Trồng atiso đỏ trên đất Đại Bình

TRIÊU NHAN 23/06/2020 10:46

Chị Thái Thị Xíu và một hội viên phụ nữ khác mạnh dạn đưa giống cây atiso đỏ vào trồng thành công và có hiệu quả bước đầu đã mở ra triển vọng phát triển loại cây này, tạo sản phẩm đặc hữu trên đất Đại Bình (xã Quế Trung, Nông Sơn). 

Trồng atiso cho hiệu quả kinh tế trên đất Đại Bình, Nông Sơn. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Trồng atiso cho hiệu quả kinh tế trên đất Đại Bình, Nông Sơn. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Hiệu quả kinh tế khá

Chị Thái Thị Xíu là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Đại Bình, xã Quế Trung. Chị Xíu không chỉ làm tốt công tác hội mà còn là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Năm 2014, gia đình chị Xíu trồng 1.500 cây bưởi trụ và các loại cây có múi khác, bình quân mỗi vụ cho thu nhập 30 - 50 triệu đồng.

Đầu năm 2019, từ chuyến đi tham quan, học tập kinh nghiệm, nhận thấy cây atiso đỏ là loại cây triển vọng, có hiệu quả kinh tế, chị Xíu nghĩ tới việc đưa giống này vào trồng trên đất Đại Bình. Ban đầu, chị chỉ trồng chừng vài chục cây để xem sự sinh trưởng và sự phù hợp của cây với đất. Khi thành công, cây cho năng suất cao chẳng kém so với một số nơi, chị Xíu và một hội viên xuống giống trên 1 sào đất tại Đại Bình.

Chỉ 2,5 tháng xuống giống, cây đã cho hoa lứa đầu. Chị Xíu thu hoạch hoa già bán ra thị trường với giá 40 - 50.000 đồng/kg. Từ đây, chị Xíu và một hội viên phụ nữ tiếp tục trồng thêm hơn 1 sào atiso đỏ nữa. Chỉ với 2 sào và sau 2,5 tháng trồng, mỗi ngày các chị thu thấp nhất là 10kg, cao thì 20 - 30kg. Bình quân 2 sào atiso đỏ cho thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng, cao so với trồng rau và ngang với trồng 1 sào cây bưởi trụ.

Chị Xíu chia sẻ, mùa vụ xuống giống atiso thường bắt đầu từ tháng 10 và khoảng tháng 1 năm sau là có sản phẩm thu hoạch. Atiso đỏ có 2 vụ trồng: vụ sớm vào tháng 5 - 6, vụ muộn vào tháng 7 - 8. Mật độ trồng, khoảng cách giữa các cây là 65 - 70cm nếu trồng dày và 80 - 90cm nếu trồng thưa. Theo một số tài liệu, atiso đỏ thích hợp với điều kiện đất nhiệt trung bình, hàm lượng hữu cơ 5 - 7%, giữ ẩm và thoát nước tốt. Ẩm độ đất trong vụ khô cần trên 80%, tuy nhiên nếu ẩm độ đất quá cao và kéo dài trong vụ mưa sẽ dễ gây bệnh chết cây con...

Hướng tới sản phẩm OCOP

Các lứa atiso đỏ trồng gối đầu nên sản phẩm có quanh năm, không lo đứt hàng. Atiso đỏ làm sirô, làm mứt hay dầm rượu, đều ngon bởi vị đặc trưng. Sản phẩm atiso của chị Xíu đến nay đã có mặt tại các gian trưng bày sản phẩm đặc trưng của hội viên phụ nữ do Hội LHPN huyện Nông Sơn tổ chức nhằm quảng bá rộng rãi về sản phẩm sạch. Chị Xíu nỗ lực tuyên truyền, vận động hội viên tích cực trồng thêm một số diện tích, tạo vùng nguyên liệu chế biến một số sản phẩm an toàn với sức khỏe, không chất bảo quản.

“Đây là cây trồng có giá trị cao hơn cây rau màu. Tuy nhiên, việc mở rộng phải từ từ, phải đa dạng sản phẩm. Tôi đang học hỏi cách chế biến sản phẩm từ atiso, tiếp theo đó là các vấn đề đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng bao bì, nhãn mác, thương hiệu, đăng ký sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)” - chị Xíu chia sẻ. 

Bà Phan Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội LHPN huyện Nông Sơn cho biết, mô hình kinh tế trồng atiso của chị Thái Thị Xíu và một hội viên phụ nữ khác là mô hình lần đầu tiên xuất hiện ở Đại Bình. Các chị đã mạnh dạn trong việc đưa giống này về trồng trên đất Đại Bình. Qua thực tiễn, đây là mô hình có hiệu quả kinh tế, có thể nhân rộng tại Đại Bình song phải xây dựng được chuỗi sản phẩm, đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

“Về phía hội, sẽ tích cực mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đến hội viên, có hướng nhân rộng mô hình cũng như giúp các chị quảng bá sản phẩm đến với đông đảo hội viên, người tiêu dùng. Đồng thời đề xuất các ban ngành, cơ quan giúp đỡ các chị trong việc tạo sản phẩm an toàn và đa dạng hóa sản phẩm du lịch làng quê Đại Bình, hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP từ atiso” - bà Phan Thị Ngọc Dung cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trồng atiso đỏ trên đất Đại Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO