Đại Sơn phấn đấu về đích nông thôn mới

HOÀNG LIÊN 07/06/2022 06:39

Năm 2022, xã Đại Sơn (Đại Lộc) phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí, nâng tổng số tiêu chí nông thôn mới lên 16/19 tiêu chí và phấn đấu hoàn thiện 19/19 tiêu chí, đưa xã cán đích nông thôn mới vào năm 2023.

Nhiều tuyến đường giao thông được mở ra làm thay đổi diện mạo của vùng đất Đại Sơn. Ảnh: H.LIÊN
Nhiều tuyến đường giao thông được mở ra làm thay đổi diện mạo của vùng đất Đại Sơn. Ảnh: H.LIÊN

Vượt khó đi lên

Đại Sơn là xã vừa thoát khỏi Chương trình 135 của huyện Đại Lộc. Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), địa phương đối diện với không ít khó khăn do xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống của phần lớn nhân dân còn gặp khó khăn.

Nếu giai đoạn 2014 - 2015, Đại Sơn được biết đến với nhiều cái “không”: không đường, không điện, không trường, không trạm, không cầu, song, từ muôn vàn khó khăn ấy, xã nghèo đã nỗ lực đổi mới và bứt phá từng ngày.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Đại Sơn lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thiện 19/19 tiêu chí và đưa xã đạt chuẩn NTM vào năm 2023. Xã tiếp tục nâng chất 16 tiêu chí đã đạt, phấn đấu hoàn thành 3 tiêu chí còn lại vào cuối năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 6,45%, tương đương với 72 hộ nghèo, trong đó có 27 thuộc bảo trợ xã hội, 42 hộ không thuộc bảo trợ xã hội nhưng khó thoát nghèo.

Đại Sơn phấn đấu đạt 16/19 tiêu chí trong năm 2022. Thôn Hội Khách Đông đang trên đà xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu và thôn Tân Đợi đang được nâng cấp mở rộng hành lang tuyến.

Năm 2022, cầu Hội Khách - Tân Đợi hoàn thành, đưa vào sử dụng. Diện mạo Đại Sơn được cải thiện với cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; một số tuyến đường liên thôn, liên xóm được bê tông hóa khang trang và những tuyến đường trồng cây xanh, trồng hoa mọc lên...

Ông Ngô Vinh - Bí thư Đảng ủy xã Đại Sơn cho hay, địa phương huy động các nguồn lực tổng hợp để xây dựng, hoàn thiện nhiều công trình, hạng mục NTM quan trọng như đường sá, trường học, trung tâm văn hóa - thể dục - thể thao xã.

Nhiều công trình, thiết chế văn hóa - xã hội được xây mới, nâng cấp đồng bộ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cầu Hội Khách - Tân Đợi đã nối đôi bờ. Có cầu, kinh tế và đời sống người dân phát triển, giao thương thuận lợi hơn trước.

“Hạ tầng giao thông phát triển, thương mại - dịch vụ được cải thiện và xã kiến nghị đầu tư một điểm dừng chân, mở 2 điểm thương mại - dịch vụ ở 2 đầu cầu, tạo đà phát triển. Địa phương kết nối các điểm du lịch từ vườn cây trái lòn bon Đồng Chàm, hình thành vườn cây ăn quả Đồng Chàm - Đầu Gò, nơi ngã ba sông, kết nối với chùa Đại Xuân - điểm du lịch tâm linh, tạo đà phát triển vùng” - ông Ngô Vinh nói.

Quá trình xây dựng NTM của Đại Sơn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, việc xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu còn chậm tại thôn Hội Khách Đông, chất lượng thực hiện các tiêu chí NTM còn thấp, một số tiêu chí chưa bền vững, đặc biệt là tiêu chí phát triển sản xuất, lao động, việc làm, thu nhập... vẫn chưa có giải pháp hiệu quả.

Công tác vận động nhân dân xây dựng NTM chưa thật sự đi vào chiều sâu; người dân vẫn còn tâm lý trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Chất lượng xây dựng vườn mẫu, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn còn mờ nhạt. Là xã miền núi, đi lên từ xuất phát điểm thấp trong khi Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 nâng cao hơn trước...

Nỗ lực cán đích năm 2023

Theo ông Ngô Vinh, để hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM vào năm 2023, nhiều nhiệm vụ cấp thiết được đặt ra như: ưu tiên xây dựng Hội Khách Đông trở thành thôn kiểu mẫu, huy động nguồn lực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng Đại Sơn thành miền quê đáng sống.

Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng NTM của xã lên tới trên 40 tỷ đồng, kinh phí các cấp hỗ trợ dự kiến khoảng 22 tỷ đồng giai đoạn 2022 - 2023. Địa phương đang rà soát, sắp xếp các tiêu chí, bố trí nguồn lực hợp lý cho các công trình, hạng mục, kiện toàn cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất bền vững.

Cầu Hội Khách - Tân Đợi bắc qua sông Vu Gia đưa vào sử dụng tạo động lực cho Đại Sơn phát triển. Ảnh: H.LIÊN
Cầu Hội Khách - Tân Đợi bắc qua sông Vu Gia đưa vào sử dụng tạo động lực cho Đại Sơn phát triển. Ảnh: H.LIÊN

“Tỷ lệ hộ nghèo của xã còn ở mức cao. Năm 2021, xã có 30 hộ thoát nghèo; năm 2022, xã tiếp tục hỗ trợ 30 hộ thoát nghèo. Huyện giao chỉ tiêu thoát nghèo lớn trong khi nguy cơ tái nghèo còn cao trong nhóm đã thoát nghèo do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Từ nay đến cuối năm 2022, Đại Sơn phấn đấu hoàn thành các tiêu chí có những chỉ tiêu mềm để tập trung cho nhóm tiêu chí còn lại” - ông Vinh nói.

Ông Nguyễn Hữu Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Sơn chia sẻ, để nâng cao thu nhập cho người dân, Đại Sơn tập trung phát triển kinh tế rừng, khuyến khích nhân dân trồng rừng gỗ lớn, phát triển cây giổi, lát hoa bản địa với tổng diện tích cây giổi và lát hoa khoảng 20ha.

Địa phương cũng khuyến khích người dân trồng cây sao đen, trồng rừng gỗ lớn; khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại; xây dựng các mô hình nuôi bò vỗ béo, nuôi vịt thương phẩm, nuôi gà thả đồi với tổng đàn lớn. Phát triển chuỗi liên kết sản phẩm dứa Khe Hoa hoặc chuỗi liên kết thịt heo an toàn, sạch bệnh.

Theo ông Trung, Đại Sơn cũng chủ trương đẩy mạnh các giải pháp giảm nghèo, tạo điều kiện cho lao động nông thôn được giải quyết việc làm ở nhóm ngành may mặc. Tiếp tục hỗ trợ, xây dựng các vườn mẫu, cải tạo vườn tạp, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích tụ ruộng đất, hình thành khu sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại Sơn phấn đấu về đích nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO