Một đóa cúc vạn thọ hay một rừng hoa mai vàng, rực rỡ trong tết thì vẫn là hoa tết. Một đĩa hạt dưa khiêm tốn hay cả một mâm cỗ đủ đầy thì đều là thức tết. Một khoảnh khắc tết hay một nửa ngày tết, đều là tết.
Đối với mình, tết “thật” nhất là từ tối 30 đến sáng Mùng Một. Đó là định nghĩa nửa-ngày-tết của mình. Nửa ngày tết như vậy, có gì nhỉ? Một nửa của một nửa ngày tết, là vẫn còn ở ngày 30 của tháng Chạp. Ngày đó, mình cùng mẹ đi chợ hoa, cùng ba sắm sửa đồ cúng giao thừa, cùng cả nhà xem chương trình Táo quân. Nhiều người vẫn thường bảo, tết dạo này chán hay tết không còn được như xưa, nhưng mình thấy tết vẫn dễ thương như ngày nào. Vì tết, nhà mình làm chuyện gì cũng cùng nhau, cũng rất chi là... tết.
Mà ngày 30 tết, không khí tết lắm. Những thứ bình thường chẳng mấy liên quan tới nhau, bỗng dưng nhảy ra, xô vào nhau, quện thành mùi tết đặc quánh. Cái gió lạnh đầu mùa cuốn theo chút khói hương ba vừa mới thắp xong, chút hơi ấm từ khắp ngôi nhà hòa với mùi vôi vừa mới quét nghe nhè nhẹ, thanh thanh, vấn vít vào người. Đi dạo một vòng, hít một hơi, bỗng dưng thấy mình đã là một phần của tết.
Để bước sang tết thì phải ngang qua giao thừa; mà giao thừa thì (thường thường) có pháo hoa. May quá, pháo hoa nằm đúng y trong nửa-ngày-tết của tôi. Đi xem pháo hoa ở Tam Kỳ, tôi thích lắm, bởi một lý do rất đơn giản là đã sống ở Tam Kỳ 18 năm rồi, và pháo hoa ở Tam Kỳ bắn rất... đơn giản. Có mở đầu, có cao trào, kết thúc có chút hoành tráng, đối với tôi, vậy là đủ. Theo lời cu em tôi thì pháo hoa là mấy cái bông nở trên trời, nổ bụp bụp, tròn tròn. Vậy mà năm nào tôi cũng háo hức, dù pháo hoa năm nay chả khác gì năm trước. Thôi kệ, pháo hoa không khác, nhưng mình khác, là được rồi.
Mình khác, bởi vì dần qua những cái tết, thấy bản thân “nợ” tết nhiều quá. Nợ cả nhà vài lần dạo chợ hoa, nợ mẹ mấy cái bánh chưng xanh gói cùng, nợ ba mấy bông vạn thọ hay chút cùng nhau “tút” lại ngôi nhà, và nợ cu em một bì lì xì (dù mình vẫn còn ở tuổi nhận lì xì). Nợ tết, nợ một nửa ngày tết thật... tết.
PHAN CHÍ BẢO