Trồng rau quả trên đất lúa

HOÀI NHI 07/12/2016 08:25

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Duy Xuyên mạnh dạn chuyển các chân ruộng sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng một số loại rau quả. Thực tế cho thấy, bước đầu mô hình này mang lại giá trị kinh tế tương đối cao…

Điểm sáng Duy Trung

Từ cuối tháng 11 dương lịch đến nay, mặc dù trời mưa lạnh kéo dài nhưng trên các cánh đồng của thôn Mậu Hòa (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên) vẫn có nhiều nông dân ra đồng. Tất cả đều hối hả với việc làm đất, bón phân chuồng, rải vôi bột, lót bạt để chuẩn bị bắt tay vào gieo trồng các loại rau quả như khổ qua, bí đao, cà tím, mướp, dưa leo… nhằm kịp thời cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Xoa đôi bàn tay cho đỡ lạnh, ông Nguyễn Văn Bình - một người dân thôn Mậu Hòa cho hay, gia đình ông có 2 sào đất canh tác lúa trên cánh đồng Minh Khánh rộng gần 10ha. Năm 2011 trở về trước, hàng năm ông Bình gieo sạ 2 vụ lúa đông xuân và hè thu, năng suất bình quân 1 sào đạt khoảng 270kg khô.

Bà Lương Thị Giám ở thôn Mậu Hòa (xã Duy Trung, Duy Xuyên) đang bón phân cho ruộng khổ qua.  Ảnh: HOÀI NHI
Bà Lương Thị Giám ở thôn Mậu Hòa (xã Duy Trung, Duy Xuyên) đang bón phân cho ruộng khổ qua. Ảnh: HOÀI NHI

Từ đầu năm 2012 đến nay, mỗi năm ông Bình chỉ sản xuất 1 vụ lúa hè thu nhằm đảm bảo đủ gạo ăn, còn vụ đông xuân và thu đông thì chuyển số diện tích đó sang gieo trồng các loại rau củ quả với mục đích vừa tăng thêm thu nhập vừa góp phần cải tạo độ màu mỡ cho đất, cắt đứt nguồn tồn lưu của dịch hại. Ông Bình chia sẻ: “Gần cuối tháng 8.2016, ngay sau khi thu hoạch xong lúa hè thu, tôi liền bắt tay vào việc cải tạo đất và triển khai gieo trồng vụ dưa leo thu đông. Nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, ứng dụng bài bản quy trình kỹ thuật và phòng trừ hiệu quả những loại sâu bệnh nguy hiểm gây hại nên tôi thu được tổng cộng 2,5 tấn dưa từ 2 sào đất. Với giá bán 1kg dưa là 4 nghìn đồng thì tổng giá trị đạt 10 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí còn lại lãi ròng 7 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với làm lúa. Bây giờ, tôi đang tập trung xuống giống lứa dưa leo mới để kịp cung ứng cho thị trường tết và hy vọng sẽ lại có một mùa bội thu”.

Cách thửa đất của ông Bình không xa, bà Lương Thị Giám đang lom khom nhổ cỏ, bón phân cho ruộng khổ qua và dưa leo vừa lên xanh mướt. Bà Giám cho biết, hơn 6 năm nay bà chuyển hẳn 4 sào đất lúa nằm trên cánh đồng An Dưỡng thuộc thôn Mậu Hòa sang chuyên canh các loại rau củ quả và năm nào cũng mang lại giá trị kinh tế cao. “Nhờ nguồn nước tưới luôn chủ động nên từ đầu năm 2016 đến nay tôi liên tục trồng mướp, bí đao, dưa leo trên số diện tích này theo phương thức gối vụ. Sau khi trừ vốn đầu tư, tôi thu về mức lãi ròng không dưới 35 triệu đồng. Hiện nay, gia đình tôi đang tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để giàn dưa leo và khổ qua phát triển tốt, cho năng suất cao. Và, điều tôi mong đợi nhất là giá bán sản phẩm vào thời điểm cuối năm sẽ tăng mạnh nhằm giúp nhà nông có cái tết đủ đầy” - bà Giám bộc bạch.

Không riêng gì ông Bình và bà Giám, những năm gần đây rất nhiều hộ dân khác ở Duy Trung cũng có nguồn thu nhập đáng kể từ việc linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Bà Đoàn Thị Nhân – Phó ban nông nghiệp xã Duy Trung cho biết, thời gian qua địa phương đã quy hoạch xây dựng 2 vùng sản xuất rau củ quả trên đất lúa theo hướng hàng hóa với tổng diện tích 17ha, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Nam Thành và Mậu Hòa. Bà Nhân nói: “Sở dĩ ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền địa phương lựa chọn những vùng đó để chuyển đổi là vì có điều kiện thổ nhưỡng rất thích hợp, hạ tầng thủy lợi được đầu tư thi công đồng bộ và đặc biệt là đa số nông dân nắm khá vững quy trình kỹ thuật sản xuất rau củ quả. Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi này đã giúp người dân nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Cụ thể, bình quân hàng năm 1ha đất sản xuất rau quả chuyên canh đạt giá trị 120 - 150 triệu đồng, cao gấp 4 - 6 lần so với gieo sạ lúa”.

Tập trung nhân rộng

Ông Huỳnh Văn Ánh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, tính đến đầu tháng 12.2016 toàn huyện đã chuyển hơn 24ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại rau củ quả, tập trung nhiều nhất ở các xã Duy Phước, Duy Trung, Duy Châu, Duy Trinh và thị trấn Nam Phước. Theo ông Ánh, để tiếp sức cho nhà nông, những năm qua ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền nhiều địa phương đã chi ít nhất 300 triệu đồng thi công một số công trình thủy lợi hóa trên đất lúa và xây dựng hệ thống kênh mương phục vụ việc tưới tiêu. Nhờ chú trọng đầu tư nhiều khâu nên mỗi năm 1ha đất lúa chuyển sang trồng các loại rau củ quả đem lại cho người nông dân mức thu nhập 110 - 140 triệu đồng, thậm chí nhiều vùng đạt 150 - 200 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đình Xuân - Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho rằng, qua khảo sát thực tế tại nhiều vùng thì việc chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng những loại rau củ quả bước đầu cho lợi nhuận khá cao. Vì vậy, trong thời gian tới huyện Duy Xuyên sẽ tiếp tục hỗ trợ nhà nông nhân rộng mô hình canh tác này. Ông Xuân nói: “Trước mắt, năm 2017 toàn huyện sẽ chuyển thêm 50ha đất lúa sang trồng các loại rau củ quả, chủ yếu tại 3 xã Duy Phước, Duy Hòa, Duy Tân. Đi đôi với việc mở rộng diện tích, ngành chuyên môn sẽ tích cực đẩy mạnh khâu chuyển giao các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân ứng dụng bài bản quy trình sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP phù hợp với đặc điểm sinh thái từng vùng. Đặc biệt, chú trọng liên kết với các doanh nghiệp để gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, đây được xem là tiền đề hết sức quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

HOÀI NHI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trồng rau quả trên đất lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO