Nhiều người bảo chị Trần Thị Chung Thủy (thôn An Mỹ, xã Tam Lãnh, Phú Ninh) là “vác tù và hàng tổng” bởi thấy chị chạy tới chạy lui như con thoi để vận động, thuyết phục mọi người ai có công góp công, ai có sức góp sức. Và nhờ đó, 2 cây cầu nối liền khu dân cư đã được xây dựng.
Chúng tôi tìm gặp khi chị vừa ở rừng trở về. “Mình mới nghỉ làm trưởng thôn cách đây ít bữa, nên giờ lo làm kinh tế thôi, không như trước đây, chỉ lo làm tròn bổn phận của người trưởng thôn…” - chị Thủy nói. Nhắc đến chị, ông Nguyễn Tấn Hòa - Bí thư Đảng ủy xã Tam Lãnh không tiếc lời khen ngợi: “Chưa thấy một phụ nữ nào năng nổ, nhiệt tình đến vậy. Chạy ngược chạy xuôi, xoay xở đủ đường để tìm kinh phí xây cầu cho người dân. Anh em thấy cũng cảm động nên giúp được gì thì sẵn sàng giúp…”. Từ sự vận động của chị Thủy, hai cây cầu Hốc Khế và Ông Hồng (thôn An Mỹ) đã được xây dựng, giúp hơn 50 hộ dân địa phương không còn bị chia cắt, cô lập vào mùa mưa lũ. “Hai con suối Đập Sanh và Vực Voi ngày thường thì hiền hòa, nhưng chỉ cần mưa lớn một chút là nước dâng cao, chảy rất xiết, hai khu dân cư sẽ bị cô lập, chia cắt. Hai cây cầu được xây dựng là một việc làm rất ý nghĩa cho bà con cũng như xã Tam Lãnh” - ông Hòa nói thêm.
Tam Lãnh nổi tiếng là xứ vàng nhưng cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Việc xây cầu để phục vụ đi lại cho người dân là thiết yếu, nhưng không có nguồn kinh phí nên đành chịu. Chị Thủy tâm sự: “Hồi đó có chị trong thôn chạy qua nhờ tôi liên hệ với người nào thôn bên kia suối để hỏi xem cháu nhà có ở bên đó không. Mưa lớn, nước lũ dâng đột ngột. Mấy em học sinh bên kia bị mắc kẹt không về được. Nhìn người phụ nữ nước mắt ngắn dài vì lo cho con, tự nhiên thấy xót. Thế là quyết tâm làm cho bằng được cây cầu để các em học sinh được yên tâm đi học, người dân có cái cầu để qua lại…”. Vậy là “chạy”, chị chạy đôn chạy đáo khắp nơi, hết lên xã để xin kinh phí hỗ trợ lại lui tới họp dân để bàn bạc, thống nhất ý kiến… Cầu Hốc Khế được UBND xã hỗ trợ 17 triệu đồng, còn lại là người dân chung tay góp sức để xây dựng nên một cây cầu dài 17m, rộng 2m. “Làm được cây cầu ai cũng mừng. Quan trọng là tất cả đều đồng lòng với nhau nên mới có được chứ một mình mình thì cũng chịu” - chị Thủy cười nói.
Ngày khởi công xây cầu, chị tất tả ngược xuôi lo từng bữa ăn, nước uống để bà con góp sức làm cầu. Có người muốn thuê kỹ sư thiết kế cho cây cầu nhưng chị gạt đi, bởi tiền thuê thiết kế quá lớn, trong khi nguồn vốn eo hẹp. Chị đứng ra thiết kế với lý lẽ “có chuyện gì thì tôi sẽ là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Mình làm để mình đi chứ không kinh doanh, lợi lộc gì ở trong đó mà sợ kém chất lượng”. Vậy là làm, người nào không góp tiền thì góp công cùng xây dựng. Và chỉ với 60 triệu đồng, cây cầu của lòng dân đã hoàn thành. Ngày bàn giao công trình, chị mời cơ quan chức năng, chính quyền xã xuống nghiệm thu, và công trình được sử dụng an toàn cho đến hiện tại. “Thừa thắng xông lên, sau thành công của cầu Hốc Khế, mình lại chạy để vận động người dân xây dựng cầu Ông Hồng. Ở đây tuy không lũ lớn như cầu Hốc Khế nhưng cũng thường xuyên bị chia cắt giữa tổ dân cư. Lần này thì thuận lợi hơn bởi trước đó người dân đã thấy được sự cần thiết và hiệu quả nên họ nhanh chóng ủng hộ” - chị Thủy kể. Với kinh phí ban đầu là 30 triệu đồng (UBND xã Tam Lãnh hỗ trợ 10 triệu đồng), chị đã cho kè đá rồi đổ cống bi làm thành cầu. Sau này, có người con quê hương về nghe tin, ủng hộ 20 triệu đồng để tu sửa cầu, chị một lần nữa vận động người dân góp thêm tiền, công để nâng cấp, sửa chữa cho cầu. Đến nay, ô tô tải đã qua được để vào sâu trong núi vận chuyển cây keo cho người dân.
NGUYỄN DƯƠNG