Gặp khó khi về đích nông thôn mới

TẤN SỸ 23/11/2021 08:39

Từ khi triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều bản làng ở huyện Tây Giang khởi sắc. Thế nhưng, nhiều khó khăn cũng bắt đầu bộc lộ và người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Đường vào thôn nông thôn mới kiểu mẫu Tr’lê, xã A Tiêng. Ảnh: T.SỸ
Đường vào thôn nông thôn mới kiểu mẫu Tr’lê, xã A Tiêng. Ảnh: T.SỸ

Tr’lê là thôn NTM kiểu mẫu đầu tiên của xã A Tiêng - một trong 3 xã về đích NTM của huyện Tây Giang giai đoạn 2010 - 2020. Ông Bling A Hồng (thôn Tr’lê) có nhiều đóng góp trong xây dựng NTM, gia đình ông tự nguyện hiến 700m2 đất để làm đường, rồi đóng góp ngày công san nền, dựng gươl, lập làng mới…

Ngày A Tiêng được công nhận đạt chuẩn NTM, ông rất vui mừng, nhưng cũng từ đây nỗi lo về khám chữa bệnh, về chuyện ăn ở, học hành của các con bắt đầu đè nặng lên đôi vai người đàn ông Cơ Tu này.

“Giờ cả nhà không có thẻ bảo hiểm y tế, hai đứa con đi học cũng không được miễn giảm học phí như trước kia. Không chỉ nhà mình, mà nhiều hộ dân trong làng cũng không có tiền mua bảo hiểm y tế, thấy tội” - ông Hồng nói.

Câu chuyện của ông Bling A Hồng cũng là nỗi lòng của nhiều người dân Tr’lê sau khi địa phương được công nhận xã NTM.

Ông BLúp Vang - Phó Chủ tịch UBND xã A Tiêng cho biết: “Đa phần người dân ở xã A Tiêng làm nông nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, chỉ đủ trang trải phần nào cuộc sống. Giờ lo thêm các khoản từ học phí tới bảo hiểm cho cả gia đình là việc không dễ. Xã đã vận động tuyên truyền bà con giữ rừng để lấy nguồn đó mua thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh”.

Không riêng A Tiêng, mà ở hai xã A Nông và Lăng, sau khi hoàn thành NTM, người dân vẫn chưa thực sự quen với việc bị thôi hưởng các chính sách của Nhà nước. Trong đó, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bình quân mỗi xã trước đây được thụ hưởng hơn 5 tỷ đồng/năm, thì nay đã bị cắt giảm hoàn toàn, người dân phải tự mua bảo hiểm.

Với vùng cao, việc vận động người dân sử dụng thẻ bảo hiểm đã khó thì việc để họ tự mua bảo hiểm y tế sẽ là việc rất gian nan. Cũng vì lý do mà có nhiều trường hợp không muốn thoát nghèo, cũng như không muốn xây dựng NTM.

Ông Bling Miên - Phó phòng NN&PTNT huyện Tây Giang nói: “Đối với khó khăn về bảo hiểm y tế thì chúng tôi mong tỉnh có cơ chế đặc thù, mang tính chất hỗ trợ nguồn lực riêng cho miền núi. Về tiêu chí trường học, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT có hướng hỗ trợ gạo, cơ sở vật chất cho học sinh tiếp tục đến trường”.

Dù địa phương đã linh hoạt sử dụng các nguồn từ thu dịch vụ môi trường rừng để mua thẻ bảo hiểm y tế cho người dân, rồi đề xuất các giải pháp với tỉnh trong hỗ trợ lương thực, cơ sở vật chất cho học sinh…, song đó chỉ là những giải pháp tình thế.

Theo ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang: “Về lâu dài, chúng tôi đã có những kiến nghị với tỉnh, trung ương rà soát lại những chính sách này. Để khi hoàn thành chương trình NTM thì y tế, giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn cũng cần quan tâm, chứ không nên cắt ngang như hiện nay”.

Không riêng Tây Giang mà thực trạng chung này đang diễn ra ở các xã về đích NTM ở miền núi. Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra quy định rất ngặt nghèo: Tất cả các xã ở miền núi nếu đạt chuẩn NTM sẽ không còn xã khu vực 3, mà thuộc xã khu vực 1. Như vậy sẽ mất đi một số chế độ chính sách cơ bản cho người dân. Điều này sẽ nảy sinh vấn đề tiêu cực, người dân muốn ở khu vực 3 chứ không muốn về lại khu vực 1.

“Sở NN&PTNT đã đề xuất HĐND, UBND tỉnh cần xây dựng một cơ chế, lộ trình để hỗ trợ cho những xã NTM ở miền núi, góp phần giảm bớt khó khăn cho bà con trong vấn đề hỗ trợ chính sách bảo hiểm, học đường cho các con em, rồi chính sách cho cán bộ..., có như thế mới tạo nên những bước chuyển trong xây dựng NTM ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số” - ông Tấn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gặp khó khi về đích nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO