Ông Hồ Văn Diêm - Bí thư Đảng ủy xã Bình Đào, huyện Thăng Bình cho biết, trong chặng đường đấu tranh giải phóng quê hương, ở địa phương có biết bao người luôn một lòng đi theo cách mạng, kiên trung, bất khuất, không ngại hy sinh; tên tuổi của họ gắn liền với bao chiến công oanh liệt. Bà Trần Thị Hồng (sinh năm 1952, ở thôn Trà Đóa 1) là một minh chứng sống động.
Lúc tuổi thiếu nhi, bà Trần Thị Hồng đã biết phụ giúp cha mẹ và các anh nuôi giấu, che chở cán bộ cách mạng tại địa phương. Từ năm 1964 - 1968, gia đình bà Hồng lần lượt tiễn 3 người con trai lên đường cầm súng chiến đấu. Còn bà Hồng lúc đó vừa học trường làng vừa tham gia hoạt động. Trong chống Mỹ, cả vùng đông Thăng Bình là một chiến trường. Do đó, mỗi tấc đất ở đây trở thành một chiến lũy. Khi Mỹ - ngụy tràn tới các xóm làng đều bị du kích chặn đánh quyết liệt.
Nữ chiến sĩ cách mạng năm xưa Trần Thị Hồng. Ảnh: B.N |
Dù liên tục bị địch càn quét, bộ đội và du kích địa phương vẫn kiên cường bám trụ đánh trả. Đến tháng 4.1969 địch chốt đóng tại cứ điểm Miếu Ông, lập đồn bốt, lùa dân vào các khu dồn. Trong các khu dồn, những tên ác ôn giở trò tố cộng, thanh lọc, bắt bớ, tra khảo một số bà con có người thân tham gia kháng chiến. Gần cả năm trời, cha mẹ bà Hồng cũng bị quản thúc, khảo tra nhưng các cơ sở cách mạng ở đây vẫn tuyệt đối an toàn. Trong những ngày nằm gai nếm mật ấy, bà Hồng đã được cấp ủy ém lại khu dồn để xây dựng lực lượng cơ sở, tổ chức diệt ác. Tận dụng lợi thế cha mình làm nghề bốc thuốc bắc có rất nhiều người ra vào, bà Hồng thường xuyên quan sát rồi tiếp cận với những người có ý chí cách mạng để gây dựng cơ sở và điểm mặt những tên tề ngụy nham hiểm. Nhằm dễ dàng trong việc đi lại và tiếp cận cơ sở, bà Hồng sắm thêm bàn máy may quần áo để chị em thuận lợi trao đổi thông tin. Những năm 1970 - 1973, bà Hồng thực hiện 30 chuyến đi lên căn cứ. Bình tĩnh, khôn khéo, vượt qua bao đồn bốt, bà đã đưa những thông tin quý giá cho tổ chức một cách an toàn và thông suốt. Sau chuyến đi Xuyên Tân vào năm 1973, bà Hồng được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Lúc ấy, Bình Đào có 2 chi bộ, phụ trách 43 cơ sở, trong đó có 7 du kích mật.
Bà Hồng bảo rằng, hàng chục năm nay, mỗi khi trái gió trở trời, vết thương từ những lần bị tra khảo tại nhà lao quận lỵ Thăng Bình và tỉnh lỵ Quảng Tín lại hành hạ thể xác bà. Nhưng vết thương cơ thể không thể nào sánh được với vết thương lòng mà bà đã từng phải chịu đựng. Đó là vào năm 1973, khi bà chứng kiến người anh trai hy sinh trước mặt mình. Rồi sau đó một thời gian, bà lại lần lượt nhận hung tin 2 người anh khác cũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Bà Hồng tâm sự: “Lúc nghe tin các anh trai hy sinh, lòng tôi đau xót vô cùng. Nhiều đêm, nhớ thương các anh, nước mắt tôi đầm đìa trong uất hận. Hàng ngày, nhìn thấy kẻ thù vẫn ngang nhiên đi lại trên mảnh đất quê hương khiến tôi căm phẫn. Và, tôi chỉ muốn một lòng theo cách mạng để giải phóng quê hương, đem lại bình yên cho nhân dân”. |
Bà Hồng vẫn nhớ như in một nhiệm vụ mà bà trực tiếp chỉ huy, đó là vào chiều 24.8.1974, tên N.H.P. - Bí thư Đảng Dân chủ đến ăn tiệc tại nhà tên cận vệ H.T.. Tổ du kích bố trí mai phục bên ngoài. Khoảng 21 giờ, tên H.T. chở N.H.P. theo đường liên xã hướng về Trà Đóa. Lúc này, tổ du kích nổ súng, cả hai tên ngã gục xuống đường. Từ dấu mốc này, các khu dồn của địch ở những xã vùng đông Thăng Bình liên tiếp bị lực lượng bộ đội, du kích, đội công tác cơ sở phối hợp đánh diệt nhiều tên ác ôn, đầu sỏ phản bội.
Nhận biết cách mạng có đầu mối “chỉ điểm” bên trong, bọn tình báo, cảnh sát, tề ngụy truy tìm gắt gao “Việt cộng nằm vùng” và bọn chúng đã phát hiện ra hầm bí mật tại đồi Hà Bình. Từ đây, chúng phục kích bắt được bà Hồng cùng 15 đồng chí khác ở các cơ sở Trà Đóa, Phước Long. Hơn 3 tuần tại chi khu cảnh sát, nhà lao quận lỵ Thăng Bình, trải qua mọi ngón đòn tra tấn dã man của địch như nhồi nước xà phòng, móc sườn, nung kim trên lửa chích vào thân thể… nhưng bọn chúng chẳng khai thác được gì ở bà Hồng ngoài câu trả lời “Tôi không biết”. Dùng cực hình tra tấn bà Hồng không được, bọn chúng chuyển qua dùng những lời dụ dỗ đường mật hòng khai thác thông tin nhưng đều thất bại. Biết không thể khai thác được gì, chúng chuyển bà Hồng đến nhà lao Quảng Tín. Khác với lao khám ở quận lỵ Thăng Bình, tại nhà lao Quảng Tín có nhiều phương tiện tra khảo tàn nhẫn hơn với lối hành xử tù nhân ác độc hơn. Sau 3 tháng hết bị thẩm vấn đến tra khảo, nhiều lúc bà Hồng rơi vào mê sảng nhưng bọn địch cũng không thể moi được một lời nào từ bà. Ngày 10.3.1975, quân và dân ta nổi dậy tiến công giải phóng Buôn Mê Thuột. Ở Quảng Nam, quân ta giải phóng nhiều cứ điểm quan trọng. Nhận thấy tình hình không ổn, địch đã đẩy bà Hồng và một số tù chính trị khác ra nhà lao Kho Đạn tại Đà Nẵng. Trưa 29.3.1975, Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng, bà Hồng cùng một số tù nhân được giải thoát.
Hòa bình lập lại, bà Hồng về quê, lập gia đình. Tuy nhiên, bà vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động xã hội. Từ năm 1975, bà Hồng đảm nhận vai trò Bí thư Chi đoàn xã Bình Đào (nay là Bí thư Đoàn xã). Sau đó bà chuyển sang công tác tại Cửa hàng mua bán Hợp tác xã Bình Đào. Từ năm 1988, bà Hồng đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã, đến năm 2000 thì nghỉ hưu. Người con gái nhỏ nhắn Trần Thị Hồng ngày xưa từng vào tù ra khám, từng sống dưới mưa bom bão đạn, từng chịu nhiều mất mát hy sinh… giờ đây sống chan hòa cùng con cháu và bà con xóm làng. Bà luôn quan tâm giúp đỡ thế hệ đi sau hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Bà thường gương mẫu và tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào, hoạt động ở địa phương…
MAI NHI - GIANG BIÊN