm bơm không thể hoạt động đã làm cho hơn 50% diện tích lúa hè thu thiếu nước, khô héo. Nhiều nông dân chủ động đóng giếng lấy nước ngầm bơm cứu lúa nhưng hiệu quả thấp, làm gia tăng chí phí cho bà con.

Nguy cơ thiếu nước đến cuối vụ

Hiện nay, hầu hết trạm bơm phục vụ tưới cho các vùng trồng lúa trọng điểm trên địa bàn tỉnh đang đối diện với tình trạng liên tục nhiễm mặn, vượt ngưỡng 0,8 phần nghìn (vượt hơn mức cho phép bơm nước tưới lúa). Tình trạng nước mặn diễn ra nghiêm trọng hơn trong những ngày qua, độ mặn đo được tại trạm 19/5 thường xuyên vượt mức 4 phần nghìn, thậm chí có ngày độ mặn lên đến 16 phần nghìn.

Ông Lê Tấn Hướng - phụ trách trạm bơm 19/5 cho biết: “Mặn xâm nhập sâu vào khu vực trạm bơm, chúng tôi tổ chức bơm lách triều nhưng cũng chỉ được 1 - 2 giờ đồng hồ. Với tình trạng này, nguy cơ thiếu nước cho lúa hè thu sinh trưởng và phát triển của xã Duy Vinh và Duy Phước là điều không thể tránh khỏi”.

Nhiều diện tích lúa bắt đầu cháy khô. Ảnh: T.C
Nhiều diện tích lúa bắt đầu cháy khô. Ảnh: T.C

Quảng Nam có 17 hồ lớn do Công ty Khai thác công trình thủy lợi quản lý, đảm bảo nước tưới an toàn cho hơn 22.000ha và 56 hồ nhỏ do các địa phương quản lý, dung tích hữu hiệu đang ở mức thấp, không thể đảm bảo cung cấp nước tưới cho vụ hè thu.

Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời tiết nắng nóng kéo dài diễn ra ngay từ đầu vụ, Sở NN&PTNT đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương chủ động phòng chống hạn, đánh giá khả năng nguồn nước ở các hồ chứa, chú ý tưới tiết kiệm hạn chế lãng phí nước. Tùy tình hình cụ thể, các địa phương có thể cắt giảm diện tích, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, thậm chí ngừng sản xuất để đảm bảo hạn chế thiệt hại cho nông dân…

Hiện nay, có đến 30 hồ chứa vừa và nhỏ do địa phương quản lý bị thiếu hụt nguồn nước, nguy cơ thiếu nước cuối vụ rất dễ xảy ra. Trước mắt, tập trung triển khai đắp đập tạm giữ ngọt tại các sông Vu Gia, Thu Bồn, Bến Giá, Vĩnh Điện; tận dụng nguồn nước hồi quy để bơm tưới cho cây lúa, tránh tình trạng để lúa chết vì thiếu nước.

Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh triển khai gieo sạ 41.500ha (cắt giảm 400ha), trong đó gần 38.000ha chủ động được nước tưới, diện tích còn lại phụ thuộc vào nước trời. Tuy nhiên, trước tình trạng nắng nóng, khô hạn ngày càng bất thường thì câu chuyện sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu cần được quan tâm nhiều hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sản xuất lúa hè thu gặp khô hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO