Sông Kôn với mô hình "Không còn nạn đói"

ĐĂNG NGUYÊN 18/08/2021 07:10

Sau thời gian triển khai Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” theo Quyết định số 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều hộ đồng bào Cơ Tu ở xã Sông Kôn (Đông Giang) đã bước đầu có thêm kiến thức phát triển kinh tế, cải thiện dinh dưỡng bữa ăn gia đình.

Mô hình chăn nuôi chuồng trại được hộ bà Alăng Thị Nghinh duy trì, góp phần phát triển kinh tế. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Mô hình chăn nuôi chuồng trại được hộ bà Alăng Thị Nghinh duy trì, góp phần phát triển kinh tế. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Chuồng nuôi an toàn

Gần một năm, kể từ khi được chọn triển khai chương trình “Không còn nạn đói”, hộ gia đình bà Alăng Thị Nghinh (ở thôn K8, xã Sông Kôn) đã xây dựng được chuồng trại chăn nuôi gà vịt kết hợp trồng cây ăn quả. Bà Nghinh nói, trước đây, gia đình nằm trong diện hộ nghèo của xã, cuộc sống rất nhiều khó khăn.

Năm 2020, từ dự án của Chính phủ, gia đình bà Nghinh được hỗ trợ 90 con giống vịt nuôi lấy trứng và lấy thịt để phát triển sinh kế. Đàn vịt được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên sinh trưởng tốt, sau 6 tháng đem lại cho gia đình bà nguồn thu nhập đáng kể.

“Nuôi theo kỹ thuật được hướng dẫn nên đàn gà, vịt lớn rất nhanh, lại không bị dịch bệnh. Và quan trọng hơn hết, nhờ dự án này mà chúng tôi biết được kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho gia cầm, không còn chăn nuôi theo truyền thống thả rông như trước nên hiệu quả cao hơn rất nhiều” - bà Nghinh chia sẻ.

Tại tỉnh Quảng Nam, dự án chăn nuôi gắn với Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” được triển khai duy nhất tại xã Sông Kôn (Đông Giang), do Trường Cao đẳng Lương thực - thực phẩm Đà Nẵng (thuộc Bộ NN&PTNT) thực hiện từ tháng 6 đến tháng 12.2020. Dự án đã hỗ trực tiếp 30 hộ đồng bào Cơ Tu khó khăn hưởng lợi, với hơn 2.500 con giống vịt xiêm nuôi lấy thịt và lấy trứng; ngoài ra hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và tổ chức cho người dân tham gia các lớp tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về chăn nuôi chuồng trại...

Không chỉ gia đình bà Nghinh, sau thời gian tham gia chăn nuôi vịt theo mô hình chuồng trại, rất nhiều hộ đồng bào Cơ Tu địa phương đã bước đầu hình thành thói quen mới, đảm bảo việc chăm sóc vật nuôi có khoa học. Phương thức chăn nuôi này, không chỉ giúp người dân tiếp cận được kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả, mà còn thay đổi cách nghĩ từ “nuôi để ăn” sang nuôi để làm kinh tế.

Theo ông Bríu Tư - cán bộ lâm nghiệp xã Sông Kôn, do đặc thù dự án nên địa phương chọn các hộ dân ở thôn K8 và Bhờ Hôồng để thực hiện chương trình. Đây là những thôn khó khăn của xã, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo tập quán cũ, thiếu vốn đầu tư cũng như chưa có mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi hiệu quả.

“Ngoài ra, vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em nói riêng và người dân nói chung tại thôn K8 và Bhờ Hôồng chưa được chú trọng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi ở trẻ còn cao, với khoảng 75% số trẻ có chế độ ăn chưa đáp ứng về độ đa dạng thực phẩm” - ông Tư cho biết thêm.

Mong kéo dài dự án

Hiệu quả bước đầu từ mô hình chăn nuôi chuồng trại giúp nhiều hộ dân ở Sông Kôn mở rộng quy mô chăn nuôi kết hợp trồng hoa màu. Như hộ bà Nghinh, sau thời gian chăm sóc đã xuất bán hơn 20 con vịt xiêm với giá 400 - 500 nghìn đồng/con.

Số vịt còn lại bà Nghinh tiếp tục nuôi quay vòng để phát triển thêm nguồn giống, tái tạo đàn vịt mới đảm bảo chất lượng. Không chỉ nuôi lấy thịt, gia đình bà Nghinh còn chăm sóc con giống, cung ứng cho thị trường và các hộ dân địa phương có nhu cầu, góp thêm sinh kế mới ổn định và phù hợp với điều kiện thực tiễn của miền núi.

Bà Đinh Thị Ngơi - Chủ tịch UBND xã Sông Kôn cho hay, mục tiêu của dự án, ngoài hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi, tạo điều kiện để người dân tiếp cận phương thức sản xuất chăn nuôi mới đảm bảo chuồng trại, còn giúp nâng cao nhận thức trong sản xuất nông nghiệp, mở ra cơ hội phát triển kinh tế hộ gia đình. Đây được xem là yếu tố quan trọng để người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định từ việc chăn nuôi, hình thành thói quen chăn nuôi chuồng giúp ngăn ngừa dịch bệnh trong từng hộ dân miền núi.

“Chính nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật từ các lớp tập huấn mà nhận thức về chăn nuôi người dân tăng lên rõ rệt. Dịch bệnh trên gia cầm giảm đi đáng kể. Các hộ tham gia cũng đã dần xóa bỏ được tập quán chăn nuôi thả rông trước đây. Đàn vịt được hỗ trợ đa số phát triển tốt và cho hiệu quả từ việc lấy thịt sử dụng trong bữa ăn cũng như bán ra kiếm thêm nguồn thu nhập đáng kể” - bà Ngơi nói.

Cũng theo bà Ngơi, dự án kết thúc vào cuối năm 2020 và vẫn chưa được triển khai trở lại, khiến gián đoạn trong thời gian khá dài. Vì thế, chính quyền địa phương mong muốn Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp các hộ dân khó khăn khác sớm tiếp cận mô hình chăn nuôi theo phương thức mới.

“Nếu các mô hình dinh dưỡng tiếp tục được triển khai, ngoài sớm phê duyệt dự án để tránh rủi ro do thời tiết, thiên tai vào cuối năm, cần mở rộng ra các thôn khác trong xã để các thôn cùng nâng cao đời sống và tình trạng dinh dưỡng, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững” - bà Ngơi đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sông Kôn với mô hình "Không còn nạn đói"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO