Hai huyện Nông Sơn, Đại Lộc đang tích cực chủ động phương án ứng phó với thiên tai, bão lũ nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Chú trọng vùng bị cô lập
Theo thông tin cảnh báo, mùa mưa lũ năm 2015 có khả năng xuất hiện vào đầu tháng 10 và kết thúc cuối tháng 11 với khả năng có từ 3 đến 5 đợt lũ. Cũng như các huyện miền núi và vùng trọng điểm lũ khác, Nông Sơn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, ngập lụt và sạt lở đất trong mùa mưa lũ. Theo ông Trần Thiện Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn, để chủ động ứng phó với thiên tai, ngay từ đầu tháng 8, huyện đã chỉ đạo tổng kết công tác phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) năm 2014 và triển khai phương án năm 2015. Công tác PCLB-TKCN ở Nông Sơn được triển khai xuống từng thôn, các trưởng thôn và 2 - 3 hộ ở mỗi thôn đều được tham gia tập huấn công tác ứng phó cấp huyện. Cùng với đó, ban chỉ huy cấp huyện cũng chỉ đạo các địa phương khảo sát, lập danh sách, hỗ trợ xăng dầu đối với những chủ phương tiện đáp ứng điều kiện tham gia ứng phó, di dân khẩn cấp khi có báo động. “Hiện trang thiết bị, áo mưa, giày dép, đèn pin, cuốc xẻng… đã được bổ sung xuống các địa phương. Tổ chức tầm nhìn thế giới cũng đã hỗ trợ loa cầm tay cho trưởng thôn và hỗ trợ mỗi thôn 1 máy nổ công suất nhỏ. Ngoài ra, tổ chức này còn cấp phát áo phao, cặp sách dạng phao đến học sinh - đối tượng dễ bị tổn thương nhất ở vùng bị cô lập bởi lũ tại xã Quế Lâm” - ông Thắng chia sẻ.
Người dân ở Đại Lộc chung tay khắc phục hậu quả sau đợt lũ lụt xảy ra vào năm ngoái. Ảnh: Bích Liên |
Cũng theo ông Thắng, đáng lo ngại nhất hiện vẫn là 4 xã trọng điểm lũ thuộc vùng tây Nông Sơn gồm: Quế Lâm, Quế Ninh, Quế Phước và Phước Ninh. Đặc biệt, hai thôn Tứ Nhũ và Thạch Bích (xã Quế Lâm) hiện vẫn nằm ở vùng cách trở bởi sông Thu Bồn, bị cô lập hoàn toàn khi có mưa lũ xảy ra. Trước, vùng này có khoảng 40 - 50 hộ dân sinh sống bằng ghe nan trên sông nhưng nay đã được chính quyền vận động lên bờ, bố trí sinh sống tại khu tái định cư thôn Tứ Trung 1. Năm 2015, toàn huyện có 40 hộ dân nằm trong diện được hỗ trợ xây nhà tránh lũ, song đến nay, do những vướng mắc, vẫn chưa triển khai được trước mùa mưa lũ. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Phú Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho hay, toàn huyện có 7 xã thì có đến 6 xã có nguy cơ bị ngập khi có mưa lớn. Chưa kể, nguy cơ xuất hiện lũ ống, lũ quét ở vùng tây huyện vẫn là mối lo. Do vậy, kịch bản PCLB-TKCN được chuẩn bị rất kỹ, tất cả đã sẵn sàng, linh hoạt trong tình huống khẩn cấp. “Dù đã quen “sống chung với lũ”, nhưng huyện luôn chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt đến người dân không được chủ quan, lơ là, nhằm giảm thiểu thiệt hại khó lường. Đến nay, địa phương và thủy điện Sông Tranh 2 đã xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ. Ngoài phương án, kịch bản được phê duyệt, phía thủy điện Sông Tranh 2 cam kết sẽ phối hợp, liên lạc báo động trong mọi tình huống. Ngoài ra, việc thỏa thuận địa điểm để thủy điện tiến hành lắp đặt 2 trạm cảnh báo lũ tại 2 xã Quế Lâm và Quế Phước đã được tiến hành”.
Ứng phó với sạt lở
Sạt lở cũng là mối lo tại nhiều địa phương ở Nông Sơn. Hiện có gần tại một số xã đang đối diện với sạt lở, trong đó có 3 nhà dân thuộc nguy cơ sạt lở nặng. Những năm qua, huyện chỉ mới bố trí một số trường hợp nhà ở sát chân núi di dời vào khu tái định cư xã Quế Lâm. Trong khi mấy chục hộ nói trên vẫn chưa có điều kiện di dời do nhiều nguyên nhân: mặt bằng tái định cư, nguồn vốn hỗ trợ di dời, sinh kế cho người dân tại nơi ở mới... “Trong khi chờ phương án thì mùa mưa bão này, huyện đã chỉ đạo các địa phương nắm hết danh sách, vận động bà con thuộc diện sạt lở di dời đến nơi ổn định khi có báo động” - ông Phạm Phú Thủy thông tin.
Tại Đại Lộc, ngoài những điểm nóng dân cư đã được xây bờ kè như thị trấn Ái Nghĩa, bờ kè thôn Phước Yên, thôn Mỹ Hảo… thì trên địa bàn huyện còn xuất hiện một số điểm sạt lở khác. Gần đây nhất là tình trạng sạt lở ven sông Vu Gia ảnh hưởng tới đời sống của 34 hộ dân tại thôn Hà Dục Đông (xã Đại Lãnh). Ông Ngô Xuân Yến - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho hay, trước tình trạng sạt lở ven sông, khu tái định cư Gò Hiu đã được triển khai xây dựng trên địa bàn xã là nơi bố trí tái định cư cho 34 hộ dân nhằm tạo điều kiện cho bà con ổn định đời sống. Theo đó, mỗi hộ được cấp một lô đất 200m2. Hiện, mặt bằng đã tiến hành xong, hệ thống điện thắp sáng đã tới nơi, chỉ còn vướng mắc một số thủ tục về đóng điện. “Sắp tới sẽ có một số hộ vào trước xây nhà ở. Để ứng phó với mưa lũ, địa phương đã yêu cầu bà con làm cam kết khi có báo động, phải khẩn cấp di dời đến nơi an toàn theo phương án có sẵn để đảm bảo tính mạng, tài sản” - ông Yến nói.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc thông tin thêm, trong năm 2015, Đại Lộc chỉ được bố trí vốn hỗ trợ tái định cư xen ghép đối với 6 hộ dân. Riêng khu tái định cư tập trung Gò Hiu, sắp tới Phòng NN&PTNT huyện sẽ tổ chức buổi làm việc với Chi cục Định canh định cư tỉnh, xã Đại Lãnh và 34 hộ dân, xem xét hộ nào có nhu cầu và đủ điều kiện vào trong năm 2015. Dù chưa được bố trí vốn hỗ trợ di dời trong năm nay, nhưng Phòng NN&PTNT sẽ tham mưu huyện ứng trước vốn để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con an cư. Cũng theo ông Mẫn, ngoài Đại Lãnh, Đại Lộc còn có hai điểm sạt lở ảnh hưởng tới di dời dân thuộc thôn Quảng Đại 1 (xã Đại Cường) và thôn Mỹ Hảo (Đại Phong). Tại Mỹ Hảo, chỉ mới triển khai được bờ kè dài 350m, còn 50% khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông, cần tiếp tục kè thời gian tới. Điểm sạt lở tại thôn Quảng Đại 1 ảnh hưởng trực tiếp đến 45 hộ dân sinh sống ven sông Thu Bồn, do không có mặt bằng tái định cư nên cần phải kè để bảo vệ đất đai, nhà cửa, tài sản của nhân dân. “Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nguồn bố trí cho việc kè sông, nên mỗi mùa mưa lũ, việc hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn là phương án cấp thiết” - ông Mẫn nói.
TRẦN BÍCH LIÊN