Thoát nghèo ở miền núi: Cần nói thật, làm thật

TRUNG VIỆT 19/04/2022 07:06

Tại thôn A Sờ (xã MaCooih, huyện Đông Giang), từ ngày dự án Làng thanh niên lập nghiệp A Sờ được giao lại cho địa phương quản lý, đã đặt ra câu chuyện thành bại của làng này. Và đây cũng là “chất liệu” để có thể nhìn thấy phương cách thoát nghèo cho người dân miền núi.

Anh Lê Tất Dũng với vườn bưởi cho thu nhập cao. Ảnh: TRUNG VIỆT
Anh Lê Tất Dũng với vườn bưởi cho thu nhập cao. Ảnh: TRUNG VIỆT

Anh Lê Tất Dũng là cư dân của Làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) A Sờ từ những ngày đầu, nay vẫn bám trụ tại đây cho biết, ở làng TNLN này, thanh niên vẫn có nhiều cơ hội làm giàu bởi đất đai rất tốt cho sản xuất.

Gia đình anh trồng 500 cây bưởi, 100 cây quýt tứ quý, xoài, ổi ruby; nuôi thả cá cùng trại nuôi heo, gà. Mỗi mùa, cây trồng và vật nuôi tại đây mang về cho anh hàng chục triệu đồng.

Anh nói: “Đất không xấu, vấn đề chính là người dân thiếu vốn để duy trì sản xuất, cây giống”. Anh Dũng từng là nông dân sản xuất giỏi toàn quốc, nên có nhiều kinh nghiệm sản xuất.

Tôi hỏi: “Có khi nào anh truyền đạt kinh nghiệm cho bà con chưa?”. “Có, tại một số diễn đàn, tôi đã nói, và nếu được tạo điều kiện, tôi sẵn sàng hỗ trợ bà con để cùng nhau làm giàu. Theo tôi, chính quyền nên hỗ trợ nguồn cây giống để bà con trồng, lâu dài mới ổn định được” - anh nói. Hiện số người dân làm ăn khá giả tại đây như anh, rất ít.

Nông dân miền núi lâu nay làm ăn kém hiệu quả, mà theo đánh giá chung là do họ… làm biếng, chỉ thích làm cho có, rồi chờ Nhà nước hỗ trợ. “Không đúng” - ông Đỗ Tài, Bí thư Huyện ủy Đông Giang phản biện. Ông Tài cho rằng vấn đề là Nhà nước giúp họ không hiệu quả.

“Ở Đông Giang, tại xã Ba, có một người quê Quảng Trị vào trồng bưởi đạt kết quả rất tốt, tôi đến tìm hiểu và kết luận, nếu trồng đúng quy trình như thế này, người Cơ Tu không làm được. Lý do, rất chặt chẽ về kỹ thuật và tốn thời gian. Bưởi ra hoa thì phải bỏ bớt, theo dõi liên tục, để mỗi cây chỉ cần có vài trái, chứ không phải để tràn lan với tâm lý trái nhiều là tốt. Bà con họ không nắm được kỹ thuật” - ông Tài nói.

“Vậy giải bài toán này ra sao?”. “Vấn đề đưa cây giống cho họ, xin thưa, hãy coi chừng, bởi bây giờ cây giống giả tràn lan, không truy xuất đúng nguồn gốc, là lãnh đủ. Tư vấn, phổ biến kiến thức hả, thua là cái chắc, bà con không nắm được đâu. Khuyến nông ở miền núi, đừng có nói dông dài.

Ví dụ ngay huyện tôi, tôi hỏi mấy ông làm khuyến nông, nhà ông có bao nhiêu đất? Đây, ông về lập kế hoạch nuôi trồng đi, huyện hỗ trợ cho mượn tiền, nếu ông làm tốt, nhân rộng ra, kêu người thân bạn bè làm có hiệu quả như ông, huyện sẽ cho không số tiền đó. Kết quả, không ông nào làm được. Đó, cán bộ mà làm không được, vậy sao cứ suốt ngày đổ thừa dân, rồi giấy má, họp hành, tuyên truyền, tốn biết bao tiền của công sức mua cây trồng, vật nuôi đổ vào, cuối cùng đổ sông đổ biển” - ông Tài chia sẻ.

“Vậy đâu là lối thoát ?”. Ông Tài trao đổi: “Cầm tay chỉ việc, đó là con đường duy nhất, nếu Nhà nước thấy trách nhiệm thực sự với đời sống người dân, giúp họ thoát nghèo bền vững, có cơm ăn áo mặc ngay trên đất của họ. Việc này làm tốn kém thời gian, con người, nhưng không thể khác. Cam go mấy cũng phải làm, nếu gắn bó và tâm huyết với bà con chứ không phải cứ nói huyên thuyên”.

Những quan điểm về cái nghèo dai dẳng ở miền núi, đá nhau chan chát lâu nay, xuất phát từ người ở núi lẫn đồng bằng, từ dân đến cán bộ. Vậy, đâu là điểm đúng? Tìm lối ra có khó không, và cái cần nhất là dám nói và làm thật, có trách nhiệm tới nơi tới chốn với giấc mơ thoát nghèo của người miền núi chứ không phải khơi khơi khẩu hiệu múa may cho xong.

Đưa dự án lớn lên miền núi, cũng chỉ giải quyết được số ít bộ phận người miền núi tham gia kiếm sống, bởi họ hạn chế trong khả năng lĩnh hội kỹ thuật và quy trình làm việc chặt chẽ. Còn đại bộ phận, họ bám rẫy bám rừng và nuôi cái… đói hàng ngày!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thoát nghèo ở miền núi: Cần nói thật, làm thật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO