Nụ cười Trường Sa

LÊ VĂN CHƯƠNG 15/03/2019 03:05

Trên đảo Đá Lát năm 1988, bảy chiến sĩ vai vác súng, miệng nở nụ cười, mặc kệ mọi thứ xung quanh đang rất nóng bỏng - những họng pháo hằm hè nhả đạn để cướp đảo như đã làm với Gạc Ma. Đó là tấm ảnh “Nụ cười trên đảo Đá Lát” được nhà báo Nguyễn Viết Thái - nguyên phóng viên Báo Phú Khánh ghi lại.

Tấm ảnh “Nụ cười trên đảo Đá Lát”. Ảnh: NGUYỄN VIẾT THÁI
Tấm ảnh “Nụ cười trên đảo Đá Lát”. Ảnh: NGUYỄN VIẾT THÁI

Bất ngờ vì nụ cười

Nếu gõ lên google từ khóa “hình ảnh Trường Sa năm 1988” sẽ thấy những tấm ảnh rất giá trị, do nhà báo Nguyễn Viết Thái chụp trong chuyến đi Trường Sa, sau sự kiện Trung Quốc thảm sát 64 chiến sĩ Việt Nam ở đảo Gạc Ma. Thời điểm đó, tất cả bộ đội ở các đảo còn lại luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trong chùm ảnh của anh có tấm ảnh thể hiện niềm lạc quan của người lính và được anh đặt tựa “Nụ cười trên đảo Đá Lát”.

Nhà báo Nguyết Viết Thái, nguyên phóng viên Báo Phú Khánh cho biết, sau sự kiện Trung Quốc vây ráp và sát hại 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam ở Gạc Ma, đường ra đảo rất khó khăn, nhưng hai chiếc tàu 961 và 861 thuộc Lữ đoàn 125 vẫn rời quân cảng Cam Ranh hướng ra Trường Sa. Có mặt trên tàu tuần tra 861 ngày đó là Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và nhiều lãnh đạo Quân chủng Hải quân. Nhà báo Nguyễn Viết Thái đi trên tàu 961 cùng nghệ sĩ Phạm Đình Quát ở Quốc doanh Nhiếp ảnh Phú Khánh, nhạc sĩ Xuân An (đã mất) ở Sở Văn hóa - Thông tin, ca sĩ Thanh Thanh và ca sĩ Anh Đào…

Nhà báo Nguyễn Viết Thái (thứ 3, bên phải) cùng đồng nghiệp trong chuyến đi Trường Sa. Ảnh: NGUYỄN VIẾT THÁI
Nhà báo Nguyễn Viết Thái (thứ 3, bên phải) cùng đồng nghiệp trong chuyến đi Trường Sa. Ảnh: NGUYỄN VIẾT THÁI

Trên đường ra Trường Sa, anh em phóng viên tưởng tượng ra cảnh căng thẳng, lo âu. Nhưng rồi khi lên đảo Đá Lát, mọi người hết sức ngạc nhiên về nét vô tư, lạc quan của những người lính trẻ. Anh Thái bấm máy và ghi lại ngay khoảnh khắc 7 chiến sĩ đội mũ tai bèo có vải dày để chống nắng. Lính trẻ “nhuộm da nâu” vì mặc áo ngắn tay, quần đùi. Da ai cũng rám nắng và láng bóng vì hơi mặn của nước biển.

Nếu nhìn vào nét mặt và ánh mắt của các chiến sĩ trẻ trong tấm ảnh “Nụ cười trên đảo Đá Lát” thì có thể nhận ra, đây không phải là những nụ cười gượng gạo, mà là nụ cười tươi trẻ, tự nhiên. Nụ cười ấy làm rung  động trái tim mọi người. Vì sau đó được biết, thời điểm chụp tấm ảnh này, ở phía nam đảo đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa xảy ra sự việc 2 tàu chiến Trung Quốc, trong đó có tàu tên lửa, đã khiêu khích cắt mũi, quần thảo đe dọa và bám theo tàu Hải quân Việt Nam.

Ghi khoảnh khắc

Nhà báo Nguyễn Viết Thái kể lại, cuộc hải trình ra Trường Sa năm 1988 đầy gian nan và nguy hiểm trước họng súng của tàu chiến Trung Quốc. Nhưng được ra đảo Trường Sa tác nghiệp vào thời điểm đó là một niềm tự hào, thể hiện trách nhiệm của người làm báo. Vì cả nước đang hướng về Trường Sa thân yêu. Đi đâu cũng nghe đài phát đi bài hát nghe nhói lòng và rơi nước mắt: “Không xa đâu Trường Sa ơi/ Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh…!”.

Sự kiện Trung Quốc thảm sát 64 chiến sĩ Hải quân ở đảo Gạc Ma năm 1988 mãi mãi là vết cắt trong lòng người Việt Nam. Chính vì vậy, những tấm ảnh ghi lại không khí sẵn sàng chiến đấu, cuộc sống đời thường của lính đảo và nụ cười của lính trẻ trở thành tư liệu vô giá của lịch sử.

Tại đảo Trường Sa Lớn, nhà báo Nguyễn Viết Thái chụp ảnh toàn thể cán bộ, chiến sĩ tập trung đào hầm hào, công sự dưới cái nắng cháy để sẵn sàng chiến đấu. Khoảng khắc các chiến sĩ ăn cơm ngay trên mâm pháo dưới cái nắng như đổ lửa cũng được nhà báo Nguyễn Viết Thái ghi lại. Khi đến đảo Phan Vinh, mọi người lặng đi vì chứng kiến cảnh anh em bộ đội sống trong một ngôi nhà sàn trên hòn đảo nhỏ nhoi. Ngôi nhà trông khá yếu ớt trước cuồng phong của biển. Bên cạnh đó là ngôi nhà thuộc nhà sàn thế hệ thứ 2 được xây dựng bằng đá vững chãi như lô cốt. Kho lương thực và nước ngọt chất trên một chiếc xà lan thả trôi trên biển, được cố định bằng dây neo.

Trong chùm ảnh của nhà báo Nguyễn Viết Thái, tấm ảnh được nhiều tờ báo sử dụng lại nhất, đó là hình Đại tướng Lê Đức Anh tại Lễ kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam ở đảo Trường Sa Lớn. Đó là thời điểm Đại tướng dõng dạc đọc lời thề: “…Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu!”.

20 ngày đi 11 đảo

Nhà báo Nguyễn Viết Thái, quê ở Hà Nội, nhập ngũ tháng 2.1971. Anh công tác tại Tiểu đoàn 2, đơn vị 9378, thuộc Tổng Cục kỹ thuật, đóng tại Hà Bắc. Năm 1975, anh có mặt trong đoàn quân tiến vào Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh và vào tiếp quản thị xã Buôn Ma Thuột. Thời gian sau này, anh về công tác tại quân cảng Cam Ranh. Cơ duyên nghề báo đến với anh trong một lần mượn máy ảnh của người quen đi “chụp chơi” và cảm thấy ham thích. Sau này anh mua một chiếc máy ảnh Pentack để “chụp thật”, và chiếc máy này đã theo anh khi chuyển ngành sang làm nghề phóng viên, ra Trường Sa.

Nhà báo Nguyễn Viết Thái tham gia Hội nhiếp ảnh Phú Khánh năm 1981. Là phóng viên viết, nhưng anh khá chú trọng vào kỹ thuật chụp ảnh. Điểm lại những dấu mốc từ khi cầm bút đến khi nhận quyết định nghỉ hưu, anh đúc kết rằng: “Nhà báo để lại dấu ấn sâu đậm trong đời làm nghề mình thì đó là tác phẩm ảnh. Vì tấm ảnh phản ánh đầy đủ, trực quan về sự kiện và ai cũng có thể đọc được”.

Chùm ảnh Trường Sa năm 1988 được anh chụp tại 11 đảo trong thời gian 20 ngày. Chùm ảnh được đánh giá là nguồn tư liệu rất có giá trị, là tác phẩm báo chí đặc sắc về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

LÊ VĂN CHƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nụ cười Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO